Quy hoạch sông Hồng: Điều quan trọng nhất...
Theo GS Hồng, một trong những yêu cầu đối với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là phải đảm bảo thoát được lũ.
Bộ NN-PTNT vừa có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội cho ý kiến về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Theo đó, Bộ NN-PTNT nhất trí với nhiều nội dung của quy hoạch, nhưng cắt bỏ một số đề xuất của thành phố về cao trình 2 tuyến đường ven sông, không nhất trí giữ lại hai khu dân cư Bắc Cầu và Bồ Đề…
Đáng lưu ý, trong văn bản gửi Hà Nội, Bộ NN-PTNT thống nhất giải pháp quy hoạch xây dựng về đường giao thông trên nguyên tắc không thu hẹp không gian thoát lũ, không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới. Tuy nhiên, theo bản đồ quy hoạch, phương án đề xuất xây dựng 2 tuyến đường ven sông được kết hợp chức năng là đê ngăn lũ với cao trình mặt đường +12,0 (trên mức lũ báo động 3) tương tự việc hình thành đê bối mới là không phù hợp.
Trao đổi với Đất Việt, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, người từng có thời theo dõi, phản biện nhiều công trình nghiên cứu khoa học quy hoạch thoát lũ trên sông Hồng, tán thành với quan điểm phải bảo vệ hành lang thoát lũ của Bộ NN-PTNT.
Theo GS Hồng, Bộ NN-PTNT vẫn dựa trên Quy hoạch 257 (Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 và căn cứ vào yêu cầu về tần suất chống lũ, đặc biệt là đảm bảo lòng sông có thể chống được lũ.
Nói về hai tuyến đường Hà Nội đề xuất xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho hay, không gian thoát lũ được xác định bao gồm khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa 2 đê, cho nên không thể xây dựng đường ở trong không gian thoát lũ. Điều quan trọng là phải tính được lòng sông chứa được bao nhiêu lũ.
"Trước đây đã có những vùng phân lũ, chậm lũ, nhưng giờ không còn, mà chỉ trông vào thoát lũ sông Đáy. Nhưng thoát lũ sông Đáy nhỏ, trước kia 5.000 m3/s, giờ chỉ còn khoảng 2.500 m3/s, cho nên yêu cầu lòng sông phải chứa được lũ.
Năm 1996, mưa rất lớn ở đồng bằng Bắc Bộ nhưng lại không mưa ở thượng nguồn, triều lúc đó lại dâng cao, dự báo bão sắp vào. Khi ấy, nước sông Hồng dâng lên chỉ cach đỉnh đê khoảng 20cm.
Trước tình hình nguy hiểm ấy, chúng tôi đã lên kế hoạch xin ý kiến cấp trên cho phân lũ xuống Đập Đáy (Đan Phượng, Hà Nội). Nếu Đập Đáy phải xả lũ thì phía hạ du sẽ bị thiệt hại rất nặng nề. Nhưng rất may năm đó bão không vào.
Bây giờ, cần tính được lượng nước phải chứa nếu mưa ở hạ lưu và triều lên, trong khi Hòa Bình, Sơn La không có mưa. Đây là trường hợp cực đoan mà trong Quy hoạch Phòng chống thiên tai và thuỷ lợi thời kỳ 2021-2020, tầm nhìn 2050 Bộ NN-PTNT đang hoàn thiện có tính đến", GS.TS Vũ Trọng Hồng nhớ lại và cho rằng, Hà Nội cần ngồi với Bộ NN-PTNT để tính hành lang thoát lũ có chứa được lượng nước, mà theo tính toán của các chuyên gia ngành thủy lợi, lên tới chừng 1 tỷ m3 hay không. Nếu chứa được thì mới được làm 2 tuyến đường cũng như giữ lại nhà dân.
Vị chuyên gia thủy lợi cũng lưu ý, hiện nay, có quan điểm cực đoan là nếu lũ lớn quá thì cho tràn vào trong Hà Nội. Tuy nhiên, việc này, về nguyên tắc đê điều, là không cho phép. Dù đê có làm bằng bê tông nhưng một khi nước lũ đã tràn qua đê, nước dâng lên sẽ làm vỡ không phải chỗ tràn mà là vỡ chỗ khác - những nơi yếu nhất. Các chuyên gia Hà Lan trước đây cũng từng khuyến cáo Việt Nam không nên làm đê bê tông mà chỉ làm đê đất.
Một điểm khác được GS Hồng chia sẻ, đó là, nếu Hà Nội làm hai tuyến đường trên thì đây có thể chính là trở ngại để ứng cứu khi vỡ đê. Khi ấy, không phải chỉ trong đồng mà ngay ngoài sông cũng phải đổ đá để ngăn lũ, nếu làm đường thì sà lan chở đất đá không thể vào được.
Cho nên, đối với 2 tuyến đường mà Hà Nội đề xuất, vị chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh, nếu tuân thủ yêu cầu sông Hồng là đường thoát lũ thì không được làm gì trong đó. Nhà cửa có thể cho phép xây dựng 5% diện tích bãi sông với điều kiện không được nâng cấp đê bối, đồng thời nhà không được xây kiên cố.
Đồng ý quan điểm của Bộ NN-PTNT, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, quy hoạch phân khu đô thị đô thị sông Hồng phải lưu ý điều này và phải tuân thủ theo Quy hoạch Phòng chống thiên tai và thuỷ lợi thời kỳ 2021-2020, tầm nhìn 2050 mà Bộ NN-PTNT đang hoàn thành để trình Thủ tướng Chính phủ - bản quy hoạch vốn đã đặt ra những vấn đề phân tích ở trên.
Riêng với cá nhân GS.TS Vũ Trọng Hồng, ông nhấn mạnh thêm: Trước đây, khi ông còn công tác, Bộ NN-PTNT đã từng đặt ra kịch bản lũ 700 năm xuất hiện một lần, với điều kiện xảy ra lũ ở trên thượng nguồn, Trung Quốc bị vỡ hồ chứa và khi ấy Hà Nội phải chống chịu được. Tuy nhiên, cho tới nay, không thấy có văn bản nào nhắc lại vấn đề này, mà tất cả chỉ đề cập đến lũ 500 năm xuất hiện một lần.
Thực tế, ở Trung Quốc từng vỡ đập, nước tràn xuống phía Việt Nam nhưng vì hồ nhỏ nên không ảnh hưởng gì. Cho nên, GS Hồng đề nghị phải tính đến cả kịch bản lũ 700 năm xuất hiện một lần.
"Như vậy, quy hoạch phải đảm bảo thoát được lũ, với điều kiện hiện nay là Đập Đáy, phân lũ, chậm lũ không có khả năng giúp được nhiều cho Hà Nội. Bên cạnh đó, nếu gặp trận lũ lớn 700 năm xuất hiện một lần, tức trên thượng nguồn bị vỡ hồ chứa, thì phải bảo vệ được Hà Nội. Hai điều này rất quan trọng", GS Hồng nói.
Điểm sau cùng được nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, hiện nay trong khi làm các quy hoạch, bao giờ Nhà nước cũng lấy quy hoạch đê điều làm trung tâm, rồi mới đến các quy hoạch khác. Nếu quy hoạch đê điều không thỏa mãn thì các quy hoạch khác không được làm.
Ở các nước khác cũng vậy, bao giờ cũng phải có quy hoạch chủ. Đối với sông Hồng, quy hoạch chủ chính là quy hoạch đê điều, nếu quy hoạch đê điều không đáp ứng được thì các quy hoạch khác phải thay đổi, không thể bắt quy hoạch đê điều đi theo quy hoạch khác.