Sóng F0 và một thị trường chứng khoán “cảm xúc”
Thị trường chứng khoán năm 2020 gọi tên những nhà đầu tư “F0” khi lượng đăng ký mở tài khoản tăng kỷ lục. Dòng tiền F0 không chỉ tạo động lực mà còn mang tới sắc màu cảm xúc mới cho thị trường chứng khoán.
Làn sóng F0 đổ bộ
8 tháng trước, Lan Anh, một phụ nữ bán hàng online đã quyết định rút một phần tiết kiệm, bỏ dồn vào chứng khoán. Toàn bộ lãi của những tháng bán hàng online sau đó đều được người phụ nữ này chắt chiu để mua cổ phiếu.
“Tôi chỉ mua cổ phiếu của doanh nghiệp lớn như Vinamilk hoặc công ty bất động sản của Vingroup”, Lan Anh nói. “Bạn bè tôi bảo cứ bỏ vào công ty lớn thì chắc chắn sau này có lãi. Không mua bây giờ sẽ mất đi cơ hội kiếm tiền. Nếu không bán được sớm thì để 2 - 3 năm cũng có lãi lớn”.
Cũng như chị Lan Anh, anh Nguyễn Thanh Trường, 31 tuổi (Hà Nội), một người đàn ông lái xe taxi hơn 5 năm qua cho biết, khoảng 2 tháng trở lại đây, mỗi ngày anh đều không bỏ qua lịch trình: Mỗi sáng hay mỗi chiều truy cập vào phần mềm chứng khoán, anh bắt đầu học đầu tư chứng khoán. Mỗi khi rảnh rỗi không có khách, anh lại đọc thêm thông tin từ các nhà đầu tư chứng khoán trong nhóm để theo dõi thị trường.
Lãi suất ngân hàng sụt giảm mạnh chỉ dao động ở ngưỡng 3,5 - 4,5% đã không còn đủ sức níu kéo tâm lý “an toàn” của những người có tiền nhàn rỗi. Trong khi đó, Covid-19 đã khiến nhiều mã cổ phiếu tụt dốc không phanh, nhưng cũng trở thành cú hích nâng giá cho không ít mã cổ phiếu. Khả năng kiếm lời lớn đã khiến những người như chị Lan Anh hay anh Thanh Trường không ngần ngại rút khoản tiền tiết kiệm bỏ vào chứng khoán.
Một thống kê cho thấy, tính trong cả năm 2020, tổng số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước lên tới 392.527 tài khoản, tăng 108% so với năm 2019. Sự tham gia tích cực của họ cũng mang một dòng tiền khổng lồ cho thị trường chứng khoán khi khối lượng giao dịch quý III/2020 tăng gần 40% cùng kỳ năm ngoái. Giới đầu tư gọi nhóm những nhà đầu tư lần đầu bước chân vào thị trường chứng khoán là “F0”.
Theo lý giải của giới đầu tư, F0 trong chứng khoán lại được dùng để gọi tên những nhà đầu tư vừa nhảy vào thị trường trong thời gian gần đây. Cụ thể hơn là những người bắt đầu hành trình chinh phục chứng khoán từ khoảng tháng 3/2020, thời điểm mà Covid-19 vừa hoành hành”.
Một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế nhận định: Sự bùng nổ làn sóng F0 đến từ tác động của Covid-19, khiến cho trật tự các kênh đầu tư thay đổi. Số người thất nghiệp hay nguy cơ thất nghiệp tăng mạnh khiến tâm lý duy trì một công việc tạo ra dòng tiền nhanh chóng gia tăng. Mặt khác, các chính sách tiền tệ của Nhà nước khiến lãi suất ngân hàng giảm sâu, nhiều người nhận ra sẽ thật lãng phí khi vẫn giữ tiền trong tài khoản ngân hàng. Trong khi đó, đất lại không đủ tiền để mua. Vậy là họ tìm đến chứng khoán.
F0 có làm đổi thay kịch bản của nền kinh tế?
Những lần rung lắc trên thị trường chứng khoán trong năm 2020 và đặc biệt giai đoạn đầu năm 2021 được chỉ ra, là do tâm lý đầu tư của làn sóng F0. Tất yếu, những ánh mắt e ngại đã xuất hiện trước cơn sóng đầy ồn ào mang tên “F0”.
Ông Nhật Hoàng, một nhà đầu tư hơn 10 năm theo đuổi lĩnh vực chứng khoán cho hay, có rất nhiều lý do khiến người ta e ngại về làn sóng F0. Bởi thực tế, các F0 thường đầu tư một cách cảm tính và bầy đàn, khiến thị trường quá nóng, đồng thời hứng chịu những đợt rung lắc mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Họ bỏ qua những kiến thức cơ bản tìm hiểu về các mã chứng khoán mà bất chấp bỏ tiền theo xu hướng hay lời khuyên từ bạn bè.
Ở góc độ phân tích từ các chỉ số dữ liệu thị trường, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI cho rằng, sự tham gia của nhà đầu tư mới hay còn gọi là F0 giúp thị trường chứng khoán thanh khoản tăng mạnh, các chỉ số đi lên. Một thống kê cho thấy, giao dịch trên thị trường có tuần chiếm tới 97% nhà đầu tư cá nhân. Sự tham gia của F0 đã làm thay đổi cấu trúc thị trường. Các nhà đầu tư phải chấp nhận sự biến động rất lớn, những phiên tăng mạnh hay giảm sâu, mang đầy cảm xúc và “tính con người nhiều hơn”.
Cũng theo bà Phương, dòng tiền F0 có đặc điểm là tính lan tỏa quá mạnh mẽ sẽ tác động đến giá cổ phiếu rất nhanh. Khi nhà đầu tư F0 có lãi, thì khả năng có ảnh hưởng rất nhiều tới những F0 khác. Tuy nhiên mặt hạn chế của sự lan tỏa này là một số cổ phiếu tăng trưởng quá “nóng” mà không có yếu tố cơ bản hỗ trợ. Ngoài ra, trong trường hợp thị trường điều chỉnh, có thể gây ra phản ứng dây chuyền, phóng đại sự tiêu cực.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam phân tích, dòng tiền của F0 sẽ có những hạn chế. Với bản chất là vào nhanh nhưng rút ra cũng nhanh nên biên độ dao dộng của thị trường trở nên lớn hơn nhiều và phụ thuộc vào yếu tố cảm xúc của con người nhiều hơn.
Ông Minh cho hay, minh chứng rõ nhất cho sự biến động lớn này là khoảng thời gian cuối tháng 1/2021, các chỉ số chứng khoán liên tục trải qua những phiên tăng, giảm trên 2% đan xen nhau với thanh khoản rất cao.
Đánh giá tích cực hơn về sự tham gia của các nhà đầu tư F0, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, sự tham gia của nhóm nhà đầu tư F0 không những chỉ giải quyết vấn đề về quy mô mà còn muốn gia tăng chất lượng của thị trường, dễ dàng thu hút các doanh nghiệp có động lực đại chúng và niêm yết. Khả năng thị trường chứng khoán sẽ dễ dàng trong việc nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi. Vì vậy, sự tham gia của các nhà đầu tư mới sẽ giúp thị trường có dư địa tăng trưởng trong tương lai.
Các chuyên gia cũng cho rằng, dẫu các nhà đầu tư F0 mang đến một thị trường chứng khoán đầy “cảm xúc”, song, sự xuất hiện của dòng tiền lớn sẽ động lực mới cho kênh đầu tư này, nhất là trong bối cảnh tác động mạnh của Covid-19.