NVL gây ấn tượng, nhiều cổ phiếu BĐS “penny” bứt phá trong phiên 14/4

Thị trường chứng khoán biến động giằng co, rung lắc trong phiên 14/4. Tuy nhiên, nhờ lực đẩy của một số mã trụ cột như HPG, MSN, NVL... nên VN-Index kết thúc phiên trong sắc xanh.

Phiên giao dịch ngày 14/4 của thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra với những biến động mạnh. Các chỉ số mở cửa phiên giao dịch trong sắc đỏ trước áp lực bán mạnh ở nhiều cổ phiếu trụ cột. VN-Index có thời điểm giảm đến hơn 15 điểm. Tuy nhiên, tương tự như các phiên trước, lực cầu lại dâng cao và góp phần giúp nhiều cổ phiếu lớn hồi phục, từ đó đà giảm của các chỉ số cũng được thu hẹp lại.

Sự giằng co giữa bên mua và bên bán khiến các chỉ số có khoảng thời gian biến động hẹp sau đó. Sau giờ nghỉ trưa, thị trường có biến động mạnh trở lại khi lực cầu ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn bất ngờ tăng mạnh. Các chỉ số chứng khoán đều chốt phiên trong sắc xanh với sự nâng đỡ của một số cổ phiếu trụ cột.

Tâm điểm trong phiên 14/4 là cổ phiếu MSN khi bất ngờ được kéo lên mức giá trần 100.700 đồng/cp và chỉ đứng sau HPG về mức tác động tích cực đến VN-Index với 2,07 điểm (0,17%). Trong khi đó, HPG tăng 5,8% lên 53.000 đồng/cp và đóng góp 2,61 điểm (0,21%) cho VN-Index. Bên cạnh HPG, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm thép là POM, TLH, VGS, HSG... cũng đồng loạt bứt phá.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.  
Một cổ phiếu khác cũng gây chú ý đó là NVL - Một cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn với nhiều biến động tích cực. Chốt phiên, NVL tăng 3,6% lên 100.100 đồng/cp và khớp lệnh hơn 3,6 triệu cổ phiếu.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu bất động sản lớn khác như VHM, VIC hay VRE đều chìm trong sắc đỏ và tác động không tốt đến VN-Index.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.  
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự phân hóa diễn ra nhưng sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn. Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu “penny” có mức tăng rất mạnh. ITA, HQC, FLC… đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, TIG tăng 6% lên 12.300 đồng/cp, PVL tăng 4,4% lên 4.700 đồng/cp.

Chiều ngược lại, không nhiều cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ giảm sâu ở phiên 14/4. Các mã như HAR, KBC, TDH, CII, DXG… đều giảm giá dưới 2%.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 7,54 điểm (0,6%) lên 1.255,87 điểm. Toàn sàn có 263 mã tăng, 153 mã giảm và 61 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,64 điểm (0,9%) lên 294,83 điểm. Toàn sàn có 146 mã tăng, 80 mã giảm và 54 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (0,32%) lên 83,4 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn suy giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 20.291 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 969 triệu cổ phiếu. FLC, ITA và HQC là các cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường. Trong đó, FLC khớp lệnh được 41,7 triệu cổ phiếu; ITA và HQC lần lượt là 32,6 triệu cổ phiếu và 30,3 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.  
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.  
Khối ngoại bán ròng đột biến hơn 1.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán phiên 14/4. VHM bị khối ngoại bán ròng lên đến 610 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản như CRE, VIC, VRE, KBC hay NLG đều nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại. Chiều ngược lại, NVL được khối ngoại mua ròng 72,3 tỷ đồng, đây cũng là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index kiểm định thành công vùng hỗ trợ 1.225 - 1.232 điểm và bật tăng trở lại về cuối phiên. Diễn biến này được kỳ vọng sẽ giúp chỉ số tiếp tục duy trì đà đi lên và hướng đến thử thách vùng kháng cự 1.275 - 1.300 điểm trong ngắn hạn.

Tuy vậy, diễn biến của thị trường giai đoạn này nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu sự chi phối của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn, kèm theo đó là sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu trên thị trường.

Dòng cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu dẫn dắt vẫn sẽ luân phiên tăng điểm để hỗ trợ thị trường. Phiên 15/4 cũng là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 4, sự kiện này có thể khiến các cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 bị biến động mạnh trong phiên kế tiếp./.

Tuấn Hào

Theo Reatimes