Nhà đầu tư ngoại rút vốn: USD-bài toán khó về tỉ giá
Khi thế giới chưa kiểm soát được dịch bệnh, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam cần USD mà cả thế giới đều cần.
Nhu cầu USD tăng mạnh
Nhìn vào những diễn biến trên thị trường ngoại tệ những ngày qua, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tỷ giá tăng gần đây là do kinh tế thế giới bất ổn khiến các nhà đầu tư bán tháo tài sản và trú ẩn vào đồng USD, khiến chỉ số đồng bạc xanh lên giá. Theo đó, tiền đồng cũng bị mất giá tương tự các loại tiền tệ khác.
Để bình ổn thị trường ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm, bán USD ra để can thiệp thị trường. Theo công bố của NHNN vào sáng 26/3, tỷ giá trung tâm của VND với USD là 23.245 đồng, giảm 5 đồng so với hôm 25/3. Đến ngày 27/3, tỷ giá trung tâm được công bố là 23.235 VND/USD, giảm 10 đồng so với ngày 26/3.
Theo đánh giá của chuyên gia tài chính-ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu, động thái của NHNN chỉ là những biện pháp cấp thời để đối phó với nhu cầu của thị trường. Về trung hạn và dài hạn, nhu cầu USD đang tăng và sẽ tăng do biến động trên thị trường quốc tế, diễn biến của dịch Covid-19 tác động tới tâm lý thị trường và các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ra khỏi thị trường chứng khoán, mua USD chuyển về nước.
"Khi thế giới chưa kiểm soát được dịch bệnh, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam cần USD mà cả thế giới đều cần. Do cũng là lý do các nhà đầu tư rút khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu, bán vàng để có tiền mua USD. Câu nói "Cash is King" (Tiền mặt là vua) quá đúng trong lúc này khi tất cả mọi người đều đổ xô vào USD, không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do lượng USD hạn chế nên gây áp lực lên tỷ giá", TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Vị chuyên gia bày tỏ quan điểm rằng, NHNN không nên can thiệp vào tỷ giá bởi dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ chừng 80 tỷ USD, nếu can thiệp sẽ gây rủi ro về thanh khoản ngoại hối.
"Nguyên tắc an toàn là lượng dự trữ ngoại hối quốc gia phải đáp ứng 3 tháng nhập khẩu. Nếu bây giờ dùng quá nhiều ngoại hối sẽ làm giảm dần dự trữ, tạo rủi ro về thanh khoản USD cho quốc gia.
Cho nên, tôi đề nghị NHNN không nên can thiệp bằng cách bán USD từ dự trữ ngoại hối quốc gia, nên để cho thị trường tự điều chỉnh.
Có rất nhiều biện pháp khác: điều chỉnh tỷ giá trung tâm; dùng các biện pháp hành chính và an ninh để chặn đứng hàng nhập lậu... để giảm áp lực tỷ giá, giảm số tiền ngoại tệ có thể mất đi cho những hoạt động như thế. Thậm chí, NHNN có thể dùng biện pháp mạnh hơn như cấm giao dịch ngoại tệ trên thị trường trong một chừng mực nào đó... Dĩ nhiên nó phải đi theo thị trường, nếu mức cầu trên thị trường quá cao mà nguồn cung không đủ thì phải đẩy tỷ giá lên.
Với nhiều lựa chọn như vậy, NHNN sẽ phải tùy theo biến chuyển của thị trường để có quyết định cho đúng đắn. Nhưng tôi cho rằng, đến cuối cùng, chúng ta đã theo nguyên tắc ổn định theo cung-cầu thị trường thì NHNN không nên can thiệp bằng cách bán USD từ dự trữ quốc gia ra.
Từ nay đến khoảng tháng 6, nhu cầu về USD ngày càng cao khi dịch bệnh chưa kiểm soát được, số người lây nhiễm và tử vong không dừng lại thì cả nền kinh tế thế giới sẽ đi vào khủng hoảng, trong đó có cả Việt Nam, bấy giờ nhu cầu về USD sẽ rất lớn" TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Nhà đầu tư ngoại rút vốn
Một trong những hiện tượng gây chú ý trong thời gian qua là nhiều nhà đầu tư ngoại rút vốn khỏi thị trường chứng khoán, mua USD chuyển về nước họ. Tuy nhiên, mức độ tác động của hiện tượng này đến giá USD ra sao vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.
Theo TS Nguyễn Đức Độ, việc các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam đã diễn ra từ lâu, trong khi giá USD mới chỉ tăng mạnh trong thời gian gần đây. Hơn nữa, theo con số ông nắm được, quy mô bán ra của nhà đầu tư nước ngoài chừng vài trăm triệu USD, không phải là lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Do đó, đây không phải là yếu tố chính tác động đến tỷ giá USD.
"Có nhiều lý do khiến nhà đầu tư ngoại rút vốn khỏi thị trường Việt Nam, nhưng rõ ràng kinh tế thế giới đang đi xuống và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã đi xuống một thời gian. Tùy theo chiến lược của từng nhà đầu tư và diễn biến thị trường mà họ tính toán bán ra thế nào", TS Nguyễn Đức Độ nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Trí HIếu cho rằng, thị trường đầu tư ở Việt Nam trong những năm qua phát triển rất tốt, các nhà đầu tư đổ tiền vào Việt Nam nhiều, nhưng thị trường của Việt Nam lại không hấp thụ tốt.
Khi dịch bệnh hoành hành, tất cả các nước trên thế giới đều bị ảnh hưởng, tuy nhiên, Việt Nam dựa nhiều vào xuất nhập khẩu.
"Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lên đến hơn 500 tỷ USD, trong khi GDP tính theo cách cũ là 267 tỷ USD, nghĩa là xuất nhập khẩu của Việt Nam gần gấp đôi GDP.
Khi cả thế giới lao đao vì dịch bệnh, thị trường xuất nhập khẩu bị thu hẹp, nguồn ngoại tệ vào trong nước sẽ giảm đi, từ đó, nó ảnh hưởng đến cả đầu tư.
Nhà đầu tư nhìn thấy nền kinh tế Việt Nam bị tác động mạnh, từ xuất khẩu đến các lĩnh vực khác như bất động sản đều bị ảnh hưởng. Cần lưu ý nhà đầu tư ngoại đổ rất nhiều tiền vào bất động sản, bên cạnh chứng khoán, nhà đầu tư không những rút khỏi thị trường chứng khoán mà cũng tháo chạy khỏi bất động sản. Do đó, nó sẽ tạo ra một phản ứng dây chuyền và nhu cầu mua USD.
Tôi hy vọng chúng ta sẽ đảo ngược được tình thế đó, cơ hội đảo ngược chỉ xảy ra khi kiểm soát được dịch bệnh", TS Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ.
Theo Thành Luân/ Báo Đất Việt
Link nguồn: https://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/nha-dau-tu-ngoai-rut-von-usd-bai-toan-kho-ve-ti-gia-3399357/