Nhựa Tiền Phong cán đích sớm, dự báo lãi kỷ lục dù doanh thu đi ngang
Dù doanh thu đi ngang nhưng nhờ tiết giảm mạnh chi phí, Nhựa Tiền Phong đem về khoản lãi 624 tỷ đồng sau 9 tháng, vượt kế hoạch cả năm.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý III và luỹ kế 9 tháng, Công ty Cổ phần Nhựa thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong, HNX: NTP) đã cán đích lợi nhuận cả năm sớm 1 quý, nhờ mạnh tay cắt giảm nhiều chi phí trong kỳ.
Cụ thể, nhìn vào bức tranh kinh doanh quý III, những gam màu tối của bức tranh xuất hiện ngay từ doanh thu khi ghi nhận giảm 8% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Không những vậy, việc giá vốn không theo kịp tốc độ sụt giảm của doanh thu, làm biên lãi gộp của NTP co hẹp so với cùng kỳ, từ mức 30,1% của quý III/2023 còn 28,5% vào quý III/2024. Lợi nhuận gộp giảm 13%, đạt 342 tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động tài chính biến động tương đồng, giảm 11% so với cùng kỳ,đạt 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự biến động của hoạt động tài chính không ảnh hưởng quá lớn tới kết quả kinh doanh của NTP, do chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn thu.
Đó là những gam màu tối, gam màu sáng mà bức tranh kinh doanh quý III ghi nhận là việc giảm hàng chục phần trăm các khoản chi phí trong kỳ. Theo đó, chi phí tài chính và chi phí bán hàng của NTP đã giảm lần lượt 39% và 46% so với cùng kỳ, tương đương đạt giá trị 17 tỷ đồng và 91 tỷ đồng trong quý III.
Dù chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới 19%, tương đương đạt 50 tỷ đồng, NTP vẫn mạnh mẽ báo lãi sau thuế tăng 17% so với cùng kỳ, thu về 209 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng năm 2024, với doanh thu đi ngang so với cùng kỳ, đạt 3.830 tỷ đồng, việc tiết giảm mạnh chi phí tài chính và chi phí bán hàng đã giúp NTP đem về khoản lợi nhuận 624 tỷ đồng trước thuế, 519 tỷ đồng sau thuế, tăng lần lượt 34% và 31% so với cùng kỳ.
Năm 2024, NTP lên kế hoạch đạt 5.400 tỷ đồng doanh thu, 555 tỷ đồng lãi trước thuế. Về lợi nhuận, kế hoạch có phần đi lùi so với mức thực hiện năm 2023, phản ánh sự thận trọng của ban lãnh đạo. Kết quả thực tế cho thấy rằng ban lãnh đạo NTP đã thực sự thận trọng khi doanh nghiệp vượt kế hoạch cả năm sớm hơn 1 quý.
Không những vậy, NTP chỉ còn cách mức lãi kỷ lục của năm 2023 một khoảng cách rất ngắn. Giới phân tích cho rằng doanh nghiệp nhựa này hoàn toàn có thể vượt qua mức kỷ lục này và thiết lập mức đỉnh lợi nhuận mới cho năm 2024 với đà tăng trưởng này.
Trong trường hợp đó, NTP sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định trong suốt 6 năm, kể từ năm 2019 cho đến nay.
Tính tới cuối quý III/2024, quy mô tài sản của NTP đạt 5.598 tỷ đồng, tăng 3%, tương ứng tăng 144 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, các khoản tiền và tương đương tiền giảm 53% còn hơn 226 tỷ đồng, mặt khác các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (tiền gửi ngắn hạn) tăng 74% lên 1.650 tỷ đồng.
Các khoản phải thu của NTP đã giảm đáng kể so với thời điểm đầu năm, từ mức hơn 889 tỷ đồng (đầu năm) giảm khoảng 28% còn hơn 635 tỷ đồng. Trong đó công nợ phải thu của khách hàng giảm gần 32% còn hơn 595 tỷ đồng. Hàng tồn kho của NTP vẫn duy trì mức 1.123 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với đầu năm.
Ở bảng nguồn vốn, tính tới cuối quý III, tổng nợ phải trả NTP ghi nhận hơn 2.147 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn giảm khoảng 24%, đạt gần 1.295 tỷ đồng, hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn.
Nhìn chung, bức tranh kinh doanh của NTP vẫn ghi nhận nhiều gam màu sáng hơn so với những mảng tối màu. Diễn biến tích cực này khá tương đồng với diễn biến giá cổ phiếu NTP trên thị trường chứng khoán, khi mà thị giá của NTP đã ghi nhận mức tăng khoảng 72% kể từ đầu năm.
Đà tăng của NTP trên thị trường trở nên rõ ràng nhất trong giai đoạn từ tháng 5 trở đi, sau khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đưa NTP vào danh sách dự kiến triển khai bán vốn trong năm 2024, sau 2 năm vắng bóng tại danh sách bán vốn của SCIC (2022-2023).
Thông tin thoái vốn nhà nước đã giúp NTP ghi nhận liên tiếp nhiều phiên tăng giá sau đó. Dù trải qua không ít phiên điều chỉnh, NTP cũng đã thiết lập mức đỉnh lịch khi đưa thi giá chạm mốc 71.700 đồng/cổ phiếu trong phiên 12/9 vừa qua.