Quảng Ngãi tiếp tục gỡ khó cho 'siêu dự án' 85.000 tỷ Hòa Phát Dung Quất 2

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản liên quan đến việc giải quyết đề nghị của Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất.

Bên trong 'siêu' dự án Hòa Phát Dung Quất 2. Ảnh: Nhuệ Lộc
Bên trong 'siêu' dự án Hòa Phát Dung Quất 2. Ảnh: Nhuệ Lộc

Để triển khai dự án, Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất đã đề nghị tỉnh Quảng Ngãi giải quyết dứt điểm các vướng mắc kéo dài; đẩy nhanh trả tiền bồi thường mặt bằng, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án thép Hòa Phát Dung Quất 2, dự án cấp nước thô và một số vấn đề khác liên quan.

Trước đề nghị của doanh nghiệp trên, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao nhiệm vụ cho chính quyền huyện Bình Sơn chủ trì, phối hợp với Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, các cơ quan và đơn vị liên quan rà soát, giải quyết dứt điểm các nội dung đề nghị nêu trên của Hòa Phát Dung Quất, đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành; báo cáo cho tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 20/9/2022;

Song song với đó là khẩn trương rà soát các nội dung tồn tại, vướng mắc, kể cả công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn để tập trung chỉ đạo và đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn huyện Bình Sơn, đặc biệt là các dự án trọng điểm tại khu kinh tế Dung Quất.

Ngoài ra, UBND huyện Bình Sơn báo cáo, đề xuất UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) xem xét, quyết định đối với những nội dung thuộc thẩm quyền (nếu có) đối với việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn trước ngày 30/9/2022.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 6/2021, với tổng diện tích 279,8ha; đến ngày 20/6/2022, đã giải phóng mặt bằng 221,99ha, còn 57,81ha chưa giải phóng mặt bằng. 

Trong số diện tích chưa giải phóng mặt bằng, đã chi trả bồi thường 16,58ha (chưa bàn giao mặt bằng), 27,97ha chưa chi trả bồi thường, còn vướng mắc 13,25ha. Nguyên nhân chủ yếu là các dự án tái định cư chưa hoàn thiện, chưa bố trí kịp thời chỗ ở mới cho dân để dân di dời, bàn giao mặt bằng; cơ chế chính sách bồi thường chưa thống nhất, dẫn đến người dân chưa đồng thuận; một số vị trí đất công chưa được bàn giao mặt bằng, từ đó dẫn đến việc hoàn thiện thủ tục, chi trả bồi thường, tái định cư, thu hồi đất và giao đất cho nhà đầu tư chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Dự án Hòa Phát Dung Quất 2 có tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng là chủ yếu. Dự kiến, cuối quý I 2022, dự án sẽ khởi công và hoàn thành vào cuối năm 2024. Sau khi đưa vào hoạt động, dự kiến tổng sản lượng của thép Hòa Phát Dung Quất sẽ đạt 11 triệu tấn thép/năm.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã có buổi làm việc với các bên liên quan để giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.

Qua báo cáo kiến nghị của nhà đầu tư và đề xuất hướng giải quyết cụ thể đối với từng nội dung vướng mắc của các đại biểu dự họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, dự án vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Do đó, huyện Bình Sơn cần tích cực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và giải quyết các vấn đề có liên quan đến đề nghị của doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Đối với các kiến nghị của Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất về giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư thực hiện dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, ông Đặng Văn Minh yêu cầu địa phương, sở, ngành phải khẩn trương rà soát nội dung công việc liên quan đến dự án Hòa Phát Dung Quất 2 thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, đề ra phương án xử lý dứt điểm trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không đùn đẩy né tránh.

Cụ thể, huyện Bình Sơn khẩn trương chỉ đạo lực lượng bảo vệ thi công đường điện 110kV trước 15/7/2022; tổ chức cưỡng chế đối với trường hợp bồi thường giải phóng mặt bằng đã lập phương án đúng quy định mà người dân không chấp hành; đôn đốc tiến độ thi công khu tái định cư Vạn Tường để bố trí tái định cư cho dân. 

Cùng với đó, Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi khẩn trương hoàn thiện khu tái định cư Cà Ninh để di dời dân, giải phóng mặt bằng chậm nhất đến 30/9/2022. Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền chuyển đổi đất lúa sang đất công nghiệp, chậm nhất 15/7/2022.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất cho phép lập phương án bồi thường, tái định cư, suất đầu tư tái định cư trên cơ sở tổng mức đầu tư tạm tính của dự án. Đối với khu tái định cư Vạn Tường, Chủ tịch tỉnh thống nhất cho phép xây dựng giá đất tái định cư tạm tính trên cơ sở tổng mức đầu tư của dự án.

Về vướng mắc trong áp dụng cơ chế chính sách, tỉnh thống nhất quan điểm cùng một dự án thì áp dụng cùng cơ chế chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, không để người dân chịu thiệt.

Nhuệ Lộc

Theo VietnamFinance