Rộng cửa cho vay tiêu dùng để chặn tín dụng đen?

TNNĐ- Mặc dù đánh giá lãi suất cho vay tiêu dùng ở mức 40 - 49%/năm là khá cao, nhưng các chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, cần thiết có sự tham gia của các công ty tài chính (CTTC) để cạnh tranh về lãi suất, đem lại dịch vụ tốt hơn cho khách hàng và hơn hết là ngăn chặn được tình trạng tín dụng “đen” đang là “ung nhọt” của xã hội hiện nay.

 

Rộng cửa cho vay tiêu dùng để chặn tín dụng đen? - Ảnh 1

Bà Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. HCM cho biết, trong số các khách hàng tìm đến Hội, không ít người dân đã bị mất trắng tay, do trong lúc bí bách, họ đã tìm đến tín dụng đen thay vì đến những tổ chức hợp pháp, uy tín để vay. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến tín dụng đen có “đất sống” suốt thời gian qua, mặc dù hoạt động này là phi pháp.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, mặc dù các ngân hàng thương mại vẫn có chi nhánh xuống tận các xã, ngoài ra còn có các quỹ, hiệp hội của phụ nữ, thanh niên, ngân hàng cho người nghèo…, nhưng hụi, tín dụng “đen” vẫn len lỏi ở tất cả đường ngõ và phát triển tốt do một bộ phận không nhỏ người dân có nhu cầu vốn mà không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Vì thế, theo TS. Nghĩa, rất cần có sự tham gia của các CTTC và đẩy mạnh hoạt động tín dụng tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân. Từ đó, có thể hạn chế được tín dụng “đen” vốn được xem là “ung nhọt” của xã hội từ trước đến nay.

Việc khống chế lãi suất cho vay của các công ty tài chính có thể khiến ngành tín dụng tiêu dùng không còn “đất sống”. Tuy nhiên việc “thả lỏng” các công ty tài chính cũng có thể mang đến những hệ lụy không nhỏ.


Mặc dù vậy, mức lãi suất áp dụng 40 - 49%/năm của các CTTC được cho là quá cao so với mặt bằng lãi suất các ngân hàng đang cho vay. Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng, không nên so sánh giữa lãi suất cho vay tiêu dùng của ngân hàng thấp hơn CTTC, bởi sản phẩm hai đơn vị cung cấp không giống nhau. Khi rủi ro cao hơn, tất yếu lãi suất sẽ cao hơn. Ngược lại, nếu CTTC quá chặt chẽ về thủ tục vay sẽ là cơ hội cho tín dụng đen phát triển, mà hệ lụy là tình trạng nhiều người dân mắc bẫy.

Phó giám đốc NHNN TP. HCM ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, sự hiện diện của các CTTC sẽ giúp thị trường tài chính tại Việt Nam phát triển tích cực và lành mạnh hơn. Vai trò của các CTTC là cần thiết và buộc phải có, nhằm giúp các đối tượng khách hàng không được ngân hàng phục vụ tiếp cận các dịch vụ tài chính được pháp luật bảo vệ, cũng như giúp giảm vấn nạn cho vay nặng lãi hay tín dụng “đen” đã tồn tại nhiều năm qua. So sánh về vấn đề lãi suất, theo ông Minh, nếu so sánh với mức lãi suất các CTTC tại các nước khác trên thế giới áp dụng, mức lãi suất của các CTTC tại Việt Nam là tương tự hoặc thấp hơn. Còn nếu xét đúng theo nhu cầu vay, mức lãi suất tại các CTTC so với các lãi suất phi ngân hàng khác là không cao.

Liên quan đến việc khiếu kiện giữa khách hàng và CTTC diễn ra khá nhiều thời gian qua, ông Minh cho rằng, vấn đề này không phải là mới, mà trước đây, người vay không có chỗ để kiện những người cho vay tín dụng đen. Trường hợp nếu có khởi kiện, những người cho vay tín dụng đen không bị quy vào hành vi cho vay trái phép mà là kinh doanh trái phép. Thế nên không có chế tài đối với hình thức cho vay này. Nay khi CTTC phát triển và chịu sự kiểm soát của NHNN, việc kiện tụng, tranh chấp bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.

Bàn về các trường hợp người đi vay bị các CTTC lừa gạt mà báo chí phản ánh thời gian gần đây, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. HCM, ông Bùi Quang Nghiêm cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng các vụ kiện vay tín chấp giữa người vay và các CTTC tại tòa án ở TP. HCM rất thấp, tỷ lệ kiện tụng của các doanh nghiệp vay thế chấp nhiều hơn. Đặc biệt, khi tranh chấp xảy ra, phần thua phần nhiều thuộc về khách hàng do thiếu kiến thức, hoặc không đọc kỹ hợp đồng cũng như không cân nhắc được nguồn trả nợ trước khi vay, chứ không phải CTTC lừa đảo.

Rộng cửa cho vay tiêu dùng để chặn tín dụng đen? - Ảnh 2

“Đọc và hiểu hợp đồng là một trong những điều quan trọng nhất với khách hàng khi vay. Đồng thời hiểu rõ về quyền và trách nhiệm của mình, tính toán và dự trù cẩn thận khả năng thanh toán hàng tháng sẽ giúp người đi vay tận dụng tốt nhất các lợi ích từ vay tiêu dùng tín chấp cũng như tránh được các hiểu lầm không đáng có, nhất là rủi ro không trả được nợ”, ông Nghiêm khuyến nghị.

Việc khống chế lãi suất cho vay của các công ty tài chính có thể khiến ngành tín dụng tiêu dùng không còn “đất sống”. Tuy nhiên việc “thả lỏng” các CTTC cũng có thể mang đến những hệ lụy không nhỏ. Cũng không nhiều người đi vay lại phản đối các hợp đồng quá dài, theo mẫu in sẵn!

Thùy Vinh (Theo tinnhanhchungkhoan.vn)