Sacombank SBS: Lỗ lũy kế đầm đìa hàng nghìn tỷ đồng, vẫn úp mở game tăng vốn đổi chủ!
Sacombank SBS đã thông qua việc đổi tên, chuyển địa chỉ trụ sở chính thay đổi bộ nhận diện thương hiệu nhưng vẫn chưa hé lộ chủ mới.
CTCP Chứng khoán Sài Gòn Thương Tín (Sacombank SBS) đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 sau 2 lần thất bại trước đó do không đủ số cổ phần đại diện tham dự. Lần thứ 3 được tổ chức vào ngày 3/6 vừa qua, số cổ đông có mặt hợp lệ tại Đại hội đại diện cho gần 10,85 triệu cổ phần chiếm 8,56% vốn cổ phần công ty.
Với tỷ lệ cổ đông tham dự "hẻo" đến mức chưa từng có, nhiều dấu hỏi ngỏ liên quan đến Sacombank SBS đang được đặt ra khi năm nay, công ty chứng khoán này hé lộ khá nhiều thông tin cho thấy việc đổi tên, thay địa chỉ, thay đổi nhận diện thương hiệu, và thậm chí có thể sắp đổi chủ.
Trình đổi tên, đổi địa chỉ kiểu “lập lờ”
Trong tài liệu trình Đại hội cổ đông lần này (và đã được thông qua) có tờ trình về việc đổi tên, chuyển địa chỉ trụ sở chính của công ty và thay đổi nhận diện. Tuy vậy các thông tin liên quan vẫn trong tình trạng “úp mở” khi tên mới, địa chỉ mới và nhận diện thương hiệu mới đều được uỷ quyền cho Hội đồng quản trị và/hoặc Tổng giám đốc công ty quyết định.
Nghị quyết cũng thông qua việc uỷ quyền cho Hội đồng quản trị, Ban điều hành công ty quyết định thời điểm thích hợp cho công tác thay đổi tên, địa chỉ công ty…
Sacombank SBS là một trong số ít doanh nghiệp trình kế hoạch đổi tên, tái cấu trúc công ty nhưng đến cái tên mới cũng vẫn đang là "bí ẩn", liệu chủ mới của SBS là ai? Trước đó đơn vị chủ quản - cổ đông lớn - Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã bán ra lượng lớn cổ phiếu SBS. Cổ đông lớn cá nhân, bà Hà Thị Thu Hồng, cũng liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu SBS từ đầu năm 2022 và không còn là cổ đông công ty.
Liệu Sacombank SBS có đổi chủ?
Cũng tại Đại hội cổ đông lần này Sacombank SBS thông qua tờ trình về phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để tăng vốn điều lệ. Sacombank SBS dự kiến chào bán 150 triệu cổ phần cho dưới 100 nhà đầu tư, giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến huy động 1.500 tỷ đồng. Số tiền huy động được từ đợt chào bán sẽ được phân bổ sử dụng cho các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán của công ty bao gồm môi giới chứng khoán, giao dịch ký quỹ và giao dịch tự doanh chứng khoán.
Hiện Sacombank SBS có vốn điều lệ 1.266,6 tỷ đồng tương ứng 126,66 triệu cổ phiếu. Nếu phát hành thêm 150 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương ứng tỷ lệ phát hành 118,4%. Kết hợp với việc công ty đổi tên, chuyển trụ sở, thay đổi nhận diện thương hiệu, không loại trừ khả năng Chứng khoán Sacombank sắp đổi chủ. Không chỉ vậy Sacombank SBS còn dự kiến chuyển sàn giao dịch từ Upcom sang niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng từ năm 2023-2024.
Sacombank SBS mang khoản lỗ luỹ kế 1.300 tỷ đồng về với "chủ mới"?
Sacombank SBS thành lập tháng 9/2006 và hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ cuối tháng 1/2010 có địa chỉ trụ sở chính tại 278 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Võ Thị Sáu, quận 3, Tp Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay đã 16 năm công ty chưa từng chuyển trụ sở chính.
Tình hình kinh doanh của công ty cũng không khả quan. Doanh thu hoạt động năm 2021 của công ty đạt hơn 221 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với doanh thu hơn 90 tỷ đồng đạt được năm 2020 – đều là doanh thu từ môi giới chứng khoán.
Tính đến 31/12/2021 Sacombank SBS đã lỗ luỹ kế hơn 1.300 tỷ đồng. Đây chủ yếu là khoản lỗ “tích trữ" của 2 năm 2011 và 2012, trong đó năm 2011 công ty lỗ sau thuế hơn 1.650 tỷ đồng và năm 2012 lỗ gần 138 tỷ đồng. Mà nguyên nhân chính của khoản lỗ này là việc công ty vay nợ, đầu tư tài chính khiến thua lỗ quá lớn, chủ yếu do lỗ hoạt động kinh doanh chứng khoán, trả lãi trái phiếu phát hành và dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán.
Năm 2013 nhờ hoàn trả một phần trái phiếu chuyển đổi cùng tiền lãi, mà SBS có lợi nhuận khác lớn giúp công ty báo lãi sau thuế cả năm đạt 442 tỷ đồng. Những năm sau đó dù không lỗ lớn, nhưng số lãi ghi nhận hàng năm của Sacombank SBS cũng không lớn.
Sacombank SBS tăng vốn, bổ sung nghành nghề kinh doanh
Số lỗ luỹ kế đến 31/12/2021 hơn 1.300 tỷ đồng – cao hơn cả vốn điều lệ. Trong khi đó từ 2011 đến nay Sacombank SBS chưa thực hiện tăng vốn.
Với việc tăng vốn “khủng” lần này, Sacombank SBS đang hướng tới điều kiện để thực hiện nghiệp vụ khác. Tờ trình Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 cũng xác nhận công ty muốn đăng ký bổ sung nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán; nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phát sinh và các nghiệp vụ khác.
Tuy vậy với sự cạnh tranh thị phần của các công ty chứng khoán lớn, các nhà đầu tư lại đang “tò mò” xem chủ mới của SBS sau tái cơ cấu lần này là ai?