Phố Wall phục hồi chờ dữ liệu lạm phát, Dow Jones tăng vọt lên mức cao 'hiếm thấy'
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 12/12, khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát (CPI) được công bố vào ngày thứ Ba (13/12) và thông báo lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào cuối tuần này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai (12/12), chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 528,58 điểm, tương đương 1,58%, lên 34.005,04. Đây là lần đầu tiên chỉ số blue-chip của Mỹ đóng cửa trên mức 34.000 kể từ ngày 2/12/2021.
S&P 500 tăng 1,43%, đóng cửa ở mức 3.990,56 và Nasdaq Composite tăng 1,26% lên 11.143,74.
Cổ phiếu Boeing tăng đã đẩy chỉ số Dow lên cao hơn sau khi có báo cáo rằng hãng hàng không này sắp đạt được thỏa thuận với Air India. Ngoài ra, dự trữ năng lượng tăng khi giá dầu ổn định sau vài tuần giảm cũng là động lực thúc đẩy mức tăng của chỉ số này.
Cổ phiếu Microsoft Corp tăng 2,89% sau thương vụ của gã khổng lồ công nghệ mua 4% cổ phần của London Stock Exchange Group (LSEG.L), giúp thúc đẩy cả ba chỉ số chính.
Cổ phiếu của Pfizer cũng tăng 0,85% sau khi nhà sản xuất dược phẩm đưa ra dự báo doanh thu từ vắc xin trong danh mục đầu tư của mình.
Công ty công nghệ sinh học Horizon Therapeutics Plc tăng tới 15,49% sau đề nghị mua lại từ Amgen Inc, trong khi Coupa Software Inc tăng 26,67% sau khi đồng ý bán lại cho công ty cổ phần tư nhân Thoma Bravo LLC.
Trái lại, Rivian Automotive giảm 6,16% sau khi công ty tạm dừng thảo luận hợp tác với Mercedes-Benz Vans về sản xuất xe van điện ở châu Âu.
Đợt phục hồi ngày 12/12 đánh dấu mức tăng phần trăm lớn nhất trong một ngày đối với ba chỉ số chính kể từ ngày 30/11/2021 và tất cả các chỉ số trong số 11 lĩnh vực của S&P đều kết thúc phiên giao dịch trong vùng tích cực.
Trước đó, Phố Wall đã trải qua một tuần đầy biến động khi cả 3 chỉ số trung bình chính đều giảm điểm. Chỉ số Dow và S&P 500 có mức giảm hàng tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 9, lần lượt giảm 2,77% và 3,4%. Nasdaq giảm khoảng 4%.
Yung-Yu Ma, chiến lược gia trưởng đầu tư của BMO Wealth Management, cho biết: “Sự phục hồi hôm nay chủ yếu là bù lại hiệu suất kém của tuần trước. Có thể có một số sự lạc quan đầy thận trọng trước báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ngày mai, nhưng cũng có một số lo ngại tiềm ẩn”.
Được biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ được công bố vào thứ Ba (13/12). CPI tháng 11 dự kiến sẽ ở mức 7,3%, thấp hơn so với mức 7,7% ghi nhận trong tháng 10, trong khi chỉ số "cốt lõi" không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng là dự kiến sẽ tăng 6,1% so với mức 6,3% của tháng trước.
"Thị trường đang định giá CPI ở mức 6 điểm vào ngày mai, và nếu nó thực sự ở khoảng 6%, thì đó sẽ là lý do đủ để khiến thị tất cả phấn khích, dù trong ngắn hạn", Ken Polcari, đối tác quản lý tại Kace Capital Advisors ở Boca Raton, Florida cho biết.
Một báo cáo lạm phát thấp hơn dự kiến sẽ giúp củng cố niềm tin rằng các hành động chính sách tích cực mà Fed thực hiện trong năm nay thực sự có hiệu quả. Trước đó, những lo ngại Fed sẽ mắc sai lầm chính sách và khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái đã đè nặng lên Phố Wall trong năm nay, với việc chỉ số S&P 500 giảm khoảng 16% và đang trên đà ghi nhận mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2018 và mức giảm phần trăm lớn nhất kể từ năm 2008.
Cùng ngày 13/12, Fed sẽ bắt đầu cuộc họp kéo dài hai ngày và dự kiến sẽ công bố một đợt tăng lãi suất 0,5% vào thứ Tư (14/12), sau 3 lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75%.
Ngoài việc tăng lãi suất dự kiến, các dự báo kinh tế cập nhật của Fed và cuộc họp báo của Chủ tịch Jerome Powell có thể là những tín hiệu chính cho những gì ngân hàng trung ương muốn làm trong những tháng tới.