Sân bay tư nhân nghìn tỷ đầu tiên của Việt Nam có đường băng dài 3,6km, đủ điều kiện cất, hạ cánh các máy bay tiên tiến nhất thế giới
Với vị trí chiến lược, sân bay này đóng vai trò quan trọng là điểm nối giao thương, kinh tế và du lịch.
Sân bay quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, tọa lạc tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Với vị trí địa lý chiến lược, sân bay đóng vai trò quan trọng là điểm nối giao thương, kinh tế, và du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh với các vùng lân cận cũng như các điểm đến quốc tế.
Sân bay Vân Đồn được khởi công xây dựng vào năm 2016 tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, trên tổng diện tích 325ha với tổng số vốn đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng. Đến ngày 30/12/2018 chính thức được đưa vào khai thác. Cảng hàng không Vân Đồn cũng đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt là Cảng hàng không đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế – ICAO) và sân bay quân sự cấp II.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có vị trí chiến lược tại khu vực phía bắc. Vân Đồn được thiết kế để hoạt động như một sân bay dự bị cho sân bay Nội Bài. Khi đi vào hoạt động, sân bay quốc tế Vân Đồn cùng với Cát Bi và Nội Bài trở thành những cột mốc quan trọng nhất trong hệ thống sân bay miền Bắc.
Sân bay này trang bị cơ sở hạ tầng hiện đại với đường băng dài 3,6km và rộng 45m, đủ để phục vụ cất, hạ cánh cho các máy bay tiên tiến nhất thế giới như Boeing 787. Khu vực sân đỗ có 7 vị trí, trong đó có 3 vị trí bãi đỗ xa và 4 vị trí bãi đỗ gần. Nhà ga có công suất phục vụ 2,5 triệu hành khách mỗi năm, cùng khu vực xử lý hàng hóa với công suất 10.000 tấn mỗi năm.
Nhà ga hành khách của sân bay quốc tế Vân Đồn được xây dựng với một thiết kế không gian tối ưu, kết hợp phong cách sang trọng và hiện đại, bao gồm hai quy trình đến và đi riêng biệt, có một cầu hành khách cho máy bay code E, ba cầu hành khách cho máy bay code C (giai đoạn 1), tất cả được nhập từ Tây Ban Nha.
Tầng 1 dành cho hành khách của các chuyến bay đến sân bay Vân Đồn. Tại tầng này, được trang bị hệ thống 4 băng chuyền hành lý, giúp du khách tiết kiệm thời gian khi chờ đợi lấy hành lý ký gửi của mình. Tầng 2 bao gồm khu vực kiểm tra an ninh, phòng chờ cho hành khách chuẩn bị lên máy bay, bên cạnh đó còn có 31 quầy check-in và nhiều tiện ích khác như các nhà hàng, quầy đồ lưu niệm,...
Ở khu vực tiếp đón hành khách, có 31 quầy check-in, đảm bảo quá trình thực hiện các thủ tục đi và đến linh hoạt, nhanh chóng và hiệu quả. Hệ thống quản lý hoạt động của nhà ga được cung cấp bởi một nhà cung cấp phần mềm đến từ Pháp. Đồng thời, hệ thống âm thanh sử dụng các thiết bị đặc chủng của thương hiệu Harman. Thiết kế nội, ngoại thất hiện đại tuân thủ các tiêu chuẩn xanh và thân thiện với môi trường, tạo cho hành khách cảm giác như đang trải qua một trải nghiệm "nghỉ dưỡng" khi đến sân bay.
Lối vào của nhà ga được bài trí như một khuôn viên công viên nhỏ với các cây cối xanh mát. Sảnh chính của sân bay tạo ấn tượng đặc biệt với hành khách nhờ vào không gian mở, với sự hiện diện của các cây xanh dịu mát, tạo ra không gian trong lành cho hành khách dừng chân và thư giãn. Bên cạnh đó, sân bay cũng có một khu vực ngoài trời riêng biệt dành cho những hành khách hút thuốc.
Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways là ba hãng hàng hiện đang cung cấp các chuyến bay đến sân bay Vân Đồn, với hai tuyến bay nội địa là TP. Hồ Chí Minh - Vân Đồn và Đà Nẵng - Vân Đồn. Sân bay Vân Đồn cũng chưa chính thức phục vụ các chuyến bay thương mại thông thường, mà chỉ nhận các chuyến bay thuê (charter) từ Thâm Quyến (Trung Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Busan (Hàn Quốc), Osaka (Nhật Bản),... do các hãng hàng không như Vietjet Air, Donghai Airlines, Air Busan, Japan Airlines,... khai thác.