Ngân hàng khó phát mãi tài sản nhằm thu hồi nợ xấu thời Covid-19

Dịch Covid-19 dường như đang tác động tiêu cực đến kến hoạch thu hồi nợ xấu của nhiều ngân hàng. Thời gian qua, Sacombank, BIDV là hai nhà băng miệt mài rao bán nợ, phát mãi tài sản, nhưng dù “năm lần bảy lượt” ngân hàng đại hạ giá, nợ xấu vẫn ế ẩm.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, việc nhiều người dân và doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ ngân hàng cũng như việc ngân hàng phải bán nợ, rao bán tài sản đảm bảo là diễn biến được dự báo từ sớm, không gây quá nhiều bất ngờ

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc bán ào ạt nợ xấu cho thấy thị trường đang xuất hiện dấu hiệu suy giảm mạnh, quỹ đạo đang theo hướng đi xuống. Đây có thể coi là hiện tượng tiêu cực cho ngành bất động sản. Nếu các ngân hàng bán ra càng nhiều khoản nợ xấu, càng đẩy giá bất động sản giảm sâu hơn. Hiện tượng này tạo ra vòng xoáy đi xuống trên thị trường bất động sản.

Sacombank đại hạ giá, nợ xấu vẫn không ai mua

Đầu tháng 6/2020, Sacombank tổ chức ĐHĐCĐ với mục tiêu xử lý 11.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2020. Nguyễn Đức Thạch cho biết: “Trong 5 tháng đầu năm, doanh số đã đấu giá thành công là trên 9.700 tỷ đồng, thực thu tiền mặt là 1.800 tỷ đồng, từ giờ đến cuối năm sẽ thu phần còn lại. 7 tháng tới chắc chắn con số thu hồi nợ xấu sẽ vượt xa so con số kỳ vọng 11.000 tỷ đồng”.

Tuy nhiên, kết thúc 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu tại VAMC) chỉ giảm nhẹ, từ mức 10,88% cuối năm 2019 xuống 10,23%, tương đương giảm 0,65 điểm%.

Từ tháng 7/2020, Sacombank ráo riết rao bán các khoản nợ xấu. Cụ thể, đấu giá lần thứ 10 quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất tại 41 - 45 đường 281 Lý Thường Kiệt, phường 15, quận 11, TP.HCM của ông Trầm Phong Xuân và bà Kiên Thị Kiều với mức giá đấu khởi điểm là 122 tỷ đồng.

Ngân hàng khó phát mãi tài sản nhằm thu hồi nợ xấu thời Covid-19 - Ảnh 1

Sân vận động Thành Long. Nguồn: VPF

Cũng trong tháng 7/2020, Sacombank thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP Dịch vụ Văn hóa – Thể dục thể thao Thành Long với giá khởi điểm là 798 tỷ đồng.

Trước đó, giữa năm 2019, Sacombank từng đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ là 1.330 tỷ đồng. Sau đó nhà băng này lại tiếp tục giảm ở mức 1.197 tỷ đồng, giảm 113 tỷ đồng so với trước đây. Tuy nhiên, đến tháng 9/2019, giá khởi điểm của khối bất động sản này đã bị hạ giá còn 931 tỷ đồng.

Cuối tháng 7/2020, Sacombank đấu giá lần thứ 10 quyền sử dụng đất diện tích 6.878 m2 tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM do ông Vương Thoại Nguyên sở hữu quyền sử dụng với giá khởi điểm là 28 tỷ đồng.

Một tài sản khác được Sacombank công bố bán đấu giá lần thứ 25 với giá khởi điểm 355 tỳ đồng là quyền sử dụng đất tại 245/61B Hòa Bình, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM có diện tích 6.327 m2 thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản Tân Phong.

Một tài sản khác có giá khởi điểm 400,35 tỷ đồng cũng được đem ra đấu giá lần thứ 24 là quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền trên đất diện tích 6.382 m2 tại 36/70 đường D2, phường 25, Bình Thạnh, TP.HCM.

BIDV chào bán 30 lần vẫn ế ẩm

Điển hình tại BIDV, sau 28 lần bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty CP Thúy Đạt gồm đất đai, nhà xưởng, máy móc, dây chuyền nhưng vẫn không tìm được người mua.

Mới đây, BIDV tiếp tục rao bán đấu giá lần thứ 30 với giá khởi điểm hơn 86 tỷ đồng, giảm hơn 2,4 tỷ đồng so với lần đấu giá thứ 29 trong tháng 7. Giá bán lần này cũng đã giảm hơn một nửa so với lần rao bán đợt 1 vào đầu năm 2019.

Ngân hàng khó phát mãi tài sản nhằm thu hồi nợ xấu thời Covid-19 - Ảnh 2

Dự án Hưng Ngân Garden.

Trước đó, CTCP Nhà Hưng Ngân cũng là một trường hợp điển hình rao bán kèm đại hạ giá nhiều lần nhưng không ai mua tại BIDV. Cụ thể, đầu tháng 6/2020, BIDV tổ chức bán đấu giá khoản nợ Nhà Hưng Ngân, bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch bán nợ.

Đây đã là lần thứ 4 BIDV rao bán khoản nợ này với giá chào bán khởi điểm gần 396 tỷ đồng. So với lần đấu giá đầu tiên vào tháng 2/2020, giá rao bán khởi điểm hiện tại đã giảm gần 24%. So với lần rao bán thứ 3 hồi tháng 5/2020, giá giao bán cũng giảm 6%.

Tháng 5/2020, lần thứ 4 BIDV rao bán căn hộ tại dự án Era Town (Q.7, TP.HCM) với giá khởi điểm từ 2,08 - 5,26 tỷ đồng. Giá bán giảm 5% so với đợt chào bán gần nhất trước đó. 

Hay tài sản của nhóm Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn cũng giảm gần 2.000 tỷ đồng so với nợ gốc và lãi sau hàng chục lần rao bán nhưng không ai mua.

Theo tìm hiểu, tại thời điểm cuối tháng 6/2020, tổng nợ xấu của BIDV tăng 17% so với đầu năm, lên mức 22.768 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 11%, nợ nghi ngờ tăng 21% và nợ có khả năng mất vốn tăng 17%, lê mức 13.342 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của BIDV tăng từ mức 1,75% đầu năm lên 2%.

Ngoài Sacombank, BIDV còn nhiều ngân hàng khác như Vietcombank, SCB, VIB,… cũng đang ồ ạt rao bán bất động sản, ô tô, nhà máy,… để xử lý nợ xấu.

 

Theo Hà Phương/ Sở hữu trí tuệ

 

 

Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/ngan-hang-kho-phat-mai-tai-san-nham-thu-hoi-no-xau-thoi-covid-19-d80895.html

Tin liên quan