Ngân hàng VietBank đang cho vay bất động sản ra sao?
Lợi nhuận tại ngân hàng Vietbank tăng trưởng âm trong quý 4/2022, cả năm ghi nhận lãi trước thuế 649 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với năm trước, nhờ giảm 37% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Đặc biệt, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chiếm 21% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Lãi trước thuế 2022 tại VietBank "đi ngang"
Quý 4/2022, lợi nhuận trước thuế tại ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank – Mã: VBB)giảm mạnh 53% xuống 113 tỷ đồng. Tính cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế Vietbank đạt 649 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Mới chỉ thực hiện được 60% mục tiêu 1.090 tỷ đồng lãi trước thuế đề ra cho cả năm 2022.
Trong đó, thu nhập lãi thuần của ngân hàng Vietbank tăng 21% so với năm trước, đạt 1.802 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ tăng trưởng 25% khi thu về khoản tiền lãi gần 119 tỷ đồng nhờ tăng mạnh thu dịch vụ thanh toán.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối thu được gần 56 tỷ đồng tiền lãi, tăng gấp 4,7 lần năm trước, do thu từ ngoại tệ giao ngay 101 tỷ đồng tăng gấp 3,2 lần nhờ diễn biến tỷ giá trên thị trường thuận lợi so với trạng thái ngoại tệ của Ngân hàng.
Đáng chú ý, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm mạnh 87%, chỉ còn 62 tỷ đồng. Theo lý giải từ Ngân hàng, do thị trường trái phiếu năm 2022 bị ảnh hưởng bởi các thông tiêu cực (lạm phát, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất tăng…) nên thực hiện giữ ổn định danh mục trong thời gian còn lại của năm.
Lãi từ hoạt động khác tăng 48% lên mức 279 tỷ đồng, nhờ thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro và từ nghiệp vụ mua bán nợ 111 tỷ đồng (năm trước chỉ thu gần 4 tỷ đồng).
Năm 2022, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 37%, chỉ còn trích 301 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của Vietbank đạt 111.936 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng gần 26% lên hơn 63.632 tỷ đồng. Tuy nhiên, số dư tiền gửi khách hàng chỉ tăng 13,8% so với năm trước, đạt 75.988 tỷ đồng.
Đặc biệt, số dư nợ xấu của VietBank tăng 26% lên 2.324 tỷ đồng, trong đó dư nợ nhóm 5 tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2021, từ 922 tỷ đồng lên 1.814 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay xấp xỉ đầu năm ở mức 3,65%.
Tính đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tại VietBank tăng đến 20% so với đầu năm, từ 10.910 tỷ đồng lên hơn 13.105 tỷ đồng, chiếm 21% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Tuy nhiên, kinh doanh bất động sản chỉ là một phần trong tổng dư nợ các ngân hàng cho vay với khách hàng có liên quan lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, số này bao gồm cả xây dựng, kinh doanh khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở khác…
Nếu tính cả dư nợ các lĩnh vực này, tỷ trọng cho vay liên quan bất động sản tại hầu hết nhà băng khả năng cao đều lớn hơn rất nhiều con số trên báo cáo tài chính.
Loạt dự án của Tập đoàn Hoa Lâm đang thế chấp tại ngân hàng VietBank
Ngân hàng VietBank tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Phú Tâm Hoa Lâm thành lập năm 2006. Khi đó, cổ đông sáng lập là những cá nhân, pháp nhân có liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền.
Trong đó, Hoa Lâm là một trong những tập đoàn tư nhân danh tiếng tại miền Nam, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: bất động sản, y tế và tài chính ngân hàng. Hoa Lâm được biết đến rộng rãi là cơ nghiệp của vợ chồng doanh nhân Trần Thị Lâm – Dương Ngọc Hòa, 1 trong 20 gia đình kinh doanh hàng đầu Việt Nam. Bà Lâm thậm chí còn từng là một trong 50 người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam, theo bình chọn của Forbes năm 2019.
Đơn vị lõi của Hoa Lâm Group là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hoa Lâm (từ đây gọi tắt là Tập đoàn Hoa Lâm). Công ty này được lập ra tháng 4/2004, đóng trụ sở tại phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. HCM. Người đại diện theo pháp luật là bà Trần Thị Lâm (sinh năm 1959, thường trú phường 3, quận 3, TP. HCM).
Tại ngân hàng VietBank, con trai bà Trần Thị Lâm là ông Dương Nhất Nguyên đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, trước đây vị trí này do chồng bà Lâm là ông Dương Ngọc Hòa đảm nhiệm.
Theo Báo cáo quản trị năm 2021, nhóm cổ đông gia đình Chủ tịch Vietbank và tổ chức liên quan đang nắm giữ 15,9% tỷ lệ sở hữu tại nhà băng này. Hiện ngân hàng VietBank đang cấp tín dụng cho Tập đoàn Hoa Lâm.
Chẳng hạn, Tập đoàn Hoa Lâm thế chấp toàn bộ vốn góp ở Công ty cổ phần phát triển đô thị Đông Dương trị giá 202,9 tỷ đồng tại Vietbank CN TP. HCM.
Ngoài ra, Tập đoàn Hoa Lâm còn thế chấp toàn bộ các quyền của bên đảm bảo phát sinh từ hợp đồng Hợp tác kinh doanh 4B Tôn Đức Thắng, P Bến Nghé giữa tập đoàn và Công ty Hải Thành – Bộ Quốc phòng thuộc Bộ Tư lệnh Hải Quân. Giá trị tài sản thế chấp hơn 184 tỷ đồng.
Tại Hội nghị trực tuyến về tín dụng bất động sản vừa được tổ chức ngày 9/2 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng yêu cầu tới đây phải chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà, tăng cường kiểm tra việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau.