Những gương mặt mới trên HoSE: Hàng chất, lên sàn giá tăng
Nửa đầu năm 2024, HoSE đón 6 tân binh đều là những doanh nghiệp, ngân hàng có quy mô hoạt động tầm trung trở lên, bao gồm nhiều tên tuổi, thương hiệu có tiếng trên thị trường.
Nhìn lại nửa đầu năm 2024, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đón tổng cộng 6 doanh nghiệp lên sàn, phần lớn đều chuyển sàn từ UPCoM. Tân binh đầu tiên chào sàn HoSE trong năm 2024 là Công ty Cổ phần Thuỷ điện Hủa Na (HoSE: HNA) vào ngày 12/1.
Liên tiếp sau đó trong tháng 1, HoSE đón thêm 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn (HoSE: QNP) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành Công (HoSE: TCI).
Sang tháng 3, HoSE đón tiếp 2 tân binh là Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, HoSE: NAB) và Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post, HoSE: VTP).
Trong đó, NAB được đánh giá là tân binh “khủng” khi đem tới hơn 1 tỷ cổ phiếu lên sàn, là đơn vị có số lượng cổ phiếu lớn nhất trong số các doanh nghiệp lên sàn trong nửa đầu năm. Chốt sổ 6 tháng đầu năm, cổ phiếu MCM của Công ty cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu (HoSE: MCM) – công ty sữa lâu đời nhất Việt Nam lên sàn vào ngày 25/6 vừa qua.
Dù số lượng chào sàn chưa quá lớn, tuy nhiên có phần khả quan hơn so với sự ảm đảm của năm 2023 khi số lượng lên sàn thưa thớt với vỏn vẹn 1 doanh nghiệp mới trong nửa đầu năm.
6 doanh nghiệp lên sàn HoSE trong nửa đầu năm 2024 đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, từ tài chính, ngân hàng, kho vận, logistics đến thực phẩm, điện. Quy mô hoạt động của các doanh nghiệp cũng đạt tầm trung trở lên, với nhiều tên tuổi, thương hiệu có tiếng trên thị trường.
Về diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu trong số các tân binh lên sàn ghi nhận mức tăng trưởng hàng chục phần trăm so với thời điểm chào sàn. Theo đó, QNP là cổ phiếu có thị giá tăng trưởng mạnh nhất trong số 6 tân binh, tăng gần gấp đôi so với phiên giao dịch đầu tiên tại HoSE từ mức tham chiếu 19.100 đồng/cổ phiếu (mở cửa phiên 18/1) lên mức 37.500 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 26/6).
Ngay sau khi chào sàn, QNP đã thiết lập mức đỉnh trong phiên 1/2 ở mức giá điều chỉnh 43.230 đồng/cổ phiếu sau chuỗi 10 phiên liên tiếp tăng kịch trần. Trong số các doanh nghiệp chào sàn HoSE trong nửa đầu năm 2024, QNP cũng là doanh nghiệp duy nhất không chuyển sàn từ UPCoM mà là doanh nghiệp niêm yết lần đầu.
Cổ phiếu HNA của Thuỷ điện Hủa Na cũng gây ấn tượng với mức tăng giá 42% kể từ thời điểm chào sàn HoSE. Thị giá của HNA tăng từ 18.350 đồng/cổ phiếu (giá tham chiếu phiên 12/1) lên mức 26.100 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên 16/6).
Tương tự QNP, HNA cũng nhanh chóng thiết lập mức đỉnh mới cho giá cổ phiếu ngay khi chào sàn sau chuối 4 phiên tăng trần liên tiếp, đạt 23.950 đồng/cổ phiếu trong phiên 18/1. Sau khi điều chỉnh và đi ngang ở vùng giá 22.000 đồng/cổ phiếu, HNA tiếp tục thiết lập mức đỉnh mới trong phiên 19/6, đạt 27.800 đồng/cổ phiếu.
Gây xôn xao nhất trong thời gian gần đây phải kể đến cổ phiếu VTP của Viettel Post. Với giá tham chiếu 65.400 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động giá 20%, VTP đã tăng kịch trần ngay trong phiên chào sàn lên mức 78.400 đồng/cổ phiếu và tiếp 2 phiên tăng điểm, đưa giá cổ phiếu lên mức đỉnh 94.100 đồng/cổ phiếu trong phiên 15/3.
Sau khi điều chỉnh về vùng giá dưới 70.000 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn từ phiên 17-23/4, VTP tiếp tục xu hướng tăng, đưa giá cổ phiếu lên mức đỉnh mới 96.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 20/6 vừa qua. Các diễn biến của cổ phiếu VTP trong thời gian qua cũng đã đưa vốn hoá của Viettel Post lần đầu vượt mốc 10.000 tỷ đồng kể từ khi niêm yết. Kết phiên 26/6, vốn hoá của Viettel Post đạt hơn 10.500 tỷ đồng.
Con đường niêm yết khó khăn
Các chuyên gia cho rằng việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn dù đã thoả mãn các điều kiện theo quy định của Luật Chứng khoán. Theo đó, quy trình làm hồ sơ niêm yết tại các sở giao dịch là điểm nghẽn làm chậm quá trình lên sàn của doanh nghiệp.
TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt sau khi những vụ việc về thao túng chứng khoán gây xôn xao trên thị trường, nhiều doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian, từ 6 tháng đến cả năm vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ để niêm yết trên sàn chứng khoán. Nguyên nhân do nhân viên của các sở giao dịch không dám nhận hồ sơ, hoặc nhận hồ sơ nhưng chưa xét duyệt, hoặc xét duyệt quá kĩ, dẫn đến thời gian kéo dài.
“Đây là 1 bất cập của thị trường chứng khoán hiện nay. Trong khi chúng ta đang rất cần doanh nghiệp lên sàn để gia tăng số lượng ít ỏi, thì việc cho doanh nghiệp niêm yết lại đang rất khó khăn”, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Thông tin từ website của HoSE cho thấy danh sách công ty nộp hồ sơ niêm yết mới có tới hơn 10 doanh nghiệp, riêng trong năm 2024 hiện có 4 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản CRV, Công ty Cổ phần Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia, Công ty Cổ phần Điện lực Gelex và Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC.
Số còn lại là các doanh nghiệp đã nộp hồ sơ niêm yết từ năm 2022-2023 như Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, Công ty Cổ phần Xây dựng và Năng lượng VCP, Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Lập Phương Thành, Công ty Cổ phần Cấp Thoát Nước Bình Định, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược Bảo Châu, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang, Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Đông Dương.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã rút hồ sơ từ năm 2023 như Dược Bảo Châu, Tôn Đông Á, Chứng khoán Phú Hưng, Lập Phương Thành với các lý do như thị trường chứng khoán chưa phù hợp để niêm yết, kết quả kinh doanh không khả quan,…
Dù con đường niêm yết được nhận định khá khó khăn trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp không ngần ngại chia sẻ dự định chuyển sàn, niêm yết tại HoSE trong thời gian tới. Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) đã công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu MCH của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, UPCoM: MCH) trên sàn HoSE sau 7 năm giao dịch tại hệ thống UPCoM.
Tổng công ty Xây dựng Số 1 (UPCoM: CC1) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (UPCoM: TIG) đều cho biết sẽ thực hiện chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE trong năm 2024 để tăng tính minh bạch và thu hút vốn đầu tư.
Khối ngân hàng cũng nhộn nhịp không kém, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, UPCoM: VAB), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank, HoSE: BVB), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UPCoM: ABB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, HoSE: SGB) đều tiết lộ mong muốn chuyển sàn sang niêm yết tại HoSE, tuy nhiên một nhà băng cũng cho biết quá trình chuyển sàn khá dài và phức tạp, khó lòng hoàn tất trong năm 2024.