Ngân hàng ABBank hy sinh lợi nhuận để tăng bộ đệm dự phòng?
Để hạn chế rủi ro trước đại dịch, ngân hàng ABBank lựa chọn chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận để tăng bộ đệm dự phòng nhằm tăng cường năng lực xử lý nợ xấu. Phần chi phí dự phòng rủi ro này được coi là 'của đề dành' của nhà băng nhưng với nhà đ...
ABBank phải hy sinh lợi nhuận để lấp đi nợ xấu
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa báo lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 1.979 tỷ đồng, tăng gần 45% so với năm trước và hoàn thành 100% kế hoạch đề ra.
Tính riêng trong quý 4/2021, kết quả kinh doanh của ABBank nhìn chung kém khả quan. Cụ thể, hoạt động chính của ngân hàng đạt hơn 869 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ. Trong khi đó, các nguồn thu ngoài lãi lại tăng trưởng không đồng nhất.
Thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối lỗ hơn 51 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 cũng lỗ hơn 40 tỷ đồng); thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 47% xuống còn gần 223 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ tăng 162% lên hơn 142 tỷ đồng; thu nhập từ mua bán chứng khoán kinh doanh đem về khoản lãi gấp 36 lần lên mức 54,5 tỷ đồng.
Mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý 4 tăng 13% so với cùng kỳ, đạt hơn 640 tỷ đồng nhưng ABBank dành ra gần 281 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng vọt 155%. Do đó, ABBank báo lãi sau thuế quý 4/2021 đạt gần 281 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ 2020.
Thực tế, có hai quan điểm trái chiều về việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng. Nhà đầu tư coi đây là “gánh nặng” ăn mòn lợi nhuận, còn ngân hàng lại xem là “của để dành”, yếu tố có khả năng tạo ra lợi nhuận đột biến trong tương lai.
Chung quy, dù góc nhìn có khác nhau thì việc trích lập dự phòng rủi ro về cơ bản vẫn là một khoản chi phí bắt buộc theo quy định của các ngân hàng nhằm xử lý nợ xấu, đồng nghĩa với việc nhà băng nào nhiều nợ xấu thì trích lập dự phòng rủi ro sẽ cao.
Đáng chú ý nhất là dòng tiền tại ABBank, trong quý 4/2021 dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 5.888 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ 2020 dương gần 4.260 tỷ đồng). Do đó, dòng tiền thuần trong kỳ âm hơn 4.576 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương hơn 4.273 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 31/12/2021, tổng tài sản của ABBank đạt hơn 121.694 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2020.
Dư nợ tín dụng tăng 13,2% lên 78.640 tỷ đồng; trong đó, dư nợ của nhóm khách hàng cá nhân đạt 33.174 tỷ đồng, dư nợ nhóm khách hàng SMEs đạt 16.609 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 10%. Huy động từ khách hàng đạt 79.255 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2020.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tính đến cuối năm 2021 đạt mức 12,79%. Lợi suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt ở mức 12,79% và 1,5%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ được kiểm soát ở mức 1,45%.
Bên cạnh đó, ngân hàng cho biết năm 2021 là năm đầu tiên năng suất lao động bình quân của mỗi nhân viên đạt mức 511 triệu đồng/người, tăng 42% so với năm 2020 (360 triệu đồng/người).
Về tình hình nợ xấu tại ABBank, tính đến 31/12/2021, tổng nợ xấu nội bảng chỉ tăng 7% so với đầu năm, ghi nhận hơn 1.422 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 31% lên 272 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn cũng tăng 27% lên hơn 790 tỷ đồng, tuy nhiên nợ nghi ngờ giảm 27% xuống còn gần 360 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu tại ABBank giảm nhẹ từ 2,09% xuống còn 2,06%.
Chưa kể, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 – với khoản vay quá hạn 10 – 90 ngày) tại ABBank tăng 62% lên hơn 1.680 tỷ đồng.
ABBank chuẩn bị tăng vốn lên gần 10.000 tỷ đồng
Liên quan tới tăng vốn điều lệ, ngày 31/12/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (NHNN) cho biết đã tiếp nhận báo cáo kết quả hai đợt chào bán và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và theo chương trình ESOP của ABBank. Qua đó, đánh dấu việc hoàn thành tăng vốn giai đoạn 1 của ngân hàng.
Cụ thể, ABBank đã chào bán hơn 114 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 20%) cho cổ đông hiện hữu và phát hành hơn 11,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2%) cho cán bộ nhân viên theo chương trình ESOP.
Sau khi hoàn thành tăng vốn giai đoạn đoạn 1, vốn điều lệ của ABank đã tăng từ 5.713 tỷ đồng lên gần 6.970 tỷ đồng.
Trong cùng ngày, UBCKNN đã có văn bản xác nhận hồ sơ phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% của ABBank.
Theo đó, ngân hàng này sẽ tiến hành triển khai thực hiện tăng vốn giai đoạn 2 là chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Nguồn sử dụng để phát hành cổ phiếu thưởng gồm 2.256 tỷ đồng được trích từ lợi nhuận chưa phân phối và 183,4 tỷ đồng trích từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.
Số cổ phần thưởng phát hành là gần 244 triệu đơn vị, tương đương với tỷ lệ 35% trên số cổ phần sau tăng vốn giai đoạn 1.
Sau khi hoàn thành tăng vốn giai đoạn 2, vốn điều lệ ABBank dự kiến sẽ đạt gần 10.000 tỷ đồng, đúng theo phương án tăng vốn đã được Đại hội đồng Cổ đông thông qua và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.