Nhìn lại cổ phiếu BĐS tuần 26 - 30/10: Sắc đỏ áp đảo, VIC và PDR đi ngược
Do biến động xấu của thị trường chứng khoán chung, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng diễn biến tiêu cực, tuy nhiên, một số cổ phiếu như VIC, PDR, KDH... vẫn có được sự tích cực.
Thị trường điều chỉnh trong tuần qua và chấm dứt chuỗi tăng 6 tuần liên tiếp trên HoSE và 12 tuần trên HNX. Cụ thể, VN-Index giảm 35,79 điểm (-3,7%) so với tuần trước đó và xuống 925,47 điểm; HNX-Index giảm 6,356 điểm (4,5%) xuống 135,34 điểm.
Thanh khoản xấp xỉ so với tuần trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng 8.900 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn niêm yết. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HoSE giảm 3,5% xuống 40.759 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 1,2% lên 2,1 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 4,1% lên 3.760 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 2,8% lên 267 triệu cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu bất động sản diễn biến tiêu cực theo thị trường chung. Thống kê 112 mã bất động sản đang giao dịch trên thị trường thì có đến 73 mã giảm giá trong tuần qua, trong khi đó, số mã tăng chỉ là 26.
Cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm này là TLD của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển đô thị Thăng Long với 19,3% từ 10.100 đồng/cp xuống chỉ còn 8.150 đồng/cp. Như vậy, sau một vài phiên hồi phục, TLD tiếp tục xu hướng lao dốc kể từ khi lập đỉnh 1 năm hôm 25/9 là 17.500 đồng/cp. Tuần qua, hơn 19,3 triệu cổ phiếu TLD niêm yết bổ sung cũng được giao dịch, đây là lượng cổ phiếu TLD phát hành trong đợt bán ưu đãi tỷ lệ 2:1
Cổ phiếu EFI của Tài chính giáo dục đứng sau với mức tăng 15%. Trong tuần, EFI chỉ có giao dịch duy nhất một phiên cuối tuần, trước đó, cổ phiếu này đã không xuất hiện giao dịch trong 9 phiên liên tiếp.
Cổ phiếu PPI của Bất động sản Thái Bình Dương cũng tăng 14,5% ở tuần giao dịch vừa qua. Đáng chú ý, PPI vẫn chỉ giao dịch duy nhất phiên thứ Sáu do tiếp tục nằm trong diện bị hạn chế giao dịch do vi phạm quy định công bố thông tin, đơn vị này chậm công bố thông tin về báo cáo tài chính bán niên năm 2020 đã được soát xét theo quy định.
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu bất động sản có thanh khoản lớn cũng giảm khá mạnh trong tuần qua là AMD của FLC Stone (-10,3%), ITA của Đầu tư CN Tân Tạo (-9,8%), TIG của Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (-9,7%), BII của Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (-9,1%)…
Ở chiều ngược lại, HD2 của Đầu tư phát triển nhà HUD 2 là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản bất chấp diễn biến xấu của thị trường chung với 13,8%. Tuy nhiên, HD2 tăng giá với nền thanh khoản rất thấp, chỉ với vài trăm hay vài nghìn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
Cả 3 cổ phiếu đứng sau là VHD của PT Nhà và Đô thị Vinaconex, HU6 của PT Nhà và Đô thị HUD6 và HPI của Khu công nghiệp Hiệp Phước đều có thanh khoản rất thấp.
Cổ phiếu PDR của Bất động sản Phát Đạt bất ngờ giao dịch tích cực khi tăng 6,8% sau một tuần giao dịch và đứng thứ 5 về mức tăng giá của nhóm bất động sản. KQKD quý III của PDR là rất tích cực. Cụ thể, doanh thu quý III đạt 1.316 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 439 tỷ đồng, gấp 2,7 lần lợi nhuận đạt được quý III năm ngoái. PDR cho biết, trong quý III năm nay công ty ghi nhận doanh thu từ bàn giao sản phẩm tại Phân khu số 2 dự án Khu đô thị sinh thái Nhơn Hội, đồng thời tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại dự án Phân khu số 9 và bắt đầu bàn giao một số nền đất của dự án này cho khách hàng. Do vậy doanh thu và lợi nhuận chính trong quý III năm nay đến từ việc bàn giao đất nền phân khu số 2 và số 9 tại dự án Khu đô thị sinh thái Nhơn Hội.
Mới đây, PDR cũng thông báo 6/11 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền để thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu đợt 1 năm 2020 với tỷ lệ 100:7 (7%).
Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VIC của Vingroup tăng nhẹ 2,4% trong tuần qua, tuy nhiên, phiên thứ Sáu VIC gây sự chú ý khi bất ngờ tăng vọt cuối phiên và là nhân tố chính chính giúp kéo chỉ số chính VN-Index tăng điểm tốt bất chấp việc chịu nhiều sự rung lắc trước đó.