Nhu cầu chip tăng, DGC 'rộng cửa' giành thị phần hoá chất photpho công nghiệp trên toàn cầu
Vietcap cho biết DGC hiện chiếm gần 1/3 tổng xuất khẩu P4 toàn cầu. Tổng sản lượng bán hoá chất photpho công nghiệp (IPC) của DGC sang Đông Nam Á và Mỹ đã tăng gấp đôi trong năm 2023 và dự báo sẽ tiếp tục giành thị phần trên thị trường IPC trong trung hạn.
Kết thúc năm 2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (HoSE: DGC) đạt doanh thu thuần gần 9.747 tỷ đồng, giảm 32,5% so với năm 2022. Trong đó, P4 và Axit Phosphoric (H3PO4) ghi nhận doanh thu giảm 38%; Axit Photphoric trích ly (WPA) giảm 28%; phân bón ghi nhận doanh thu giảm 12%. DGC báo lãi ròng 3.108 tỷ đồng, giảm 44% so với mức đỉnh của năm 2022.
Nhìn chung, các mảng doanh thu của DGC đều biến động thụt lùi so với cùng kỳ trong năm 2023. Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) dự báo mảng P4 của DGC sẽ không có nhiều đột biến trong năm 2024, khi mà thị trường chất bán dẫn được kỳ vọng tới quý IV/2024 mới bắt đầu hồi phục.
Tuy nhiên, SSV đánh giá mảng phân bón sẽ hỗ trợ lợi nhuận cho DGC, nhờ triển vọng phân bón phốt pho và giá dự kiến sẽ tăng do sự vắng mặt của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, DGC được kỳ vọng sẽ tiết giảm được chi phí sản xuất sau khi dự án Khai trường 25 và 19b hoàn thành từ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế năm 2024 dự kiến tăng trưởng 18% so với cùng kỳ, đạt 3.840 tỷ đồng.
SSV cũng dự báo Tổ hợp Hoá chất Nghi Sơn có thể được khởi công trong nửa đầu năm 2024. Dự án này có tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng (3 giai đoạn) – là dự án có mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của DGC. Số dư tiền mặt và tiền gửi tính tới cuối năm 2023 của DGC đạt hơn 10.000 tỷ đồng, đủ để công ty thực hiện giai đoạn 1 của dự án. SSV kỳ vọng dự án sẽ đi vào hoạt động từ giữa năm 2025, qua đó, đóng góp lớn vào hoạt động kinh doanh của DGC.
Công ty Chứng khoán Vietcap thì đặt kỳ vọng vào mảng hoá chất photpho công nghiệp (IPC) của DGC cho năm 2024. Hiệp hội ngành SEMI dự báo doanh số bán dẫn toàn cầu sẽ tăng 12% vào năm 2024. Kết hợp với lượng hàng tồn kho của các nhà sản xuất chip đang ổn định củng cố cho hoạt động sản xuất chip, nhu cầu hóa chất phốt pho công nghiệp dự báo sẽ tăng trong tương lai.
Theo đó, Vietcap kỳ vọng sản lượng bán và giá bán IPC sẽ phục hồi trong năm nay. Sản lượng bán IPC (tính theo hàm lượng photpho) sẽ tăng 20% so với năm 2023, đạt 68.888 tấn. Vietcap cho biết DGC đã bán khoảng 15.000 tấn IPC trong quý IV/2023.
Bên cạnh đó, DGC đã thâu tóm 1 nhà máy vào đầu năm 2023, nâng công suất photpho từ 60.000 tấn/năm lên 70.000 tấn/năm. Vietcap kỳ vọng nhà máy này của DGC sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2024.
Giá bán trung bình (ASP) IPC của DGC đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua là 3.900 USD/tấn hàm lượng photpho trong quý IV/2023 theo ước lượng của Vietcap, tuy nhiên, công ty chứng khoán này dự báo giá bán trung bình IPC sẽ phục hồi và đạt 4.300 USD vào năm 2024 - gần như không đổi so với mức của năm 2023.
Theo Vietcap, DGC sẽ tiếp tục giành thị phần trên thị trường IPC trong trung hạn. Tổng sản lượng bán IPC của DGC sang Đông Nam Á và Hoa Kỳ đã tăng gấp đôi vào năm 2023 dù bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu do các công ty Hoa Kỳ đa dạng hóa nguồn cung khỏi Trung Quốc. DGC kỳ vọng nhu cầu IPC của Ấn Độ sẽ cải thiện trong quý I/2024 sau quý IV/2023 yếu kém. Nhu cầu của Ấn Độ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý IV/2023 của DGC trong khi nhu cầu ở Đông Á vẫn ổn định.
Ngoài ra, Vietcap kỳ vọng các nhà máy chế tạo chip mới bên ngoài Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho DGC vì Trung Quốc không còn xuất khẩu photpho vàng (P4) trong khi DGC chiếm gần 1/3 tổng xuất khẩu P4 toàn cầu. Vietcap tiết lộ chủ sở hữu một số nhà máy sản xuất pin xe điện (EV) đang được xây dựng tại Nhật Bản và Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến việc thu mua P4 từ DGC khi họ đưa nhà máy vào hoạt động vào năm 2025.
Vietcap dự báo lợi nhuận ròng của DGC có thể phục hồi 31% so với năm 2023, đạt 4.087 tỷ đồng trong năm 2024.