“Sóng ngầm” tại TTC Sugar
Những thay đổi và sắp xếp lại bao gồm vốn và nhân lực đang diễn ra ở TTC Sugar và TTC Land có thể giúp gia đình ông Đặng Văn Thành không bị lặp lại những sai lầm trong quá khứ giai đoạn 2011 - 2012.
Ngày 3/9/2019, Công ty Cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa (TTC Sugar, mã SBT) phát hành hai công bố thông tin quan trọng về việc TTC Sugar sẽ bán ra toàn bộ cổ phiếu quỹ đang có và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (lấy ý kiến bằng văn bản).
Theo đó, TTC Sugar sẽ bán ra hơn 61,6 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 10,5% vốn điều lệ) sau 7 ngày làm việc kể từ ngày công bố thông tin giao dịch cổ phiếu quỹ (ngày 3/09/2019).
Đối với Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản, hai nội dung quan trọng đáng chú ý gồm: TTC Sugar sẽ sửa đổi, bổ sung Điều lệ và thực hiện mua lại cổ phần ưu đãi có quyền chuyển đổi đã được TTC Sugar phát hành theo Nghị quyết số 01/2018/NQ - ĐHĐCĐ ngày 17/10/2018 để chuẩn bị cho việc hợp tác với các nhà đầu tư trong dài hạn; phát hành 2.400 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn tối thiểu 3 năm để tái cấu trúc tài chính, giảm nợ ngắn hạn.
Được biết, số cổ phần ưu đãi có quyền chuyển đổi nói trên được phát hành cho mục đích tái tài trợ khoản đầu tư nhận chuyển nhượng Công ty TNHH Mía đường TTC Attapeu (tái cấu trúc nợ vay 900 tỷ đồng), đầu tư cơ giới hóa (đầu tư cho nhà máy tại Attapeu 434 tỷ đồng).
Theo công bố cuối tháng 7/2019 của TTC Sugar, DEG (một tổ chức của Chính phủ Đức) đã đầu tư khoảng 21,63 triệu cổ phần ưu đãi nói trên với giá 30.000 đồng/cổ phần (mức giá thấp nhất trong kế hoạch phát hành).
Khoản đầu tư này dự kiến giải ngân trong tháng 9/2019. Tuy nhiên, với nội dung Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông đã thông qua nói trên, đồng nghĩa thương vụ chào bán cổ phần ưu đãi của TTC Sugar cho DEG khó hoàn tất được trong tháng 9/2019.
Khó khăn trên cánh đồng mía
Mặc dù, TTC Sugar cho biết đang tích cực hỗ trợ và đồng hành cùng nông dân trên các cánh đồng mía bao gồm cả vốn, máy móc, kỹ thuật…
Nhưng thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, trong khoảng 18 tháng qua, các khoản trả trước của TTC Sugar cho nông dân trồng mía được đảm bảo một phần quyền sử dụng đất của người nông dân và hưởng lãi suất từ 9,6% đến 10,8%/năm, thậm chí lên đến 14%/năm (năm 2018).
Tại hội nghị mía đường của khu vực tổ chức hồi tháng 6/2019, ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết, TTC Sugar đã phải tạm dừng nhà máy đường tại Tây Ninh, Đồng Nai, Ninh Thuận do thiếu nguyên liệu.
Trong 2 năm tài chính liên tiếp gần đây, khoảng 80% lợi nhuận sau thuế đến từ thanh hoán danh mục đầu tư tài chính và bất động sản mà bên mua lại chủ yếu là thành viên trong Tập đoàn TTC và chênh lệch lãi suất từ hoạt động vay về cho các thành viên, nông dân vay lại dưới hình thức cho vay, khoản trả trước có hưởng lãi suất.
Điển hình như việc chuyển nhượng vốn của TTC Sugar trong Công ty Cổ phần Mía đường Tây Ninh cho thành viên của Tập đoàn TTC; TTC Sugar vay của Công ty Thành Thành Công Gia Lai 308 tỷ đồng lãi suất từ 7,5%-8,5%/năm, đồng thời có giao dịch trả trước cho bên bán là Công ty Thành Thành Công Gia Lai 115,7 tỷ đồng được tính lãi suất 8% đến 9,5%/năm.
Báo cáo tài chính kết thúc năm tài chính 2018 - 2019 cho thấy, TTC Sugar dồi dào về tiền, với số dư tiền chiếm gần 10% tổng tài sản hợp nhất; vay nợ giảm cả ngắn hạn lẫn dài hạn (giảm lần lượt 5,5% và 28,5%).
Nhưng lượng tiền mặt của TTC Sugar tăng lên mạnh và dồi dào đến từ tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác trong kỳ 1.876,7 tỷ đồng, tăng 1.560 tỷ đồng đối với công ty mẹ, và 1.266,5 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng đối với hợp nhất; vay nợ ngắn hạn hợp nhất chiếm đến 43,3% tổng nguồn vốn.
"Sóng ngầm" tại TTC Sugar
TTC Sugar đã không mấy thuận lợi và nhiều khả năng đã "bị thất bại" trong kế hoạch phát hành thêm cổ phần ưu đãi nhằm tái cấu trúc nợ liên quan khoản mua lại Công ty Mía đường tại Lào.
Dĩ nhiên, nếu kế hoạch phát hành cổ phần ưu đãi chuyển đổi nói trên thành công, TTC Sugar sẽ được lợi vì giá bán cổ phần cao hơn gần 80% thị giá hiện tại và cao hơn 67% giá mua bình quân cổ phiếu quỹ.
Trong khi đó, việc bán hơn 61,6 triệu cổ phiếu quỹ ra thị trường hiện nay nếu không có bất kỳ thỏa thuận nào về giá bán ra, TTC Sugar có thể sẽ bị giảm vốn chủ sở hữu do chi phí lãi vay để mua cổ phiếu quỹ và giá mua vào đang cao hơn thị giá hiện tại.
Nguồn tin cho biết, việc bán ra 61,6 triệu cổ phiếu quỹ và mua lại cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi nằm trong kế hoạch sắp xếp lại vốn và các bên nắm giữ cổ phần tại TTC Sugar nhằm đảm bảo cho TTC Sugar phát triển ổn định, bền vững.
Không chỉ dừng lại ở thay đổi về sở hữu vốn điều lệ ở TTC Sugar, các hoạt động phát hành trái phiếu huy động động nợ nhằm tái cấu trúc nợ vay theo hướng chuyển dịch từ ngắn hạn sang dài hạn cũng vì mục tiêu đảm bảo cho TTC Sugar không gặp rủi ro về thanh khoản trong tương lai.
Hơn thế nữa, trong 9 tháng qua, TTC Sugar liên tiếp thay máu lãnh đạo cao cấp ở các vị trí: Giám đốc Quan hệ nhà đầu tư, Phó tổng giám đốc thường trực, Phó tổng giám đốc Tài chính, Phó tổng giám đốc, Giám đốc cung ứng.
Tương tự đã có 3 thành viên Hội đồng quản trị của TTC Sugar từ nhiệm bao gồm cả thành viên Hội đồng quản trị độc lập là người nước ngoài.
80% lợi nhuận có được của TTC Sugar không phải đến từ cây mía và thị trường đường mà chủ yếu đến từ các giao dịch bên trong Tập đoàn TTC; vay nợ ngắn và dài hạn bằng 1,55 vốn chủ sở hữu, 80% vay nợ là vay ngắn hạn; TTC Sugar phải tạm dừng một số nhà máy đường vì thiếu nguyên liệu phản ánh tác động tiêu cực không chỉ biến động giá đường thế mà các trục trặc trong quan hệ với nông dân trồng mía.
Dĩ nhiên, quyết định tạm dừng hoạt động một số nhà máy đường, mua lại cổ phần ưu đãi chuyển đổi, bán ra cố phiếu quỹ trong bối cảnh thị trường đang "cạn thanh khoản" có thể là bước lùi của những ông chủ TTC Sugar để tiến trong bối cảnh ngành mía đường đang giữa muôn trùng vây.
Giới thạo tin cho rằng, những thay đổi và sắp xếp lại bao gồm vốn và nhân lực đang diễn ra ở TTC Sugar sẽ giúp gia đình ông Đặng Văn Thành tránh được những sai lầm trong quá khứ giai đoạn 2011 - 2012.
Theo Thanh Châu/ Vneconomy