Samsung 'đắp chiếu' nhà máy 25 tỷ USD vì thiếu khách hàng
Gần 92% nhà máy chip trị giá 25 tỷ USD của Samsung tại Texas đã được xây dựng, nhưng tập đoàn công nghệ Hàn Quốc buộc phải hoãn việc lắp đặt thiết bị vì chưa tìm được khách hàng đầu ra.
Gần xong nhà máy nhưng chưa thể vận hành vì “vắng khách”
Theo báo cáo từ Nikkei Asia, nhà máy sản xuất chip bán dẫn tiên tiến của Samsung Electronics tại thành phố Taylor, bang Texas (Mỹ) đang bị đình trệ trong giai đoạn gần hoàn tất. Công trình đã đạt 91,8% tiến độ xây dựng tính đến tháng 3/2025, nhưng hiện việc lắp đặt thiết bị sản xuất đang bị tạm dừng vì công ty chưa có khách hàng đủ lớn để đảm bảo tính kinh tế vận hành.

Ban đầu, nhà máy này dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2024. Tuy nhiên, theo tài liệu Samsung nộp lên cơ quan tài chính Hàn Quốc hồi tháng 5, mốc thời gian đã bị dời đến cuối tháng 10/2025. Và mới đây, phía Samsung xác nhận với Nikkei rằng nhà máy sẽ chính thức đi vào vận hành không sớm hơn năm 2026.
Nguồn tin nội bộ cho biết: “Samsung hiện không thể làm gì thêm, ngay cả khi muốn đưa thiết bị vào nhà máy. Họ đang chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn từ thị trường, đặc biệt là khách hàng lớn tại Mỹ”.
Một số chuyên gia chuỗi cung ứng chip cho biết công nghệ xử lý ban đầu mà Samsung định triển khai tại đây – dòng chip 4nm – đã trở nên lạc hậu so với nhu cầu thị trường. Samsung hiện phải cân nhắc chuyển sang công nghệ 2nm tiên tiến hơn để theo kịp các đối thủ và giữ chân các khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực AI và điện toán hiệu năng cao.
Khó khăn kép, thách thức của ngành chip toàn cầu
Việc trì hoãn không chỉ khiến Samsung tụt hậu trong kế hoạch đầu tư tại Mỹ mà còn cho thấy những thách thức hiện hữu trong nỗ lực toàn cầu hóa ngành công nghiệp bán dẫn. Dù từng tuyên bố sẽ đầu tư hơn 37 tỷ USD vào Texas trong nhiều giai đoạn và nhận gói hỗ trợ 4,7 tỷ USD từ chính quyền Mỹ thông qua Đạo luật CHIPS, Samsung hiện vẫn chưa thể tạo được bước đột phá thực chất tại thị trường này.

Hiện tại, Samsung chỉ chiếm khoảng 7,7% thị phần toàn cầu trong mảng sản xuất chip theo hợp đồng – quá nhỏ so với “gã khổng lồ” Đài Loan TSMC, chiếm tới 67,6%, theo dữ liệu từ Trendforce. Trong khi đó, TSMC đã bắt đầu sản xuất hàng loạt tại nhà máy ở Arizona và thu hút các khách hàng lớn như Nvidia, AMD, Amazon và Google. Họ thậm chí còn công bố gói đầu tư 100 tỷ USD để mở rộng sản xuất chip cao cấp tại Mỹ.
Không chỉ riêng Samsung, việc mở rộng sản xuất chip ra ngoài lãnh thổ châu Á đang đối mặt hàng loạt rào cản như chi phí xây dựng cao, thiếu lao động lành nghề, sự khác biệt pháp lý, và đặc biệt là sự bất ổn của thị trường chip toàn cầu. Dù nhu cầu với chip AI tăng mạnh, phân khúc chip điện thoại, máy tính, xe hơi và điện tử tiêu dùng vẫn chưa hồi phục.
Chuyên gia Joanne Chiao của Trendforce nhận định, Samsung Foundry vẫn đang gặp vấn đề về yield – tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn – khiến hiệu suất sản xuất thấp hơn mức trung bình ngành. Ngoài ra, các hạn chế xuất khẩu chip cao cấp của Mỹ đối với Trung Quốc cũng tác động tiêu cực đến khả năng vận hành đầy đủ nhà máy của Samsung tại Texas.
Tuy nhiên, tập đoàn Hàn Quốc cho biết đang nỗ lực cải thiện yield cho quy trình 2nm và đã nhận thêm đơn hàng cho công nghệ dưới 5nm, hướng tới phục vụ lĩnh vực AI và HPC (điện toán hiệu năng cao). Nếu các điều kiện thị trường được cải thiện và có đủ hỗ trợ từ chính phủ Mỹ, Samsung có thể vận hành nhà máy ở quy mô nhỏ trong giai đoạn đầu.