Nhiều cổ phiếu BĐS tăng trở lại trong phiên 20/1, NVL và THD là tâm điểm
NVL giao dịch ở mức giá xanh xuyên suốt thời gian của phiên giao dịch ngày 20/1. Trong khi đó, THD tăng trần và là mã chủ chốt giúp giữ sắc xanh của HNX-Index.
Thị trường chứng khoán phiên 20/1 diễn biến không còn tiêu cực như ở phiên 19/1 dù có đôi lúc cũng phải nhận áp lực bán tháo.
Ngay từ đầu phiên giao dịch, sự hồi phục đã trở lại với nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và điều này giúp các chỉ số có được sự hồi phục nhất định. Dù vậy, áp lực bán tháo nhanh chóng dâng cao khiến chỉ số chính VN-Index tiếp tục lao dốc, có thời điểm, chỉ số này đã để tuột khỏi mốc 1.100 điểm. Tuy nhiên sau đó, lực cầu bắt đáy ngay lập tức “nhập cuộc” và giúp thị trường hồi phục đáng kể.
Khoảng thời gian tiếp theo, nhà đầu tư chứng kiến sự tranh chấp mạnh của cung - cầu, VN-Index giao dịch theo hình sin với những đợt tăng giảm điểm đan xen.
Gần như VN-Index chỉ giao dịch trong phiên sáng, trong khi đó, tình trạng nghẽn lệnh diễn ra ngay khi vào phiên chiều và VN-Index hầu như chỉ đi ngang quanh mốc tham chiếu với giao dịch nhỏ giọt.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,68 điểm (0,33%) lên 1.134,68 điểm. Toàn sàn có 209 mã tăng, 235 mã giảm và 52 mã đứng giá. HNX-Index tăng 9,24 điểm (4,12%) lên 233,26 điểm. Toàn sàn có 109 mã tăng, 87 mã giảm và 58 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (0,04%) lên 76,18 điểm.
Sự phân hóa diễn ra rất mạnh, trong đó các mã như NVL, KDH, MWG, PNJ, GAS, VJC, ACB… đều có sự hồi phục đáng kể và góp phần giúp các chỉ số kết thúc phiên trong sắc xanh. NVL tăng 3,9% lên 72.000 đồng/cp. Cùng với đó, 2 cổ phiếu vốn hóa lớn khác trong nhóm bất động sản là VHM và VIC cũng tăng lần lượt 0,6% và 0,7%.
Đáng chú ý nhất tiếp tục là trường hợp của THD khi tăng trần lên mức 159.500 đồng/cp bất chấp việc thị trường chung vẫn có sự rung lắc. Bên cạnh đó, SHB cũng tăng mạnh 4,7% lên 17.700 đồng/cp, PVS tăng 4,2% lên 19.700 đồng/cp. Ba cổ phiếu nói trên chính là các nhân tố chủ chốt giúp HNX-Index có được mức tăng đến hơn 4%.
Các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ cũng có sự phân hóa mạnh, trong đó, rất nhiều cổ phiếu đã hồi phục trở lại. Các mã như HIZ, NRC hay BII đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, PFL tăng 5,9% lên 3.600 đồng/cp, HPX tăng 3,2% lên 35.500 đồng/cp, KDH tăng 2,8% lên 32.800 đồng/cp, HDG tăng 1,7% lên 42.500 đồng/cp, DXG tăng 1,2% lên 17.500 đồng/cp, KBC tăng 1,1% lên 37.200 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, sắc đỏ vẫn bao trùm lên nhiều cổ phiếu trụ cột, trong đó, SCR giảm 5,5% xuống 8.350 đồng/cp, CRE giảm 5% xuống 24.500 đồng/cp, OGC giảm 4,1% xuống 8.180 đồng/cp, TIG giảm 3,8% xuống 7.600 đồng/cp.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết giảm nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn ở mức cao với giá trị giao dịch đạt 20.015 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch hơn 1 tỷ cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.374 tỷ đồng.
Ba cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường gồm HQC, FLC và ITA, trong đó, HQC khớp lệnh đến 45,5 triệu cổ phiếu, FLC và ITA lần lượt khớp lệnh 30,9 triệu và 21,9 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại vẫn mua ròng trên cả 3 sàn giao dịch với tổng giá trị 235 tỷ đồng. Trong đó, VHM, VIC, VRE và NVL là các cổ phiếu bất động sản đều nằm trong top 10 về giá trị mua ròng. VHM được mua ròng 85 tỷ đồng. VIC được mua ròng 70 tỷ đồng. VRE và NVL lần lượt 36 tỷ đồng và 32 tỷ đồng. Chiều ngược lại, AGG và KBC nằm trong danh sách 10 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với lần lượt 144 tỷ đồng và 66 tỷ đồng.
Theo phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ hoạt động arbitrage (kiếm lời chênh lệch giá) và có thể sẽ có diễn biến giằng co rung lắc mạnh trong phiên 21/1. Tuy nhiên, BVSC cho rằng sau phiên sụt mạnh hôm 19/1 thì thị trường nhiều khả năng sẽ có nhịp phục hồi ngắn như quan điểm trước đó. Các dòng cổ phiếu sẽ tiếp tục có sự phân hoá mạnh theo kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết. Đồng thời, sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM công bố kết quả thay đổi danh mục VN30, các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số VN30, VNFINLEAD… sẽ phải thực hiện các hoạt động tái cơ cấu danh mục trong thời gian còn lại của tháng 1/2021. Điều này có thể khiến các cổ phiếu vốn hoá lớn trong rổ có biến động mạnh trong gần 2 tuần cuối tháng 1./.