Siết chặt mua bán trái phiếu, ngân hàng có 'cửa khác' nhờ công ty chứng khoán?
Vấn đề ngân hàng mua lại công ty chứng khoán là câu chuyện nổi bật trên thị trường những năm qua, nó như một mảnh ghép hoàn thiện hệ sinh thái cho ngân hàng. Vậy mục đích chính ngân hàng mua lại công ty chứng khoán là gì?
Trước đến nay, việc ngân hàng sở hữu công ty chứng khoán không phải là hiếm. Nhiều cái tên gắn liền với thương hiệu ngân hàng như Chứng khoán VietinBank (CTS), Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Chứng khoán MB (MBS), Chứng khoán ACB (ACBS), Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS),...
Thời gian gần đây, ngân hàng mua lại công ty chứng khoán lại tiếp tục diễn ra. Đầu tiên là thương vụ ngân hàng VPBank mua lại Chứng khoán ACSC và đổi tên thành Chứng khoán VPBank. Sau đó là thương vụ Chứng khoán Globalmind Capital được mua lại với những dấu hiệu cho thấy Ngân hàng VIB sẽ tiếp quản.
Xa hơn nữa, vào năm 2019 là thương vụ TPBank trở thành cổ đông lớn nắm giữ 9,09% vốn điều lệ của Chứng khoán Tiên Phong (TPS - mã ORS). Trước đó, dù chưa sở hữu cổ phần, hai nhân sự từ TPBank gồm Phó Chủ tịch HĐQT Đỗ Anh Tú và Phó Tổng giám đốc Trương Thị Hoàng Lan đã tham gia vào HĐQT công ty này. Đến hiện tại, Chứng khoán Tiên Phong vẫn gắn với TPBank ít nhất trong mối quan hệ sở hữu vốn.
Ông Đỗ Anh Tú hiện giữ chức Chủ tịch HĐQT Chứng khoán TPS. Ông Tú hiện đang nắm giữ 3,7 triệu cổ phiếu TPS, tương đương tỷ lệ sở hữu là 3,75%.
Siết chặt trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng tìm "cửa khác"?
Ở một diễn biến khác, vừa qua, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) (chính thức có hiệu lực từ ngày 15/01).
Theo đó, tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong 3 trường hợp.
Thứ nhất, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.
Thứ hai, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.
Thứ ba, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Cũng theo Thông tư 16, TCTD không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp TCTD là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
Đây được xem là hành động “khóa van” dòng vốn từ ngân hàng vào kênh trái phiếu doanh nghiệp. Hoạt động mua, bán TPDN của các ngân hàng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ. Đáng chú ý, tổ chức tín dụng không được mua TPDN phát hành nhằm mục đích đảo nợ, góp vốn mua cổ phần tại doanh nghiệp khác hoặc để tăng vốn.
Do đó, khả năng lớn các ngân hàng đang muốn thông qua các công ty chứng khoán của mình để tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà cụ thể là nhằm tiếp cận kênh tín dụng bất động sản. Công ty chứng khoán được rót vốn mạnh rồi mua trái phiếu doanh nghiệp, sau đó bán lại trái phiếu trên thị trường thì xem như ngân hàng cũng đã gián tiếp cấp tín dụng.
Thực tế đã chứng minh, nhiều công ty chứng khoán "bội thu" từ kinh doanh trái phiếu.
Chẳng hạn năm 2021, TCBS xếp thứ sáu về thị phần môi giới cổ phiếu, thứ tư về doanh thu nhưng lại dẫn đầu ngành về lợi nhuận trước thuế với hơn 3.800 tỷ đồng nhờ thắng lớn của hoạt động tự doanh và cho vay ký quỹ. Do mức nền cao của năm trước nên TCBS lại là công ty có mức tăng trưởng danh thu và lợi nhuận thấp nhất trong top 10, lần lượt đạt 59% và 42%.
Những năm trước, TCBS gần như chiếm lĩnh mảng môi giới trái phiếu. Chính nguồn thu từ trái phiếu đã giúp TCBS dẫn đầu về lợi nhuận toàn khối ở thời điểm hiện tại.
Tương tự tại TPS được hậu thuẫn của TPBank, năm 2021 lãi sau thuế đạt hơn 214 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ. Đáng chú ý, danh mục trái phiếu tại TPS có giá trị 1.100 tỷ đồng, chiếm hơn nửa danh mục tài sản tài chính.
Chung quy, ngân hàng nhất thiết phải "sắm" cho mình một công ty chứng khoán mới có thể hoàn thiện hệ sinh thái. Bởi ngân hàng không có nghiệp vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu nên phải thông qua công ty chứng khoán. Có mảng ghép này trong hệ sinh thái, ngân hàng sẽ giảm được chi phí phải chi cho nghiệp vụ bảo lãnh.