Siêu sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ có chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày Quốc khánh 2 năm tới

Sau khi sân bay này đi vào hoạt động, có 5 tuyến du lịch cũng sẽ được phát triển để khai thác triệt để lợi thế mà công trình này mang lại.

Nhiều hạng mục vượt tiến độ

Ngày 8/8 tại Đồng Nai, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy Đồng Nai và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để kiểm tra tiến độ xây dựng sân bay Long Thành.

Tại cuộc họp, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACV, báo cáo rằng hiện nay hơn 6.000 kỹ sư, công nhân cùng hàng nghìn máy móc, phương tiện và trang thiết bị đang được huy động để đẩy nhanh tiến độ thi công tại công trường.

Chuyến bay thương mại đầu tiên dự kiến sẽ cất cánh từ sân bay Long Thành vào dịp lễ 2/9/2026. Ảnh: AVC  
Chuyến bay thương mại đầu tiên dự kiến sẽ cất cánh từ sân bay Long Thành vào dịp lễ 2/9/2026. Ảnh: AVC  

Theo ông Thanh, các hạng mục quan trọng như nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường băng, sân đỗ và hệ thống giao thông kết nối T1, T2 đều đang vượt tiến độ đề ra.Ông Lại Xuân Thanh cũng kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội về việc thi công sớm đường băng số 2 trong giai đoạn 1 để đảm bảo an toàn và dự phòng cho sân bay khi đi vào hoạt động.

Đồng thời, ACV đề xuất san nền nhà ga T3 trong giai đoạn này để tránh phát sinh bụi trong tương lai, ảnh hưởng đến quá trình vận hành sân bay khi khai thác giai đoạn 1. Ông Thanh cho biết, nếu mọi việc suôn sẻ, chuyến bay thương mại đầu tiên dự kiến sẽ cất cánh từ sân bay Long Thành vào dịp lễ 2/9/2026.

Tuy nhiên, đại diện ACV cũng chia sẻ rằng các nhà thầu hiện đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng khan hiếm vật liệu. Thời tiết khắc nghiệt với mùa khô nóng, lốc xoáy và mưa liên tục cũng gây ra những gián đoạn không nhỏ trong quá trình thi công. Để khắc phục, ACV đã yêu cầu các nhà thầu tìm kiếm thêm nguồn vật liệu thay thế kịp thời, đặt hàng và dự trữ trước vật tư xây dựng. Đồng thời, các nhà thầu được chỉ đạo tranh thủ đẩy nhanh tiến độ thi công vào những thời điểm thời tiết thuận lợi, nhằm đảm bảo hoàn thành công trình theo đúng kế hoạch.

Đến nay sau 3,5 năm thi công đã cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra, lộ diện đại công trình nhộn nhịp. Ảnh: Internet  
Đến nay sau 3,5 năm thi công đã cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra, lộ diện đại công trình nhộn nhịp. Ảnh: Internet  

Định hình kế hoạch phát triển du lịch tương xứng tiềm năng

Trước đó, tại Hội nghị phát triển du lịch tỉnh Đồng Nai diễn ra chiều 7/8, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã đưa ra nhiều chỉ đạo quan trọng, yêu cầu Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh cùng các đơn vị và địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát triển ngành du lịch, tận dụng tối đa tiềm năng và lợi thế của địa phương.Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, khi Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành hoàn thành giai đoạn 1, dự kiến sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2026. Trong giai đoạn này, Sân bay Long Thành sẽ đón khoảng 70.000 lượt khách mỗi ngày; đến giai đoạn 2, con số này sẽ tăng lên 300.000 lượt khách mỗi ngày.

“Đây là một lợi thế hiếm có mà ít địa phương nào có được. Đồng Nai cần phải chuẩn bị tốt nhất về hạ tầng, sản phẩm và các dự án du lịch để khai thác hiệu quả lượng khách quốc tế đến với địa phương sau khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động,” ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai lên kế hoạch khai thác tiềm năng du lịch từ Sân bay Long Thành. Ảnh: Internet  
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai lên kế hoạch khai thác tiềm năng du lịch từ Sân bay Long Thành. Ảnh: Internet  

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Ban Chỉ đạo du lịch tỉnh và các đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu, phát triển năm tuyến du lịch chiến lược để tận dụng lợi thế từ sân bay Long Thành. Các tuyến du lịch này bao gồm: tuyến từ Sân bay Long Thành đi thành phố Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu; tuyến từ Sân bay Long Thành đến Dầu Giây, Định Quán, Tân Phú, kết nối với Đà Lạt (Lâm Đồng); tuyến từ Sân bay Long Thành đến thành phố Long Khánh và Xuân Lộc, kết nối với Phan Thiết (Bình Thuận); tuyến từ Sân bay Long Thành đến Cẩm Mỹ, kết nối với Hồ Tràm (Bà Rịa-Vũng Tàu); và tuyến từ Sân bay Long Thành đến Nhơn Trạch và Long Thành để khai thác hệ thống rừng ngập mặn, rừng sinh thái Long Thành và các điểm du lịch trên sông.

Bên cạnh việc phát triển hạ tầng, ông Nguyễn Hồng Lĩnh còn đề nghị các đơn vị liên quan tổ chức 1-2 sự kiện tầm cỡ vùng và quốc gia hàng năm nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Trước mắt, ông đề xuất nghiên cứu tổ chức Lễ hội gốm và khinh khí cầu Đồng Nai vào dịp 30/4/2025. Việc tổ chức các lễ hội đẳng cấp này không chỉ góp phần thay đổi hình ảnh của Đồng Nai mà còn giúp quảng bá tỉnh như một điểm đến giàu đẹp, mến khách, vượt xa hình ảnh của một vùng đất công nghiệp.

Hiện nay, Đồng Nai đang triển khai một số dự án du lịch trọng điểm như Dự án thác Mai - Bàu Nước Sôi; Khu phức hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng khu núi Chứa Chan và hồ Núi Le; Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành; và Dự án du lịch rừng phòng hộ Tân Phú. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung khai thác các phân khúc thị trường khách du lịch cùng các sản phẩm mà Đồng Nai có thế mạnh như du lịch golf, du lịch sinh thái rừng, du lịch tham quan, du lịch nông thôn và du lịch ẩm thực.

Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng, được chia làm 3 giai đoạn.

Khi hoàn thành toàn bộ, Long Thành sẽ trở thành sân bay lớn nhất của Việt Nam. Sân bay có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Thùy Dung

Theo Chất lượng và Cuộc sống