Ngành thép gặp khó, Hòa Phát của tý phú Trần Đình Long vẫn nộp 7.400 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước?
Theo thông tin từ phía CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG), sau 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách gần 7.400 tỉ đồng tiền thuế, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021.
Hòa Phát nộp 7.400 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước
Cụ thể, trong các công ty thành viên của Hòa Phát, Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất là đơn vị nộp nhiều nhất với 4.800 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ, trong đó bao gồm thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, thuế xuất nhập khẩu, thuế nội địa…
Với gần 1.600 tỷ đồng, Thép Hòa Phát Hải Dương đứng thứ 2 trong số các công ty của Hòa Phát có số nộp ngân sách cao nhất, tăng 48% so với cùng kỳ. Năm 2021, Công ty đã nộp vào ngân sách Nhà nước tổng cộng hơn 3.000 tỷ đồng. Trong đó, số nộp riêng trên địa bàn Hải Dương là 1.758 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ, trở thành doanh nghiệp đóng góp thuế lớn nhất tỉnh Hải Dương. Số nộp của Thép Hòa Phát Hải Dương chiếm tỷ trọng 13,3% tổng thu thường xuyên toàn tỉnh, chiếm 44% số thu của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Bên cạnh đó, một số công ty thành viên khác của Tập đoàn Hòa Phát có số nộp lớn cho ngân sách Nhà nước gồm: Ống thép Hòa Phát, Điện máy gia dụng Hòa Phát, Khoáng sản An Thông và Tôn Hòa Phát, Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát, Thép Hưng Yên….
Ngành thép gặp khó kể từ đầu năm
Việc Hòa Phát nộp 7.400 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước đặt trong bối cảnh ngành thép đang gặp khó có thể thấy tình hình kinh doanh của “vua thép” vẫn tương đối khả quan.
Thực tế, trong tháng 6, Hoà Phát cung cấp ra thị trường 560.000 tấn thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC), tăng 14% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, sản lượng thép xây dựng đạt 348.000 tấn, tăng 51% so với tháng 6/2021. HRC là 202.000 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 4,3 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với cùng kỳ. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt gần 4 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, thép xây dựng là 2,38 triệu tấn, tăng 29% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Nói về những khó khăn mà thị trường thép đang phải đối mặt, ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, tình trạng giải ngân đầu tư công chậm cũng khiến nhu cầu thép trong nước giảm, ảnh hưởng đến tiêu thụ. Bên cạnh đó, tình hình thế giới có nhiều thách thức cùng các yếu tố bất ngờ. Đó là chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục gia tăng, nhất là ở châu Âu và Mỹ; sự bất ổn, khó lường của thị trường thép Trung Quốc; cuộc xung đột Nga – Ukraine đẩy giá đầu vào tăng cao, trong khi giá sản phẩm liên tục giảm khiến ngành thép đứng trước rất nhiều khó khăn.
“Nếu như trong quý I, các doanh nghiệp vẫn còn được hưởng lợi từ đà tăng của năm 2021 song sang quý II bắt đầu “ngấm đòn”, đặc biệt từ cuối tháng 5 đến nay. Đã xuất hiện doanh nghiệp lỗ trong tháng 6”, ông Đa thông tin và cho rằng, những khó khăn này sẽ còn tiếp tục bủa vây ngành thép trong thời gian tới.
Kể từ đầu năm, có thời điểm giá thép tăng mạnh, chạm mốc 19.000 đồng/kg) nhưng rồi lao dốc vào quý 2 khi trải qua 7 lần giảm giá. Hiện giá thép xây dựng dao động trong khoảng 16.000 đồng/kg.