Ngân hàng cấp tập tăng vốn, ứng phó rủi ro và nợ xấu tăng cao

Rủi ro nợ xấu có xu hướng gia tăng trong nửa cuối năm 2024. Các ngân hàng đang đẩy mạnh tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn.

Gần đây, nhiều ngân hàng thông báo chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao, phát hành cổ phiếu mới, thưởng cổ phiếu… để tăng vốn điều lệ.

Ngày 30/8, OCB chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, tổng cộng gần 411 triệu cổ phiếu. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của OCB tăng từ 20.548 tỷ đồng lên 24.658 tỷ đồng.

Ngày 29/8, MSB chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%, tương đương phát hành thêm 600 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ sẽ tăng từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 26/8, SeABank chốt danh sách cổ đông để phát hành 329 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 13,18%, đồng thời phát hành thêm 10,3 triệu cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ 0,4127%. Tổng tỷ lệ phát hành của hai phương án là 13,6%, vốn điều lệ của SeABank dự kiến sẽ tăng thêm 3.393 tỷ đồng, lên 28.350 tỷ đồng.

Tương tự, VIB đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng vào ngày 23/8/2024. Theo đó, VIB sẽ phát hành thêm gần 431,3 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ 17%. Ngoài ra, VIB sẽ phát hành hơn 11 triệu cổ phiếu ESOP cho các cán bộ, nhân viên có tên trong danh sách chốt ngày 23/8. Sau 2 đợt phát hành, vốn điều lệ của VIB tăng từ 25.368 tỷ đồng lên hơn 29.790 tỷ đồng.

SHB cũng đang hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan quản lý về việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức trong tháng 9/2024, với tỷ lệ 11%, dự kiến nâng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng.

Ngân hàng cấp tập tăng vốn, ứng phó rủi ro và nợ xấu tăng cao - Ảnh 1

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận TPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 4.403 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Với phương án này, vốn điều lệ của TPBank tăng từ 22.016 tỷ đồng lên tối đa 26.419 tỷ đồng.

Ba "ông lớn" ngân hàng nhà nước là VietinBank, Vietcombank và BIDV đều có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu trong thời gian tới. Từ đầu năm tới nay, cả ba ngân hàng này đều chưa chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ.

Nhiều ngân hàng khác như HDBank, Nam A Bank… cũng đồng loạt tăng vốn điều lệ thông qua các hoạt động phát hành cổ phiếu để trả cổ tức; một số ngân hàng khác đẩy mạnh phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2.

Ngoài ra, một số ngân hàng cũng đẩy mạnh gia tăng tiềm lực tài chính, huy động nguồn vốn từ đối tác nước ngoài như Vietcombank, MBBank, VPBank, HDBank... từ đó mở ra dự địa tăng trưởng tín dụng cao trong giai đoạn tới.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam vẫn đáng quan ngại kể từ năm 2023 khi tỷ lệ nợ xấu và dự phòng tổn thất tín dụng tăng lên. Ngoài ra, các biện pháp gia hạn cơ cấu nợ nhằm ứng phó đại dịch, tiếp tục được gia hạn và dự kiến chấm dứt vào tháng 12/2024, có thể khiến cho tỷ lệ nợ xấu còn cao hơn nữa.

Giới chuyên gia dự báo nửa cuối năm 2024 sẽ là giai đoạn đầy thách thức cho ngành ngân hàng khi rủi ro nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Vốn điều lệ đóng vai trò quan trọng như một “bộ đệm”, đem lại nguồn lực cần thiết cho các ngân hàng đối phó với những thách thức và biến động trong môi trường kinh tế không ổn định; tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục hỗ trợ vốn cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân.

Ngoài ra, việc tăng vốn cũng sẽ tạo ra dư địa về nguồn lực để các ngân hàng đầu tư cho các hệ thống công nghệ theo yêu cầu tất yếu của kỷ nguyên ngân hàng số nhằm tăng trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng và đẩy mạnh hoạt động tín dụng, kinh doanh hiệu quả hơn nữa.

Minh Dũng

Theo VietnamFinance