Ngân hàng sa sút kết quả kinh doanh ngoại hối và vàng
6 tháng đầu năm, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của một số nhà băng như Techcombank, HDBank,… sụt giảm đáng kể.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng cũng được xem là một trong những nguồn thu phi tín dụng bù đắp cho lợi nhuận ngân hàng trong bối cảnh nguồn thu từ hoạt động chính sụt giảm.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020 của các ngân hàng đã hé lộ những khoản lỗ khá lớn về hoạt động kinh doanh ngoại hối, vàng.
6 tháng đầu năm, mảng kinh doanh ngoại hối tại Techcombank là một nốt trầm. Trong quý 2/2020 ngân hàng báo lỗ hơn 30 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi đến 111 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng báo lỗ hơn 58 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2019 lãi hơn 120 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 tại Techcombank.
Ở một số nhà băng khác, mặc dù họat động kinh doanh ngoại hối vẫn ghi nhận lợi nhuận, nhưng lại sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Chẳng hạn như HDBank, trong quý 2/2020 lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối sụt giảm 77% so với cùng kỳ, từ 81 tỷ đồng xuống còn 19 tỷ đồng.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, kinh doanh ngoại hối chỉ còn mang về cho ngân hàng 44 tỷ đồng, giảm tới 75% so với con số 175 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019.
Ở OCB mảng kinh doanh ngoại hối cũng liên tục hoạt động kém hiệu quả. 6 tháng đầu năm 2020, ngân hàng ghi nhận lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối chỉ mang về hơn 26 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái (OCB 6 tháng đầu năm 2019 ghi nhận lãi thuần đạt hơn 71 tỷ đồng).
Nguồn: BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2020 tại OCB.
Một trường hợp khác là ngân hàng PGBank ghi nhận 6 tháng đầu năm 2020, lãi thuần từ hoạt động ngoại hối giảm từ 26 tỷ đồng xuống còn hơn 23 tỷ đồng, tương đương giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái
Nguồn: BCTC 6 tháng đầu năm 2020 đã được soát xét.
Bên cạnh đó, vẫn có nhiều nhà băng lãi lớn từ mảng kinh doanh ngoại hối, vàng trong 6 tháng đầu năm.
Chẳng hạn tại Vietinbank ghi nhận 644 tỷ đồng lãi từ kinh doanh ngoại hối trong quý II/2020, tăng 77% so với quý cùng kỳ năm trước; lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận tăng 33%, ở mức 1.037 tỷ đồng.
Tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, Sacombank là ngân hàng có lãi thuần từ kinh doanh ngoại tệ lớn nhất trong nửa đầu năm với 398 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái.
6 tháng đầu năm, “ông lớn” Vietcombank tiếp tục là ngân hàng lãi nhiều nhất từ mảng này với 1.929 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kì năm 2019
Mới đây, NHNN đã cấp phép cho tổng cộng 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng. Tổng số điểm mà người dân có thể đến giao dịch vàng miếng khoảng gần 2.500 điểm (2.497 điểm) trên cả nước.
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra vào ngày 10/4, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, đến cuối tháng 3, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt trên 84 tỷ USD. Con số này tăng khoảng 5 tỷ USD so với mức công bố hồi cuối năm 2019.
Trong Hội nghị Chính phủ và các địa phương diễn ra vào ngày 2/7, Thống đốc Lê Minh Hưng tiếp tục cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh,hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, sẽ điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.
Theo Hà Phương/ Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/ngan-hang-sa-sut-ket-qua-kinh-doanh-ngoai-hoi-va-vang-d81014.html