Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính quyền đô thị TP.HCM
Sáng 16/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, Nghị quyết sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021 và việc tổ chức chính quyền đô thị được thực hiện từ ngày 1/7/2021.
Chính quyền địa phương ở TP HCM (sau đây gọi là Thành phố) được quy định là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố và UBND Thành phố.
Chính quyền địa phương ở quận tại Thành phố là UBND quận. UBND là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND Thành phố.
Chính quyền địa phương ở phường tại Thành phố là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này, theo phân cấp của UBNDThành phố, UBND quận, UBND thành phố thuộc Thành phố và theo ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND quận, thành phố thuộc Thành phố.
Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của Thành phố được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Về HĐND Thành phố, theo Nghị quyết, HĐND Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thường trực HĐND Thành phố gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và các ủy viên là Trưởng ban của HĐND Thành phố. Chủ tịch HĐND Thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND Thành phố là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
UBND Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan. Chủ tịch UBND Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn: Bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận; Đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND quận. UBND quận có không quá 3 Phó Chủ tịch.
HĐND thành phố thuộc Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ngoài nhiệm vụ quyết định dự toán thu ngân sách, giám sát và thực hiện Nghị quyết, HĐND thành phố còn có nhiệm vụ lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp có thể xin từ chức; trường hợp có từ hai phần ba tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì HĐND Thành phố đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Thời hạn, thời điểm, trình tự lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện theo quy định của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc bổ sung quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm cụ thể hóa cơ chế chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận trước HĐND Thành phố, tăng cường sự giám sát, kiểm soát quyền lực của chính quyền Thành phố đối với chính quyền địa phương ở quận.
Đây là một kênh thông tin tham khảo quan trọng để người có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động công tác đối với chức danh Chủ tịch UBND quận. Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận trong Nghị quyết này sẽ tạo cơ sở pháp lý để HĐND Thành phố triển khai thực hiện trên thực tế.
Cùng với đó, đại biểu HĐND Thành phố có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, Chánh án Tòa án nhân dân quận, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận.