Xây cầu đường sắt vượt sông Hồng: Bài toán bảo tồn
Xây cầu đường sắt vượt sông Hồng là cần thiết nhưng xây thế nào để không ảnh hưởng tới cảnh quan di sản cầu Long Biên thì không dễ
Liên quan tới đề xuất làm cầu đường sắt vượt sông Hồng song song với cầu Long Biên của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam mới đây, KTS Đào Ngọc Nghiêm ủng hộ ý tưởng trên tuy nhiên ông nhấn mạnh tới hai vấn đề phải làm rõ.
Loay hoay bảo tồn cầu Long Biên. Ảnh minh họa |
Phân tích cụ thể, vị KTS cho biết, Hà Nội thời Pháp thuộc hiện đã khác, diện tích đã được mở ra gấp 33 lần, và đòi hỏi những tuyến giao thông đường sắt hoàn toàn khác biệt. Trong khi đó, những gì người Pháp để lại quanh cầu Long Biên lại được coi là di sản đặc trưng của một Hà Nội trong một thời kỳ lịch sử. Do đó, xây dựng cầu đường sắt là cần thiết nhưng xây như thế nào và giải pháp ứng xử với di sản ra sao là bài toán không đơn giản, phải tính kỹ.
Vị KTS cho hay, bài toán với Long Biên hiện tại là xây một cây cầu đường sắt mới, đồng thời tiếp tục đầu tư để bảo tồn cây cầu lịch sử cũ đã có trên 100 năm tuổi.
Nếu phương án xây dựng càng gần thì số hộ dân phải di dời càng ít, càng tiết kiệm được số tiền đền bù, giải tỏa, giảm chi phí đầu tư. Tuy nhiên, như vậy sẽ phải nhìn nhận lại là việc chúng ta có chấp nhận nhìn cầu Long Biên như một cây cầu phục vụ mục đích phát triển không gian văn hóa hay không? Vì nếu xem đó là một di tích, cần phải bảo tồn thì cầu Long Biên cần được bảo tồn với nguyên vẹn không gian của nó. Muốn như vậy thì phương án phải bảo đảm hài hòa từ thiết kế, xây dựng, cho tới khoảng cách.
"Trên toàn thế giới hiện nay cũng chỉ còn có 24 cây cầu được xem là di sản thế giới cần phải lưu giữ, trong đó có cầu Long Biên.
Bên cạnh đó, giữa Việt Nam và Pháp đã có ký kết thỏa thuận cấp nhà nước về yêu cầu duy tu bảo tồn di sản cầu Long Biên, chúng ta phải tôn trọng những cam kết đã thỏa thuận", vị KTS nêu quan điểm.
Từ cách nhìn trên, đi vào phân tích từng vấn đề ông chỉ rõ:
Thứ nhất, về chủ trương xây cầu đường sắt vượt sông Hồng với chức năng phục vụ đường sắt là cần thiết nhưng cần phải có giải pháp và hình thức xây dựng hợp lý.
"Đầu tiên là về vị trí xây cầu sẽ lựa chọn như thế nào? Trước đây Hà Nội đưa ra 3 phương án. Phương án 1: Tim cầu đường sắt cách tim cầu Long Biên 30m về phía thượng lưu.
Phương án 2: Tim cầu ĐSĐT cách tim cầu Long Biên 186m về phía thượng lưu. Và phương án 3: Tim cầu ĐSĐT cách tim cầu Long Biên 75m về phía thượng lưu.
Sau đó, UBND TP Hà Nội đã trình Chính Phủ phương án đặt vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng của tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) cách cầu Long Biên về phía thượng lưu 75m. Đây cũng là một lựa chọn, việc cách cầu Long Biên càng xa về phía thượng nguồn sẽ càng ít ảnh hưởng tới cầu Long Biên hiện tại.
Tiếp theo, các cầu bắc qua sông ở Hà Nội đều mang theo một biểu tượng đặc trưng của Hà Nội. Vậy thì với cầu đường sắt vượt sông Hồng mới này sẽ mang biểu tượng đặc trưng gì? Ví dụ như cây cầu Nhật Tân là biểu tượng cho một Hà Nội vươn lên, vì thế, cây cầu có hình dáng thiết kế giống hình rồng bay. Hay cầu Thăng Long được xem là một biểu tượng cho sự hội nhập quốc tế. Cầu Chương Dương là thể hiện nội lực của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung. Còn cầu Vĩnh Tuy thể hiện lợi thế khai thác khoa học, kỹ thuật hiện đại.
Như vậy, cây cầu mới này mang mục tiêu phục vụ vận tải đường sắt là đúng nhưng sẽ mang theo ý nghiã gì? Là biểu tượng cho điều gì, nhất là khi đặt cạnh một cây cầu di sản là cầu Long Biên? Rõ ràng không đơn giản, bởi ngoài việc phải mang theo một biểu tượng mới cho Hà Nội, thì hình thức, thiết kế như thế nào để không được làm ảnh hưởng tới cảnh quan của cầu Long Biên, một di sản văn hóa vô giá cần lưu giữ hiện nay thì không dễ.
Biểu tượng này là gì? Thiết kế như thế nào sẽ còn là vấn đề phải bàn và phải được tranh thủ ý kiến nhiều từ nhân dân và giới chuyên môn", vị KTS cho hay.
Thứ hai, đối với chuyện bảo tồn cầu Long Biên, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay, đây là vấn đề vô cùng khó, chuyện này đã được cả phía Pháp và Việt Nam bàn tới từ lâu nhưng tới nay vẫn chưa tìm ra được giải pháp bảo tồn hiệu quả.
Ông cho biết, bảo tồn không đơn giản chỉ là đóng khung, cất giữ, vấn đề phức tạp hơn nhiều là làm sao có thể chuyển hóa được di sản cầu Long Biên để phát huy được giá trị của di sản là rất khó.
"Bảo tồn và phát triển cần hài hòa với nhau, không thể vì nhu cầu phát triển cái mới mà chúng ta sẵn sàng phá bỏ di tích”, KTS Đào Ngọc Nghiêm thẳng thắn.
Ông cũng cho rằng mọi phương án bảo tồn và phát triển cầu Long Biên phải cùng lúc trả lời 3 câu hỏi: Có cần bảo tồn không; Bảo tồn để làm gì; Và bảo tồn như thế nào thì công tác bảo tồn mới đem lại hiệu quả.