Ông chủ Hermès bị lừa đảo, tài sản 13 tỷ USD 'không cánh mà bay'

Ông Nicolas Puech, hậu duệ của nhà Hermès, người đã khiến dư luận xôn xao vào năm ngoái vì có ý định tặng toàn bộ số tiền thừa kế cho người làm vườn, đã trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo khiến ông mất toàn bộ số cổ phần trong nhà mốt xa xỉ.

Cuối năm 2023, câu chuyện doanh nhân người Pháp Nicolas Puech mong muốn chuyển giao một phần tài sản của mình cho người làm vườn mà theo ông đánh giá là rất siêng năng và thật thà, đã gây xôn xao dư luận.

Ông Puech là người thừa kế và hậu duệ đời thứ năm của nhà sáng lập hãng thời trang xa xỉ Hermès - Thierry Hermès. Ông Puech được cho là người có đóng góp quan trọng trong việc đưa thương hiệu Hermès phủ sóng khắp các quốc gia trên thế giới.

Quyết định rời công ty vào tháng 8/2014 nhưng vẫn nắm giữ hơn 5% cổ phần, ông Puech là cổ đông cá nhân lớn nhất của Hermès.

Theo tạp chí Bilan, tạp chí xếp hạng 300 cá nhân giàu nhất Thụy Sĩ mỗi năm, tài sản của ông Puech được ước tính rơi vào khoảng 9 - 10 tỷ franc Thụy Sĩ (10,2 - 11,4 tỷ USD) nhờ cổ phần của ông trong Hermès.

Ông Nicolas Puech - Hậu duệ của nhà sáng lập Hermès.
Ông Nicolas Puech - Hậu duệ của nhà sáng lập Hermès.

Tuy nhiên, trong quãng thời gian gần đây, ông Puech đã vướng vào một vụ lừa đảo khiến ông bị mất tài sản và việc chuyển giao tài sản cho người làm vườn của ông rất có thể sẽ không thành hiện thực.

Tài sản mất tích bí ẩn

Trong hồ sơ tòa án do tờ Gotham City của Thụy Sĩ đăng tải, ông Nicolas Puech, 81 tuổi, cáo buộc rằng ông không còn sở hữu 6 triệu cổ phiếu Hermès trị giá khoảng 12 tỷ EUR (gần 13 tỷ USD) và người quản lý tài sản cũ của ông trong hơn hai thập kỷ, Eric Freymond, đứng sau vụ thua lỗ này.

Hãng tin Thụy Sĩ Tribune de Genève đưa tin rằng cổ phiếu đã được gửi vào một ngân hàng Geneva vào năm 2012, nhưng hiện tại chưa rõ số cổ phiếu đó ở đâu.

Trong hồ sơ vụ án, ông Puech cáo buộc rằng tài sản của ông hầu như hoàn toàn đến từ cổ phần của ông tại Hermès và ông không còn sở hữu bất kỳ cổ phần nào trong số đó nữa, nhưng không nhận ra điều đó vì người quản lý Freymond đứng ra nhận tất cả các sao kê ngân hàng của ông.

Tài liệu của tòa án cho thấy ông Puech đã thuê ông Freymond quản lý tài sản của mình trong khoảng 24 năm.

Bắt đầu từ năm 1998, Puech bắt đầu chuyển giao cổ phiếu Hermès cho các ngân hàng Thụy Sĩ, tổng cộng lên tới 6 triệu cổ phiếu. Từ năm đó, ông đã trao cho ông Freymond một loạt các ủy nhiệm đã ký để giám sát các tài khoản của mình.

Nhưng bắt đầu từ năm 2001, cổ phiếu đã được bán, mua và chuyển nhượng thông qua một trong các ngân hàng nắm giữ.

Quan trọng hơn, lợi nhuận 53,7 triệu EUR đã được ghi nhận từ việc bán cổ phiếu trong khoảng thời gian gần hai năm cho đến tháng 10/2010, cùng tháng Chủ tịch LVMH Bernard Arnault tiết lộ với gia đình Hermès rằng ông đã tích lũy được cổ phần trong công ty.

Ông Puech đã hủy bỏ các nhiệm vụ của ông Freymond vào tháng 10/2022, bắt đầu kiểm kê tài sản của mình và sắp xếp việc kế nhiệm, theo phán quyết của Thụy Sĩ.

Một năm sau, ông đã đệ đơn kiện ba lần chống lại ông Freymond, lần đầu tiên cáo buộc người quản lý tài sản đã che giấu thông tin, và không muốn và không thể trả lại cổ phiếu Hermès. Các lần khác liên quan đến việc quản lý quỹ, các khoản vay và các khoản đầu tư khác của ông.

Tuy nhiên, Quyết định của tòa phúc thẩm tại Geneva vào ngày 12/7 cho biết không có bằng chứng nào cho thấy cố vấn tài chính Eric Freymond quản lý sai tài sản của ông Puech.

Tòa án cho rằng hành vi gian lận bị cáo buộc là "không thể phát hiện được đối với người bình thường", đồng thời nói thêm rằng các cáo buộc thiếu rõ ràng và không có đủ bằng chứng hỗ trợ.

Phán quyết của tòa án kết luận rằng ông Puech đã tự nguyện chuyển giao quyền quản lý công việc của mình cho ông Freymond, bao gồm cả việc ký nhiều văn bản trắng và cho phép truy cập vào các tài khoản ngân hàng của mình.

Ông Puech không bao giờ nói rằng ông bị lừa hoặc không hiểu những gì mình đã ký, chỉ nói rằng ông để lại quyền lựa chọn để gia tăng tài sản của mình cho ông Freymond.

"Không rõ ai đã ngăn cản nguyên đơn quan tâm đến cách tài sản của mình phát triển", tòa án nhận định. Nhưng "niềm tin mù quáng" của ông Puech vào ông Freymond không phải là dấu hiệu cho thấy sự không trung thực của người quản lý tài sản.

Văn phòng Công tố Geneva cũng đã từ chối điều tra dựa trên cáo buộc của ông Peuch. Quyết định của tòa án ngày 24/7 ủng hộ quyết định của các công tố viên.

Các luật sư của ông Peuch, Grégoire Mangeat và Fanny Margairaz, nói với Business Insider rằng họ "đang trong quá trình nghiên cứu chi tiết hồ sơ tội phạm" và từ chối bình luận thêm.

Những chiếc túi Hermès Birkin là sản phẩm làm nên tên tuổi của nhà mốt Pháp.
Những chiếc túi Hermès Birkin là sản phẩm làm nên tên tuổi của nhà mốt Pháp.

Dấu hỏi lớn về số cổ phiếu

Trong báo cáo thu nhập gần đây của hãng thời trang xa xỉ, một nhà phân tích đã hỏi chủ tịch điều hành Hermès Axel Dumas về việc liệu ông Puech có sở hữu cổ phiếu hay không.

"Chúng tôi không có cách nào để xem và kiểm soát chúng", ông Dumas trả lời, đặt ra tính xác thực về số cổ phiếu mà ông Puech thực sự nắm giữ và vai trò của người thừa kế này như một cổ đông cá nhân lớn nhất của Hermès.

Thực chất, số phận của gần 6% cổ phần của ông Puech vẫn là một ẩn số dai dẳng kể từ năm 2014, khi ông Puech rời khỏi ban giám sát Hermès.

Theo những nghi vấn được đề ra, truyền thông phương Tây đã nhiều lần đề cập tới việc ông chủ của LVMH Bernard Arnault - tập đoàn đã thâu tóm Hermès, giờ đây mới là người sở hữu gần 6% cổ phần của hậu duệ nhà mốt Pháp, do sự trùng hợp về quãng thời gian mua bán cổ phần của ông Puech và ông Arnault.

Mặc dù không thể chắc chắn số cổ phần của hậu duệ nhà Hermès đã "đi đâu về đâu", nhưng chắc chắn một điều, đó là người làm vườn nhà ông Nicolas Puech sẽ khó mà nhận được số tiền thừa kế.

Linh Anh

Theo VietnamFinance