Room cạn, lãi suất tăng cao: Doanh nghiệp càng khó vay vốn ngân hàng

Mặt bằng lãi suất đang ngày càng tăng lên trong khi tốc độ huy động vốn tăng trưởng chậm lại. Nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn khi ngân hàng đã cạn room lại trong tình trạng căng thanh khoản.

Chấp nhận lãi suất cao nhưng doanh nghiệp không dễ vay vốn.
Chấp nhận lãi suất cao nhưng doanh nghiệp không dễ vay vốn.

Tăng lãi suất nhưng tiền gửi vào chậm

Cuộc đua lãi suất huy động tiếp tục nóng khi các ngân hàng liên tục cập nhật biểu lãi suất tiết kiệm mới. Một số ngân hàng đã chấp nhận chi trả mức lãi suất tới 8-10%/năm để huy động tiền gửi từ nhóm khách hàng dân cư. Thậm chí, thị trường đã xuất hiện mức lãi suất tiết kiệm 11%/năm.

Bên cạnh việc tăng lãi suất, các nhà băng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư.

Theo Công ty Chứng khoán SSI Research, hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã về lại vùng trước Covid-19, thậm chí còn cao hơn, với mức tăng trung bình 3-4%/năm so với cuối năm 2021.

Trong khi lãi suất huy động ngày càng đi lên thì tốc độ tăng trưởng tiền gửi chậm lại kể từ đầu quý III.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã sụt giảm tới hơn 171 nghìn tỷ đồng, còn tiền gửi của dân cư có tăng trưởng nhưng không nhiều (tăng hơn 17 nghìn tỷ đồng). Tổng tiền gửi tại hệ thống trong 2 tháng đã giảm gần 154 nghìn tỷ đồng.

Tiền gửi dân cư tăng trưởng dương trong 8 tháng liên tiếp. Tính riêng trong tháng 8, người dân đã gửi thêm 7.955 tỷ đồng vào tổ chức tín dụng, đưa số dư của nhóm này lên hơn 5,63 triệu tỷ đồng, gần bằng tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp (hơn 5,67 triệu tỷ đồng).

Trong khi đó, vào tháng 8, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm tới hơn 87.783 tỷ đồng. Trong tháng 7, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cũng giảm 83.524 tỷ đồng so với tháng 6.

Việc tiền gửi người dân tăng chậm trong khi tiền gửi doanh nghiệp sụt giảm mạnh 2 tháng liên tiếp đã kéo nguồn vốn huy động chung của toàn hệ thống chỉ tăng 3,37% trong 8 tháng đầu năm, dẫn đến chênh lệch lớn với tăng trưởng tín dụng. Tính đến hết tháng 8, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng là hơn 11,3 triệu tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2020-2021, tiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnh. Tháng 11/2021, tiền gửi của doanh nghiệp lần đầu tiên vượt tiền gửi dân cư. Nhưng từ đầu năm 2022, nhóm khách hàng dân cư lại là động lực tăng trưởng chính cho huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 29/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà lưu ý vấn đề mặt bằng vốn năm nay khác mọi năm khi tốc độ huy động vốn tăng trưởng chậm, chỉ bằng 1/3 so với tăng trưởng của tín dụng. Việc này đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng, gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng vì có huy động được tiền mới có tiền cho nền kinh tế vay.

Ngân hàng căng tiền, DN khó vay vốn

Mặt bằng lãi suất tăng lên trong khi tốc độ huy động vốn tăng trưởng chậm dẫn đến nhiều ý kiến quan ngại về khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang rất "khát vốn". Để tiếp cận vốn vay của ngân hàng, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện: không có nợ xấu và phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm...Room cạn, lãi suất tăng cao: Doanh nghiệp càng khó vay vốn ngân hàng - Ảnh 1

Trong khi đó, sau hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp đang trong quá trình hồi phục kinh tế nên không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hoặc chưa có lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp đang cạn kiệt tích lũy, phải đối mặt với áp lực trả các khoản nợ cũ.

Một trong những vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là tài sản thế chấp. Nhưng nhiều doanh nghiệp không có tài sản có thể thế chấp hoặc tài sản thế chấp đã được sử dụng cho các khoản vay trước nên không đảm bảo điều kiện vay.

Đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành tại Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp thuộc ngành này khó tiếp cận vốn tín dụng vì thường không có tài sản thế chấp trong khi vay tín chấp cũng không dễ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, điểm yếu lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa không phải là thiếu tài sản đảm bảo mà là yếu trong quản trị dòng tiền. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự chuyên nghiệp về sổ sách kế toán khi hệ thống kế toán, tài chính chưa được cập nhật thường xuyên; hệ thống báo cáo tài chính chưa đầy đủ thông tin, hoặc thông tin chưa chính xác, gây khó khăn cho phía ngân hàng khi thực hiện thẩm định thông tin khách hàng. Để tiếp cận vốn, các doanh nghiệp cần có sổ sách tài chính, kế toán rõ ràng, minh bạch.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ Hà Nội cũng cho biết, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh đã tăng lên 12%/năm, tăng thêm 3 - 4% so với hồi quý 2. Lãi suất cao nhưng việc vay vốn không dễ dàng vì các ngân hàng hiện phải chọn lựa và xét duyệt khách hàng rất thận trọng vì đã cạn room trong khi thanh khoản không dồi dào. Vào mùa sản xuất cuối năm, DN đang cần vốn nhưng với tình trạng lãi suất cao và vốn khó vay thì DN sẽ khó khăn hơn

Càng gần cuối năm, doanh nghiệp phải chạy nước rút với kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã đề ra nên rất cần dòng tiền để quay vòng. Song việc tiếp cận vốn đang là khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay.

Nghịch lý là trong khi nhiều doanh nghiệp “đói vốn”, khó tiếp cận vốn vay nhưng gói hỗ trợ 2% lãi suất các khoản vay do Ngân hàng Nhà nước triển khai thông qua ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình mới thực hiện được 13,5 tỷ đồng. So với quy mô gói hỗ trợ này khoảng 40.000 tỷ đồng thì tỉ lệ hỗ trợ chỉ đạt khoảng 0,03%.

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp cuối năm “khát vốn”, trong khi lãi suất cho vay ở các ngân hàng đang rục rịch tăng thì gói hỗ trợ lãi suất này lại càng có ý nghĩa.

Tuy nhiên, tốc độ giải ngân gói hỗ trợ này đang rất chậm. Có doanh nghiệp còn quay lưng với gói vay này do khó tiếp cận.

Minh Dũng

Theo VietnamFinance