Nhìn lại toàn cảnh vụ 'bán chui' 74,8 triệu cổ phiếu của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết

Vụ bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC của Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã góp phần tạo nên sóng gió cho thị trường chứng khoán trong suốt những ngày qua.

Hôm qua 12/1, cổ phiếu FLC bị bán tháo về giá sàn, nhưng luôn luôn trắng bên mua. Những người còn đang sở hữu cổ phiếu này không thể nào bán được dù đã chịu lỗ hơn 20% sau khi vừa mua xong.

Lãnh đạo doanh nghiệp "đánh úp" nhà đầu tư

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 10/1, cổ phiếu FLC tăng kịch trần lên 24.100 đồng/cổ phiếu, kích thích nhà đầu tư ồ ạt mua vào vì kỳ vọng giá tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, đến khoảng 14 giờ cùng ngày, khi hệ thống giao dịch của HoSE gặp trục trặc, cổ phiếu FLC bất ngờ đảo chiều giảm kịch sàn khiến những nhà đầu tư nắm cổ phiếu này hết sức hoang mang. Đáng chú ý, khối lượng khớp lệnh của FLC trong phiên này cao kỷ lục, tới hơn 135 triệu cổ phiếu.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC.  
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC.  
Đến chiều tối cùng ngày, trên website Tập đoàn FLC xuất hiện một bản đăng ký giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết ký ngày 5/1 nhưng không có dấu mộc, với nội dung đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC, tổng giá trị giao dịch dự kiến theo mệnh giá là 1.750 tỷ đồng. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 10 - 17/1. Mục đích giao dịch là cơ cấu tài sản. Phương thức giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh.Theo thông báo, sau khi bán, ông Quyết giảm tỉ lệ sở hữu cổ phiếu FLC từ 30,34% (215 triệu cổ phiếu) còn 5,7% (40,4 triệu cổ phiếu).

Tuy nhiên, sau đó văn bản này trên website của FLC được chỉnh lại thành ngày ký là 10/1 và thời gian đăng ký giao dịch là từ 14/1 chứ không phải 10/1 như văn bản trước đó. Cả 2 văn bản này đều chưa được đăng tải trên website của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) theo quy định.

Sáng 11/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) thông tin cơ quan này đã nhận được báo cáo của HoSE về việc ông Trịnh Văn Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của SSC về việc "bán chui" cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) quyết định thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1/2022 của ông Trịnh Văn Quyết; phong tỏa tài khoản đứng tên ông Trịnh Văn Quyết. Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa là kể từ ngày 11/1/2022, thời hạn phong tỏa sẽ kéo dài cho đến khi Chủ tịch SSC có quyết định thay thế.

Bên cạnh đó, HoSE và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) sẽ xác định lại các tài khoản nào khớp lệnh đối ứng từ tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết để hủy lệnh và trả lại tiền cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, phiên giao dịch ngày 10/1 có tới 135 triệu cổ phiếu được khớp lệnh cho nên ngoài lô cổ phiếu 74,8 triệu đơn vị bị hủy thì có nhiều lệnh vẫn mua bán bình thường. Các giao dịch không phải đối ứng từ ông Trịnh Văn Quyết sẽ vẫn diễn ra bình thường vì thị trường thuận mua vừa bán. 

Hành động của ông Trịnh Văn Quyết đã khiến nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FLC thua lỗ nặng. Một nhà đầu tư chứng khoán chia sẻ, sáng 10/1, người này được nhân viên tư vấn khuyến nghị mua cổ phiếu FLC nhưng khi cổ phiếu chưa kịp về tài khoản thì đã bị Chủ tịch HĐQT FLC "đánh úp".

Mức phạt nào cho việc chủ tịch Quyết "bán chui" cổ phiếu?

Ngày 12/1, trả lời câu hỏi của báo chí về việc Bộ Công an có chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ vào cuộc xác minh vụ bán "chui" cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, về nguyên tắc, khi có những vấn đề về an ninh xã hội, an ninh văn hoá đáng chú ý, Bộ Công an sẽ thực hiện một số công tác nghiệp vụ theo chức năng nhiệm vụ. Qua đó, đảm bảo an ninh, trật tự, an sinh, an toàn xã hội.

Theo quy định, ông Quyết với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC phải báo cáo với cơ quan quản lý thị trường về kế hoạch thoái vốn tối thiểu ba ngày làm việc trước ngày dự kiến giao dịch, tức ngày 5/1. Điều này nhằm tạo sự công bằng cho những nhà đầu tư không phải là người nội bộ của doanh nghiệp.

Văn bản ông Quyết thông báo bán 175 triệu cổ phiếu cũng đề ngày 5/1, nhưng SSC cho biết chỉ nhận được thông tin này vào cuối buổi chiều 10/1. Trong thời gian này, website của Tập đoàn FLC hay Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM - nơi doanh nghiệp niêm yết cũng không đăng thông tin.

Theo Nghị định 128 có hiệu lực đầu năm nay về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, người nội bộ hoặc cổ đông lớn không báo cáo về giao dịch dự kiến, có thể chịu 8 mức phạt, thấp nhất là 5 triệu đồng và cao nhất là 3-5% giá trị giao dịch thực tế nếu giao dịch đó hơn 10 tỷ đồng.

Vì loại chứng khoán ông Quyết giao dịch là cổ phiếu nên giá trị giao dịch được tính theo mệnh giá, trong trường hợp này sẽ tương đương 748 tỷ đồng. Mức xử phạt tối đa theo cách tính này khoảng 37,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Nghị định cũng quy định thêm, mức phạt tối đa với cá nhân là 1,5 tỷ đồng. Do đó, nhiều khả năng ông Quyết chỉ phải nộp phạt 1,5 tỷ đồng cho đợt bán chui cổ phiếu.

Đáng chú ý, việc ông Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu không phải lần đầu. Năm 2017, SSC từng ra quyết định xử phạt ông Quyết số tiền 65 triệu đồng với vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Theo đó, từ ngày 20/10/2017 - 24/10/2017, ông Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị của CTCP Tập đoàn FLC (mã CK: FLC) đã bán ra 57 triệu cổ phiếu nhưng không báo cáo thông tin giao dịch với Ủy ban chứng khoán và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Việc giao dịch của ông Quyết được thực hiện khi cổ phiếu FLC ở ngưỡng 7.100 - 7.700 đồng, với giá trị giao dịch thu về ước tính đạt hơn 400 tỉ đồng. Ngay sau đó, cổ phiếu FLC giảm về mức 6.500 đồng, mất gần 10% giá trị.

Cùng thời điểm này, SSC cũng ra quyết định xử phạt CTCP Xây dựng FLC Faros (mã CK: ROS) - công ty này do ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch Hội đồng quản trị - với số tiền 130 triệu đồng cho hành vi tương tự.

Trong quý III/2021, doanh thu của CTCP Tập đoàn FLC giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, về mức 1.455 tỷ đồng. Doanh thu giảm mạnh nhưng doanh nghiệp này vẫn có lãi gộp 144 tỷ đồng khi giá vốn hàng bán giảm đến 65%. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, FLC lỗ gộp gần 330 tỷ đồng.

Thế nhưng doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết lại ghi nhận hàng loạt chỉ số kinh doanh ảm đạm khác. Doanh thu hoạt động tài chính chỉ hơn 270 tỷ đồng, giảm gần 80%. Tuy các chi phí thường xuyên được tiết giảm khá tốt nhưng doanh nghiệp lại gánh khoản lỗ 194 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết.

Điều này khiến lợi nhuận sau thuế của FLC giảm hơn 99%, về mức 5,6 tỷ đồng. Đây là quý thứ ba liên tiếp, lợi nhuận của doanh nghiệp này sụt giảm và cũng là mức lãi thấp nhất 5 quý gần đây.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu FLC đạt 5.605 tỷ đồng giảm 43%. Trong đó, đà giảm sâu nhất đến từ mảng dịch vụ khi doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết hụt mất 80% doanh thu. 

Duy Anh

Theo Sở hữu trí tuệ