Ngân hàng hé lộ tham vọng lợi nhuận, cổ đông lo nợ xấu lại tăng

Năm 2021, loạt ngân hàng BIDV, MSB, ACB,... đặt mục tiêu lợi nhuận khá tham vọng và tự tin sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, cổ đông vẫn lo lắng nợ xấu tăng kèm trích lập dự phòng rủi ro lớn.

Mới đây, loạt ngân hàng hé lộ kết quả kinh doanh ‘khủng’ trong quý 1/2021, đồng thời, nhiều nhà băng cũng lên kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng trong năm 2021.

Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021 (ĐHĐCĐ), cổ đông một số ngân hàng vẫn còn băn khoăn về khả năng thực hiện mục tiêu kinh doanh bởi nợ xấu có nguy cơ tăng, đòi hỏi trích lập dự phòng lớn.

Cổ đông MSB muốn tỷ lệ nợ xấu năm 2021 dưới 2%

ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của MSB  
ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của MSB  
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 diễn ra ngày 24/3, một số cổ đông MSB đã đặt câu hỏi: Năm 2020 là năm khó khăn vì Covid nhưng ngân hàng đã giảm được tỷ lệ nợ xấu xuống còn 1,62%. Thế nhưng lại dự kiến năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nhỏ hơn 3%. Đề nghị làm rõ hơn nhỏ hơn 3% là bao nhiêu, chỉ nên dưới 2%. 

Lãnh đạo MSB cho biết, mức dưới 3% là thận trọng. MSB là ngân hàng có khẩu vị rủi ro chặt chẽ và tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không lớn. Tuy nhiên, MSB cũng lo có một số thay đổi quy định của NHNN về trích lập dự phòng.

Ngoài ra năm 2021, một số các khoản nợ của khách hàng doanh nghiệp mới bị tác động. Ban điều hành để mức độ thận trọng nhưng các công tác kiểm soát rủi ro vẫn ở mức chặt chẽ. Nếu không có đột biến về chính sách thì tỷ lệ nợ xấu không quá 2% và ngân hàng hoàn toàn đạt được mức lợi nhuận cam kết với cổ đông.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng Giám đốc MSB cho biết, cập nhật đến thời điểm hiện tại (24/3) tổng doanh thu thuần của ngân hàng đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Tỷ trọng thu nhập từ lãi đạt khoảng 85% và thu ngoài lãi khoảng 33,8%. Dự kiến đến cuối quý 1, tiền gửi của MSB đạt 92.000 tỷ, tăng 11% so với đầu năm. Dư nợ cho vay đạt xấp xỉ mức phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, tăng trên 9%.

Ước tính lợi nhuận của MSB trong quý 1/2021 đạt khoảng 1.200 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn CAR ở mức 9,9% và nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Trong năm 2021, ngân hàng MSB đã trình kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lãi trước thuế đạt 3.280 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2020. Mục tiêu nợ xấu đảm bảo kiểm soát dưới 2%.

Cổ đông BIDV lo lắng nợ xấu tăng, trích lập dự phòng rủi ro lớn ảnh hưởng tới lợi nhuận

ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của ACB  
ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của ACB  
Ngày 06/04/2021, Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021.

Theo tài liệu ĐHCĐ, ban lãnh đạo ACB đặt kế hoạch hoạt động năm 2021 với lợi nhuận trước thuế khoảng 10.602 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với lợi nhuận năm 2020. Tín dụng kỳ vọng tăng 9% (điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp), tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì dưới 2%.

Tính đến 31/03/2021, tín dụng tại ACB đạt 324.000 tỷ đồng, tăng 4,1%. Huy động 352.000 tỷ đồng. Lợi nhuận quý 1 là 3.105 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 1%.

Một số cổ đông ACB băn khoản khả năng ngân hàng kiểm soát được nợ xấu ở mức dưới 1% trong năm nay để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế 10.600 tỷ đồng.

Phía lãnh đạo ACB cho biết, ngân hàng đã kiểm soát tỷ lệ nợ xấu từ 2016 đến nay luôn ở mức 0,6-0,7%. ACB cũng đã chủ động phân loại nợ để đảm bảo an toàn. Mục tiêu kiểm soát dưới 1% trong năm 2021.

Nếu hoạt động như hiện nay, không có yếu tố khách quan không dự báo được, thì trong năm 2021, nợ xấu của ACB hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Hơn nữa, tác động của Thông tư 01 là khá nghiêm trọng, nhất là với các lĩnh vực du lịch, hàng không, khách sạn. Tổng số dư nợ ACB tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng là 9.000 tỷ đồng trên tổng số 311.000 tỷ đồng.

Quý 1/2021 dịch bệnh tạm ổn, nhưng cũng không thể xác định được khi nào dịch sẽ hết.

Tương tự ACB hay MSB, trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 tại BIDV, cổ đông cũng tỏ thái độ băn khoăn về động lực nào để ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay đạt 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2019 trong khi nợ xấu vẫn ở mức cao, đòi hỏi phải trích dự phòng rủi ro lớn.

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, trong cơ cấu thu nhập dự kiến năm 2021, thu nhập ròng từ lãi tăng khoảng 19%. Ngân hàng cũng sẽ thúc đẩy các ngoàn thu phi lãi, tăng khoảng 16-17%. BIDV thu hồi nợ ngoại bảng khoảng 8.000 tỷ.

Động lực tăng trưởng sẽ là tiết kiệm chi phí, nhất là chi phí vốn. Năm 2019, ngân hàng đã gia tăng tỷ lệ CASA và đây cũng là mục tiêu dài hạn của BIDV. Năm 2021, BIDV đặt mục tiêu tăng CASA lên tối thiểu 16%. 

Năm 2021, trích lập dự phòng rủi ro tại BIDV mục tiêu khoảng 24.000 tỷ đồng, tăng một chút so với năm 2020 do môi trường bất định bởi Covid-19. Ngoài ra, hiện Thông tư 01 đang được sửa đổi và yêu cầu các khoản nợ cơ cấu phải trích dự phòng (năm ngoái chỉ ghi vào nợ nhóm 1 và thoái lãi dự thu). 

Chủ tịch HĐQT BIDV - ông Phan Đức Tú báo cáo tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.  
Chủ tịch HĐQT BIDV - ông Phan Đức Tú báo cáo tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.  
Được biết, ngoài MSB, ACB, BIDV tiết lộ lợi nhuận quý 1/2021 và mục tiêu kinh doanh cho cả năm 2021. Nhiều ngân hàng khác cũng đã công bố ước tính lợi nhuận trong quý này.

Cụ thể, trong quý 1/2021, MB ước lãi gần 4.600 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ; Vietcombank lãi khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng khoảng 34% so với cùng kỳ; HDBank ước tính lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 67,8% so với cùng kỳ năm trước;…

 

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ