BaoVietBank, Saigonbank,… phải tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 5.000 tỷ đồng

Tính đến 31/3/2022 có tới 8 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng, thậm chí còn dậm chân tại chỗ ở mức 3.000 tỷ đồng trong nhiều...

Những ngân hàng có quy mô vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến 31/3/2022 trong số 31 ngân hàng thương mại cổ phần nội địa (không tính Agribank và 3 ngân hàng 0 đồng), có tới 13 ngân hàng có quy mô vốn điều lệ tối thiểu 15.000 tỷ đồng.

Trong đó, vốn điều lệ ngân hàng cao nhất ở thời điểm này là BIDV với gần 50.600 tỷ đồng. Tiếp theo là Vietcombank và VietinBank lần lượt 48.057 tỷ và 47.325 tỷ đồng.

Tại nhóm ngân hàng tư nhân, VPBank hiện dẫn đầu với quy mô vốn điều lệ trên 45.000 tỷ đồng. Tiếp đến là ngân hàng MB (37.783 tỷ); Techcombank (35.109 tỷ đồng); ACB (27.019 tỷ đồng); HDBank (20.273 tỷ đồng); SHB ( 19.260 tỷ đồng); Sacombank (18.852 tỷ đồng); VIB (15.531 tỷ đồng); MSB (15.275 tỷ đồng) và SCB (15.231 tỷ đồng).

Đáng chú ý, 8 ngân hàng hiện đang có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng đến 5.000 tỷ đồng.

Cụ thể, ngân hàng Saigonbank (3.080 tỷ đồng); BaoVietBank (3.150 tỷ đồng); KienLongBank (3.653 tỷ đồng); Ngân hàng Bản Việt (3.671 tỷ đồng); Ngân hàng Quốc Dân (4.101 tỷ đồng); Nam A Bank (4.564 tỷ đồng); VietBank (4.777 tỷ đồng); DongABank (5.000 tỷ đồng).

Ngoài ra, trong 9 ngân hàng có 100% vốn nước ngoài, có tới 4 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ gồm: ANZ Việt Nam (3.000 tỷ); Hong Leong Việt Nam (3.000 tỷ); CIMB Việt Nam (3.698 tỷ đồng).

BaoVietBank, Saigonbank,… phải tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 5.000 tỷ  
BaoVietBank, Saigonbank,… phải tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 5.000 tỷ  

Ngày 8/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025". Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý là việc phân nhóm các tổ chức tín dụng theo quy mô vốn điều lệ.

Triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các Ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối và Ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025; phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10-11%, đến năm 2025 đạt tối thiểu 11-12%.

Đến năm 2025, tổ chức tín dụng phải có biện pháp bảo đảm có số vốn điều lệ như sau:

- Nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn: Vốn điều lệ tối thiểu 15.000 tỷ đồng

- Nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài: 5.000 tỷ đồng.

- Công ty tài chính: Vốn điều lệ tối thiểu đạt 750 tỷ đồng.

- Công ty cho thuê tài chính: Vốn điều lệ tối thiểu đạt 450 tỷ đồng.

- Đối với ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu, yếu kém/ được kiểm soát đặc biệt/thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt: Phương án tăng vốn thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Thực tế, trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện phân loại xếp hạng các ngân hàng theo 5 nhóm, nhưng việc phân nhóm theo quy mô vốn điều lệ thì đây là lần đầu tiên mới được quy định chính thức. Về quy mô vốn điều lệ, hiện các ngân hàng chỉ cần đáp ứng mức vốn điều lệ tối thiểu ở mức 3.000 tỷ đồng.

Như vậy, theo đề án này các ngân hàng có quy mô vốn điều lệ tối thiểu dưới 5.000 tỷ sẽ phải chịu áp lực tăng vốn để đáp ứng theo yêu cầu tại đề án.

Đặc biệt, trong số các ngân hàng kể trên có 4 ngân hàng duy trì mức vốn điều lệ quanh 3.000 tỷ đồng suốt nhiều năm nay, sẽ sớm phải có giải pháp tăng vốn điều lệ gồm Saigonbank, BaoVietBank, KienLongBank và ngân hàng Bản Việt.

Trường hợp không thể tăng vốn điều lệ, các ngân hàng này có thể sẽ buộc phải tính đến giải pháp hợp nhất và sáp nhập, nhằm tăng quy mô đáp ứng theo yêu cầu.

BaoVietBank, Saigonbank,… phải tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 5.000 tỷ đồng - Ảnh 1

Được biết, vừa qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng Bản Việt tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.618 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên mức 5.289 tỷ đồng.

Còn tại Saigonbank, BaoVietBank không có kế hoạch tăng vốn cũng như chia cổ tức năm 2022.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ