Siêu cầu 1.900 tỷ mang tên một bậc đế vương, huy động cần cẩu siêu trọng 800 tấn đường thủy để lắp đặt những nhịp vòm cao nhất Việt Nam
Cầu Kinh Dương Vương không chỉ ấn tượng về mặt thiết kế vòm cao nhất Việt Nam mà còn ở đoạn đường dẫn vào cầu đi qua cánh đồng xanh ngát thơ mộng.
Dự án xây dựng cầu vượt sông Đuống nối huyện Tiên Du với thị xã Thuận Thành là dự án trọng điểm của tỉnh Bắc Ninh. Được khởi công từ năm 2018 và cơ bản được hoàn thành ngày 2/9/2023, chính thức sử dụng vào 1/10/2023.
Cầu Kinh Dương Vương có tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng do Ban Quản lý xây dựng giao thông tỉnh Bắc Ninh làm chủ đầu tư và thực hiện quản lý khai thác vận hành. Cầu có chiều dài hơn 1,5km, mặt cắt ngang cầu rộng 22,5m, thiết kế 4 làn ôtô, lề bộ hành mỗi bên 2m, có 25 nhịp, thiết kế bê-tông cốt thép, kết hợp vòm thép và hệ dây cáp treo vào mặt cầu. Điểm đầu của cầu thuộc địa phận xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, điểm cuối thuộc địa phận xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành.
Cầu Kinh Dương Vương được công nhận là cầu vòm thép cao nhất Việt Nam, do vậy dù không nằm ở địa điểm đông đúc nhưng với kiểu thiết kế mềm mại và lạ mắt luôn khiến ai qua đây cũng muốn đứng lại "check-in".
Để thi công hạng mục nhịp vòm thép, nhà thầu phải huy động cần cẩu nặng 800 tấn từ miền Nam di chuyển khoảng một tháng bằng đường thủy.
Cầu Kinh Dương Vương còn được người dân gọi với cái tên ban đầu là Phật Tích - Đại Đồng Thành. Cầu được thiết kế 5 vòm chịu lực mang hình tượng rồng thời Lý, thân rồng cuộn hình chữ S. Từ cây cầu này, người dân có thể tham quan nhiều danh lam thắng cảnh của Bắc Ninh như lăng Kinh Dương Vương, chùa Phật Tích.
Cầu Kinh Dương Vương là cầu thứ 6 bắc qua sông Đuống bên cạnh những cây cầu Đông Trù, Phù Đổng, Đuống, Hồ và Bình Than. Cầu không chỉ ấn tượng về mặt thiết kế mà còn ở đoạn đường dẫn vào cầu đi qua cánh đồng xanh ngát đẹp mê hồn.
Cây cầu được hoàn thành có ý nghĩa quan trọng, hình thành mạng giao thông khép kín giữa khu vực Bắc Đuống và Nam Đuống của tỉnh Bắc Ninh, kết nối vùng với các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Đồng thời, kết nối vùng với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và phụ cận như: TP Hà Nội, tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương qua Quốc lộ 1, Quốc lộ 38, Quốc lộ 5, Quốc lộ 17 và các tuyến Tỉnh lộ 276, Tỉnh lộ 287.
Bên cạnh đó, sẽ kết nối các khu di tích lịch sử khu vực phía nam sông Đuống như Lăng Kinh Dương Vương, chùa Dâu, chùa Bút Tháp… với các di tích phía bắc sông Đuống như chùa Phật Tích, Đền Đô…
Tương truyền, Kinh Dương Vương là Thủy tổ dân tộc Việt Nam. Từ lâu, khu di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương ở thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành được các triều đại phong kiến Việt Nam xếp vào loại miếu thờ các bậc đế vương, trải các đời đều được thờ cúng trọng sự.
Với ý nghĩa lịch sử này, ban lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã lấy tên đức Kinh Dương Vương đặt tên cho cây cầu vượt sông Đuống để muôn đời nhắc nhớ không quên tên vị Thủy tổ dân tộc; nguyện cho muôn dân và các phương tiện qua lại hanh thông, thuận tiện, an toàn; cây cầu đời đời bền vững; tỉnh Bắc Ninh giàu mạnh, văn minh...