Rớt gối cao su metro số 1: Không chỉ thu hồi tiền

Không chỉ thu hồi tiền, đòi bồi thường mà còn phải xem xét, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan

Sau 3 lần phát hiện 6 gối cao su rớt, trượt gối đệm tại gói thầu đoạn trên cao và depot tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư dự án) quyết định thu hồi toàn bộ số tiền đã thanh toán cho nhà thầu liên danh SCC (Sumitomo -Cienco 6) đối với hạng mục gối cao su và lao lắp dầm.

Rớt gối cao su metro số 1: Không chỉ thu hồi tiền - Ảnh 1
Metro số 1 nhiều lần phát hiện sự cố liên quan tới gối cao su. Ảnh: VnE

Nhận định về quyết định trên, LS Trương Xuân Tám cho rằng có hai vấn đề phải phân định rất rõ ràng.

Thứ nhất, mọi vấn đề sự cố phát sinh muốn xử lý trách nhiệm, xử phạt tài chính phải căn cứ theo hợp đồng. MAUR không phải là cơ quan quản lý cấp trên, cũng không phải là cơ quan quản lý hành chính của các nhà thầu, vì thế, không phải thích là thu hồi, không thích thì thôi. Đã là hợp đồng kinh tế, khi giải quyết mọi sự cố phải dựa theo các điều khoản ký kết giữa hai bên.

Tuy nhiên, MAUR có quyền đưa ra yêu cầu xử lý nếu là đại diện đứng ra ký kết hợp đồng và nhận thấy trong quá trình thi công dự án đơn vị thực hiện không bảo đảm được chất lượng, tiến độ cho công trình theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký kết.

Trong trường hợp này, vị LS cho rằng có thể đòi lại được tiền từ nhà thầu thi công nếu không bằng hình thức thỏa thuận thì có thể thông qua cơ quan tài phán, xử lý tranh chấp dựa theo pháp luật. 

Không những thế, ông Tám còn cho rằng, MAUR cũng có thể buộc đơn vị thi công phải bồi thường thiệt hại cho dự án vì làm chậm tiến độ, gây thiệt hại rất lớn. MAUR cũng có thể đòi bồi thường khoản tiền lãi trên tổng tiền đã thanh toán cho hãng mục gối cao su nếu đơn vị thi công đã sử dụng số tiền này khi chưa được phép sử dụng.

Thứ hai, trong hàng loạt sự cố xảy ra tại dự án có thể nhận thấy lỗ hổng rất lớn trong khâu giám sát, nghiệm thu, cần phải xử lý thật nghiêm. 

Cụ thể, từ giải thích của phía MAUR khi cho rằng, quyết định thu hồi là do trong quá trình giải quyết sự cố MAUR nhận thấy hạng mục gối cầu vẫn còn một số tiêu chuẩn chưa được phê duyệt. Thế nhưng, liên danh SCC vẫn triển khai thi công và được Tư vấn chung NJPT (đại diện chủ đầu tư) nghiệm thu, xác nhận thanh toán.

Việc này khiến MAUR cho rằng nhà thầu chưa hoàn thành công tác thi công gối cầu, cũng như chưa thực hiện đủ cơ sở pháp lý để đề nghị nghiệm thu, thanh toán.

Mặt khác, nhà thầu SCC chưa hoàn thành thi công gối cao su cũng có nghĩa nhà thầu chưa hoàn thành công tác lao lắp dầm.

"Với một dự án lớn như vậy tại sao lại để xảy ra hiện tượng "lỡ" thanh toán để sau đó đòi thu hồi? Rõ ràng, trong báo cáo của MAUR đã cho thấy có lỗ hổng trong quá trình thực hiện thanh toán. Cái sai sót đầu tiên là trong công tác giám sát, nghiệm thu, báo cáo thiếu trung thực về tiến độ, chất lượng dự án.

Như vậy, ngoài việc xem xét trách nhiệm của đơn vị thi công thì cần phải xem xét cả trách nhiệm của MAUR. MAUR là đại diện cho chủ đầu tư, là một bên tham gia ký kết hợp đồng, với sự hỗ trợ đầy đủ của các cơ quan tư vấn, giám sát, thi công, nghiệm thu... mà vẫn để xảy ra sai sót, dẫn tới những sự cố liên tiếp, không bảo đảm chất lượng, thậm chí có nguy cơ gây nguy hiểm cho người dân sau này mà vẫn chấp thuận thanh toán cho nhà thầu?.

Trong trường hợp này, không những phải xem xét trách nhiệm của MAUR trong công tác quản lý, giám sát, phê duyệt việc thanh toán mà còn phải làm rõ phần thanh toán cho nhà thầu là bao nhiêu? Nhiều hay ít? Phần công việc không bảo đảm chất lượng chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong số tiền đã thanh toán? Nếu tỉ lệ sai số cao thì không chỉ xem xét trách nhiệm xử phạt hành chính mà còn cần phải xem xét cả trách nhiệm hình sự với những cá nhân, tổ chức liên quan tới việc này", LS Trương Xuân Tám cho hay.

Vị LS nhấn mạnh, cần phải xem xét, xử lý thật nghiêm những sai sót liên quan tới dự án để tránh tạo những tiền lệ về sau. Ông Tám cho hay, sự cố may mắn được phát hiện trong quá trình kiểm tra, nếu khi dự án đưa vào khai thác, hoạt động rồi mới phát hiện ra sẽ không ai có thể lường hết được những nguy cơ, hệ lụy có thể xảy ra.

Đồng ý, mỗi dự án đều có một thời gian bảo hành nhất định và đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm với dự án trong suốt thời gian này. Tuy nhiên, ông nói rõ, vấn đề không phải là trách nhiệm bảo hành dự án mà là những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra bất cứ lúc nào với một dự án giao thông liên quan tới rất nhiều người. Vì thế, cần thiết phải làm rõ cũng như phải xử lý thật nghiêm trách nhiệm của các bên liên quan.

"Một dự án bị chậm tiến độ, đội vốn rất cao nhưng tới nay vẫn còn tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ như vậy thì thật đáng báo động.

Có lẽ, nên thực hiện việc thanh tra toàn diện, hoặc thanh tra từng phần để bảo đảm an toàn, chất lượng công trình trước khi đưa vào khai thác", vị LS đề nghị.

 

Lam Lam

Theo Đất Việt