Nhập siêu 1,35 tỷ USD nửa đầu tháng 6: VN nhập gì?

Chỉ trong 15 ngày đầu tháng 6, đã có 6.172 ô tô các loại hoàn thành thủ tục thông quan vào thị trường Việt Nam, với giá trị vượt trên 146,8 triệu USD.

Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu xuất nhập khẩu trong nửa đầu tháng 6/2021. Theo đó, trong 15 ngày đầu tháng 6 năm 2021 nhập siêu ghi nhận ở mức 1,35 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/6, cả nước nhập siêu gần 1,96 tỷ USD.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước đạt 25,95 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 12,3 tỷ USD, giảm gần 2 tỷ USD so với nửa cuối tháng 5/2021.

Cụ thể là: Điện thoại và linh kiện đạt hơn 1,96 tỷ USD, giảm khoảng 50 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,06 tỷ USD, giảm mạnh khoảng 800 triệu USD; máy móc thiết bị đạt 1,1 tỷ USD, giảm khoảng 260 triệu USD.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 13,65 tỷ USD, giảm gần 800 triệu USD so với nửa cuối tháng 5. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là 2 nhóm hàng nhập khẩu lớn trong 15 ngày đầu tháng 6, đạt 2,73 tỷ USD.

Từ đầu năm đến ngày 15/6, Việt Nam chủ yếu gia tăng nhập khẩu tư liệu sản xuất. Ảnh: Báo Hải quan  
Từ đầu năm đến ngày 15/6, Việt Nam chủ yếu gia tăng nhập khẩu tư liệu sản xuất. Ảnh: Báo Hải quan  
 

Đáng chú ý, trong 15 ngày đầu tháng 6, đã có 6.172 ô tô các loại hoàn thành thủ tục thông quan vào thị trường Việt Nam, với giá trị vượt trên 146 triệu USD, nâng tổng số xe nhập khẩu kể từ đầu năm đến ngày 15/6 lên con số 71.972 xe, với tổng giá trị lên đến hơn 1,65 tỷ USD.

Cùng thời gian trên, các công ty sản xuất và lắp ráp xe trong nước đã chi ra hơn 242,2 triệu USD để nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô, nâng kim ngạch nhập khẩu từ đầu năm đến ngày 15/6 của ngành này đạt mức hơn 2,398 tỷ USD.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/6, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 288,68 tỷ USD.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 143,36 tỷ USD, tăng 29,67% so với cùng kỳ năm 2020; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 145,32 tỷ USD, tăng 36%. Như vậy, từ đầu năm đến ngày 15/6, nước ta nhập siêu khoảng 1,96 tỷ USD.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cán cân thương mại chuyển hướng sang nhập siêu sau nhiều năm xuất siêu không đáng lo ngại, bởi nhập siêu chủ yếu do doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh đã nhiều lần nhấn mạnh, dù xuất siêu hay nhập siêu cũng đừng nên sa đà vào vì xét cho cùng, xuất siêu hay nhập siêu đều là của FDI.

Niên giám thống kê (số liệu chính thức có đến năm 2019) cho thấy Việt Nam xuất siêu từ năm 2016 (1,6 tỷ USD) và tăng dần: Năm 2017 là 1,9 tỷ USD, năm 2018 là 6,5 tỷ USD và năm 2019 là 10,8 tỷ USD. Trong đó, khu vực FDI xuất siêu tương ứng từ năm 2016 đến 2019 là 23,8 tỷ USD; 27,1 tỷ USD; 32 tỷ USD và 34,5 tỷ USD.

Đáng chú ý là số tiền chi trả sở hữu ra nước ngoài trong giai đoạn này, khoảng 14 - 17,2 tỷ USD, chiếm gần 50% xuất siêu của khu vực FDI.

Minh Thái

Theo Đất Việt