Trong một ngày, ngân hàng VIB huy động thành công 2.948 tỷ đồng trái phiếu

Chỉ trong một ngày, Ngân hàng VIB đã chào bán thành công 2.948 tỷ đồng trái phiếu. Tuy nhiên, các lô trái phiếu của VIB lại không nêu rõ lãi suất, mục đích sử dụng vốn, nhà đầu tư mua trái phiếu và đơn vị đứng ra thu xếp.

Chỉ trong một ngày, Ngân hàng VIB đã chào bán thành công 2.948 tỷ đồng trái phiếu. Tuy nhiên, các lô trái phiếu của VIB lại không nêu rõ lãi suất, mục đích sử dụng vốn, nhà đầu tư mua trái phiếu và đơn vị đứng ra thu xếp.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB - Mã: VIB) vừa công bố kết quả phát hành trái phiếu đợt 1 và 2 năm 2022

Cụ thể, ngày 28/2/2022 ngân hàng hoàn tất phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 3 năm với mệnh giá 1 tỷ đồng, khối lượng trái phiếu là 2.000. Cùng ngày, VIB tiếp tục phát hành thành công 948 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm.

Như vậy, chỉ trong 1 ngày, VIB đã huy động thành công 2.948 tỷ đồng qua kênh trái phiếu nhưng lại không có bất cứ thông tin gì về lãi suất, mục đích sử dụng vốn, nhà đầu tư mua trái phiếu, tài sản đảm bảo và đơn vị đứng ra thu xếp các đợt phát hành trái phiếu

Trong một ngày, ngân hàng VIB huy động thành công 2.948 tỷ đồng trái phiếu - Ảnh 1
Trong một ngày, ngân hàng VIB huy động thành công 2.948 tỷ đồng trái phiếu - Ảnh 2
 VIB công bố thông tin kết quả phát hành trái phiếu (Nguồn: HNX).

Trong năm 2021, VIB cũng đã 14 lần phát hành trái phiếu riêng lẻ, tổng số tiền huy động được qua kênh trái phiếu khoảng hơn 17.000 tỷ đồng.

Đây đều là loại trái phiếu không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền. Các lô trái phiếu này cũng được mua bởi một công ty chứng khoán trong nước hay các tổ chức khác. Tuy nhiên VIB không nêu cụ thể nên không rõ nhà đầu tư chỉ là một hay nhiều công ty chứng khoán khác nhau.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021, lượng phát hành giấy tờ có giá tại VIB tính đến 31/12/2021 tăng 48%, từ 28.558 tỷ đồng lên 42.298 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là trái phiếu kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 5 năm ghi nhận 29.800 tỷ đồng; từ 5 năm trở lên ở mức 4.570 tỷ đồng. Ngoài ra, lượng chứng chỉ tiền gửi cũng ghi nhận 4.911 tỷ đồng.

Trong một ngày, ngân hàng VIB huy động thành công 2.948 tỷ đồng trái phiếu - Ảnh 3
Nguồn: Báo cáo tài chính Hợp nhất Kiểm toán năm 2021.

Năm 2022, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. 

Đồng thời, VIB đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tăng 35,7%. Trong đó, Ngân hàng dự kiến chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Thông tư 16/2021/TT-NHNN (Thông tư 16) đã được ban hành có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2022. Theo đó, tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong 3 trường hợp.

Thứ nhất, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.

Thứ hai, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.

Thứ ba, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.

Cũng theo Thông tư 16, TCTD không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp TCTD là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

Thêm quy định nữa, đó là trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà TCTD đã bán và hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà TCTD đã mua.

Đây được xem là chốt chặn “khóa van” dòng vốn từ ngân hàng vào kênh TPDN. Hoạt động mua, bán TPDN của các ngân hàng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ.

Thực tế, Ngân hàng nhà nước đã có nhiều văn bản cảnh báo các ngân hàng thương mại rà soát, tăng cường kiểm tra đối với hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Trong quá trình thực hiện, các ngân hàng thương mại phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ