FPT và Nhựa Tiền Phong lọt danh sách thoái vốn của SCIC
Ở danh sách bán vốn đợt 2, SCIC đã bổ sung loạt doanh nghiệp lớn đáng chú ý như FPT, Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong,..., thêm tổng cộng 31 doanh nghiệp so với danh sách trước.
Thêm loạt DN lớn vào danh sách bán vốn
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn đợt 2 của năm 2024 sau khi danh sách đợt 1 được công bố vào đầu tháng 3 năm 2024.
Theo đó, ở danh sách đợt 2, SCIC sẽ thoái vốn tại 31 doanh nghiệp, bao gồm nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn như Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP), Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM), Công ty Cổ phần FPT (FPT), Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VGV), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF), Công ty Cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA), Công ty Cổ phần Xây dựng Vật liệu Bến Tre (VXB) và Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng Hải Phòng (CID).
Tỷ lệ sở hữu của SCIC tại các doanh nghiệp này đạt từ 2,5 – 98,8%. Giá trị vốn đạt từ 240 triệu đồng – 635 tỷ đồng.
Trước đó, SCIC đã công bố danh sách đợt 1 bao gồm 27 doanh nghiệp, bao gồm 2 đơn vị đã thoái vốn thành công là Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacontrol và Công ty Cổ phần Phim truyện 1.
Ở danh sách đợt 1, những doanh nghiệp đáng chú ý có thể kể đến như Tổng công ty Thuỷ sản Việt Nam (Seaprodex, UPCoM: SEA), Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (UPCoM: VEC), Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (UPCoM: VIW), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO (HoSE: DMC), Công ty Cổ phần Sách Việt Nam (UPCoM: VNB),…
Như vậy tổng cộng cả 2 danh sách thoái vốn đợt 1 và đợt 2 của SCIC, số doanh nghiệp dự kiến thoái vốn là 58 đơn vị.
SCIC từng cho biết danh mục thoái vốn hiện nay chỉ còn 113 doanh nghiệp, ngoại trừ 12 doanh nghiệp nắm giữ theo dự thảo Đề án cơ cấu lại SCIC, phần lớn còn lại là những doanh nghiệp kém hiệu quả, khó bán vốn.
Các doanh nghiệp bao gồm 37 đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; 34 đơn vị gồm các doanh nghiệp thuộc diện giải thể phá sản, ngừng hoạt động, tỷ lệ sở hữu nhỏ, kinh doanh khó khăn…(có một số doanh nghiệp đã bán vốn 6 lần trở lên không thành công); 24 đơn vị phải giải quyết các vướng mắc về pháp lý, công nợ, quyết toán vốn lần 2 mới đủ điều kiện bán vốn; 4 doanh nghiệp thuộc Thông báo số 281.
Theo chiến lược phát triển và kế hoạch 5 năm, đến năm 2025, doanh thu bình quân hằng năm đạt 9.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 6.700 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước là 5.400 tỷ đồng, giải ngân đầu tư cả giai đoạn là 36.300 tỷ đồng.
FPT là cái tên đáng chú ý nhất trong danh sách thoái vốn lần này của SCIC. Trong vòng 2 năm liên tiếp 2022-2023, FPT đều vắng mặt tại danh sách bán vốn của SCIC dù những năm trước đó đều có mặt nhưng không thực hiện được.
Điển hình, vào năm 2020, SCIC đã thông báo đấu giá công khai toàn bộ cổ phần nắm giữ tại FPT khi đó là hơn 46 triệu đơn vị, với giá khởi điểm 49.000 đồng/cổ phiếu, dự thu tối thiểu hơn 2.200 tỷ đồng. Việc thoái vốn FPT đã được SCIC lên kế hoạch cách đây hơn 5 năm, tuy nhiên mới chỉ chính thức công bố đấu giá khai 1 lần.
So với mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra ở thời điểm năm 2020, thị giá của FPT đã tăng gấp 2,7 lần lên mức 134.200 đồng/cổ phiếu (giá mở cửa phiên 20/5). Tính theo thị giá hiện tại, SCIC có thể thu về hơn 8.500 tỷ đồng nếu thoái toàn bộ vốn tại FPT.
Số tiền này cao gấp 3,7 lần mức dự thu tối thiểu khi SCIC bán đấu giá cổ phiếu FPT hồi năm 2020, 1 phần do thị giá tăng cao, 1 phần số lượng cổ phiếu gia tăng thông qua những lần FPT tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu.
So với giá vốn đầu tư hơn 630 tỷ đồng, số tiền có thể thu về sau khi thoái vốn của SCIC tại FPT gấp hơn 13 lần giá trị đầu tư ban đầu.
Được biết, FPT là 1 trong những cổ phiếu có thị giá cao trên sàn chứng khoán. Giá cổ phiếu FPT chính thức vượt mốc 100.000 đồng/cổ phiếu vào phiên 2/2/2024 và tiếp tục gia tăng lên các mức đỉnh mới cho đến nay.
Trong vòng gần 5 tháng kể từ phiên đầu năm, giá cổ phiếu FPT đã tăng khoảng 40%. Vốn hoá của FPT tăng cũng tăng thêm khoảng 49.000 tỷ đồng lên mức hơn 170.000 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh tích cực cũng như việc hợp tác với NVIDIA có thể là những động lực tăng giá cho cổ phiếu FPT. Theo đó, kết thúc năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu thuần 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7.788 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và tăng 20% so với mức thực hiện năm 2022.
Sau kết quả khả quan của năm 2023, FPT lập tức lên kế hoạch tham vọng cho năm 2024 với doanh thu mục tiêu 61.850 tỷ đồng (tăng 17,5%), lợi nhuận trước thuế đạt 10.875 tỷ đồng (tăng 18,2%). Trong đó, riêng quý I/2024, FPT đạt 14.092 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 20,6% so với cùng kỳ), lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.533 tỷ đồng (tăng 19,5%).
Về kế hoạch hợp tác với NVIDIA, vào cuối tháng 4 vừa qua, FPT và NVIDIA đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, dự kiến cung cấp một nền tảng AI và điện toán đám mây, bao gồm các sản phẩm về AI, cơ sở hạ tầng GPU và các chuyên gia về công nghệ và kiến thức miền cho khách hàng trong nước và trên toàn thế giới của công ty.
FPT đặt kế hoạch đầu tư khoảng 200 triệu USD để xây dựng AI Factory sử dụng các công nghệ mới nhất của NVIDIA, bao gồm bộ ứng dụng - khung công nghệ phát triển NVIDIA AI Enterprise và chip đồ họa GPU H100 Tensor Core.
Thông qua quan hệ đối tác, FPT cũng đã gia nhập mạng lưới đối tác NVIDIA với tư cách là đối tác phát triển dịch vụ, phụ trách cung cấp phần cứng, phần mềm, dịch vụ điện toán đám mây và đặc biệt là các giải pháp Generative AI cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ ô-tô, sản xuất chế tạo, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.
Với các động lực tăng giá như trên, việc SCIC đưa FPT quay trở lại danh sách bán vốn dự kiến biến thương vụ này trở nên hấp dẫn hơn so với thời điểm năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay room ngoại của FPT đã đạt mức tối đa 49% và thường xuyên ở trong tình trạng này. Như vậy khối ngoại khó có thể tham gia mua vốn FPT trong đợt thoái vốn của SCIC.