Nghìn tỷ về túi cổ đông ngân hàng: Cổ tức cao, cổ phiếu tăng giá
Các ngân hàng ồ ạt chốt quyền chia cổ tức bằng cả cổ phiếu và tiền mặt ở mức cao. Nhiều ngân hàng sau nhiều năm không chia cổ tức tiền mặt nay cũng đã thay đổi phương thức.
Chốt quyền chia cổ tức ở mức cao
Gần đây, nhiều ngân hàng thông báo ngày chốt quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh như kế hoạch đã trình cổ đông thông qua tại đại cổ đông (ĐHCĐ).
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Phương Đông mới đây thông báo ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông nhằm thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu là 30/8. Dự kiến OCB sẽ phát hành gần 411 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 20%. Nguồn phát hành là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2023. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của OCB dự kiến lên gần 24.658 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng có nghị quyết thông qua ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu và nhận cổ phiếu phát hành để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu năm 2024 là ngày 26/8.
Theo đó, SeABank sẽ phát hành 329 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ phát hành là 13,18%. Đồng thời, nhà băng này phát hành thêm 10,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ 0,4127%. Tổng tỷ lệ phát hành của hai phương án trên là 13,6%.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng công bố ngày 29/8 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền trả cổ tức năm 2023. MSB sẽ tăng vốn theo hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận để lại tính theo báo cáo tài chính kiểm toán tại 31/12/2023 sau khi trích các quỹ theo luật định.
Tỷ lệ phát hành là 30% trên tổng số cổ phần đang lưu hành (người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 30 cổ phiếu), tương đương phát hành thêm 600 triệu cổ phiếu. Với tỷ lệ này, MSB trở thành ngân hàng có mức trả cổ tức cao nhất trong năm nay. Sau khi tăng vốn, tổng số lượng cổ phiếu lưu hành sẽ là 2,6 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ mới đạt 26.000 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng thông báo ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng là 23/8. Theo đó, VIB sẽ phát hành thêm gần 431,3 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ 17%.
Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 4.312,6 tỷ đồng, nguồn phát hành là quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại tính đến cuối năm 2023. Sau đợt phát hành trên, vốn điều lệ của VIB dự kiến sẽ tăng thêm gần 4.313 tỷ đồng.
Như vậy, sẽ có 4 ngân hàng chốt danh sách cổ đông vào cuối tháng 8 để tiến hành trả cổ tức, cổ phiếu thưởng cho cổ đông.
Trước đó, trong tháng 7, nhiều ngân hàng khác cũng đã chốt danh sách cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu ở mức cao trên dưới 25%.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã chốt danh sách cổ đông trong ngày 12/7 vừa qua thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, Nam A Bank sẽ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức với tỷ lệ 25%, vốn điều lệ sẽ tăng thêm 2.654 tỷ đồng. Nguồn phát hành là lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 và lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước.
Tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), sau khi chốt danh sách cổ đông vào ngày 15/7 để trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, ngân hàng này đang triển khai kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu theo nghị quyết được ĐHCĐ thông qua với tỷ lệ 20%.
Sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ HDBank sẽ tăng thêm tối đa 5.825 tỷ đồng lên hơn 35.900 tỷ đồng, giúp HDBank tiếp tục nằm trong nhóm các ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, các chỉ tiêu an toàn được đảm bảo và hiệu quả hoạt động cao.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng đang triển khai kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 11%, dự kiến nâng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng. Ngân hàng này đang hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan quản lý, thực hiện các thủ tục chuẩn bị triển khai phát hành trả cổ tức 2023 bằng cổ phiếu tỷ lệ 11% trong quý III/2024.
Trước đó, SHB đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 19/7 để trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%. Với gần 3,7 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, SHB đã chi hơn 1.800 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
Ngoài các ngân hàng kể trên, ba "ông lớn" VietinBank, Vietcombank và BIDV đều có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu trong thời gian tới. Từ đầu năm tới nay, cả ba ngân hàng này đều chưa chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ.
Chứng khoán lên điểm, nhận cổ phiếu cũng vui
Cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu đều được coi là thu nhập của nhà đầu tư. Theo quy định hiện hành, cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu đều phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân. Giá cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ bị điều chỉnh tương ứng với số cổ tức mà ngân hàng chi trả trên mỗi cổ phiếu.
Được nhận cổ tức là tin vui đối với các cổ đông. Bởi nó không chỉ thể hiện hiệu quả kinh doanh của ngân hàng mà còn là chất xúc tác tích cực hỗ trợ diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường.
Đối với ngân hàng, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp ngân hàng tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, gia tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh cũng như quản trị rủi ro.
Lãnh đạo các ngân hàng lý giải việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng tốt hơn các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng, đầu tư cơ sở vật chất, số hóa, mở rộng quy mô cho vay và giữ chân nhân tài,....
Đánh giá về xu hướng tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, các chuyên gia nhận định chia cổ tức bằng cổ phiếu giúp ngân hàng tăng vốn điều lệ, cải thiện năng lực tài chính, nâng cao bộ đệm an toàn vốn, có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, mở rộng hoạt động kinh doanh, đồng thời hỗ trợ nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng.
Có thể thấy, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp các ngân hàng cải thiện năng lực tài chính, nâng cao bộ đệm an toàn vốn, có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, mở rộng hoạt động kinh doanh, đồng thời hỗ trợ nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2024, hệ số an toàn vốn (CAR) của nhóm ngân hàng áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 11,96% (nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đạt 9,99%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 11,86%)...