'Sóng' thoái vốn và thực hư 'game' kéo - xả cổ phiếu
Nhìn vào các thương vụ thoái vốn thành công trước đây, không phủ nhận có chuyện kéo - xả cổ phiếu theo “game thoái vốn” nhưng có thể đã có những ngộ nhận lớn.
Đại hạn gặp mưa
Đã khá lâu rồi thị trường chứng khoán Việt Nam mới chứng kiến lượng thông tin tương đối dồn dập liên quan đến câu chuyện thoái vốn nhà nước và ngay lập tức, giá cổ phiếu ở một số doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn đã phản ứng tích cực.
Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu BCM của Tổng công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) - “ông trùm” bất động sản công nghiệp với “đại bản doanh” đóng tại Bình Dương. Cụ thể, ngày 17/5, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định 426/QĐ-TTg về việc phê duyệt tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại Becamex đến năm 2025. Theo đó, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại Becamex sẽ giảm từ 95,44% vốn điều lệ xuống mức trên 65% vốn điều lệ đến hết năm 2025.
Ngay trong phiên sau đó (20/5), cổ phiếu BCM đã tăng kịch trần gần 7%, từ 58.800 đồng/cổ phiếu lên 62.900 đồng/cổ phiếu. Dẫu vậy, lực kéo không đủ mạnh để duy trì quán tính tăng và cho đến phiên 28/5, thị giá BCM về cơ bản vẫn “giậm chân tại chỗ” trong bối cảnh chỉ số VN-Index có xu hướng tăng lên.
Mạnh mẽ hơn cổ phiếu BCM là trường hợp của cổ phiếu NTP của Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong). Sau khi thông tin NTP lọt danh sách thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), thị giá NTP đã tăng kịch trần gần 10%, từ 42.800 đồng/cổ phiếu lên 47.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 20/5. Thị giá NTP tiếp tục tăng mạnh trong 4 phiên tiếp đó, trong đó có 2 phiên tăng kịch trần, đưa cổ phiếu lên tới 62.600 đồng/cổ phiếu chốt phiên 24/5. Như vậy chỉ trong vòng 1 tuần, thị giá NTP đã tăng gần gấp rưỡi!
Bên cạnh NTP, SCIC cũng muốn thoái vốn khỏi Công ty FPT (HoSE: FPT). Mặc dù thị giá FPT không tăng mạnh ngay lập tức như các trường hợp NTP, BCM nhưng trên thực tế, điều này là có thể hiểu được bởi trước thời điểm công bố thông tin FPT lọt danh sách thoái vốn của SCIC, thị giá FPT đã tăng tới gần 20% chỉ chỉ trong vòng 1 tháng.
Những thông tin trên được công bố gần như vào cùng thời điểm khiến các nhà đầu tư quan tâm đến các “game thoái vốn” có cảm giác như “đại hạn gặp mưa”, bởi vài năm trở lại đây, câu chuyện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn là khá hiếm hoi.
Điểm lại, năm 2021 có 4 thương vụ thoái vốn đáng chú ý, đầu tiên là phiên đấu giá cổ phần của Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) do Tổng công ty Bưu điện (VNPost) sở hữu. Toàn bộ 18.225.648 cổ phần được bán hết với giá đấu thành công bình quân 77.341 đồng/cổ phần, tương ứng tổng giá trị thu về hơn 1.409 tỷ đồng.
Thương vụ đáng chú ý tiếp theo là SCIC đưa cổ phần Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) ra bán đấu giá trọn lô. Kết quả, trọn lô cổ phần đã thuộc về Tập đoàn Kido với tổng số tiền trúng thầu bằng giá khởi điểm, tức là gần 1.256 tỷ đồng. Sau phiên đấu giá, Tập đoàn Kido đã nâng tổng lượng sở hữu tại Vocarimex từ 51% lên 87,29%, nắm quyền chi phối. SCIC đã thành công thoái vốn sau nhiều lần mang cổ phần ra bán đấu giá nhưng bất thành.
Ngoài ra, một phiên đấu giá đáng chú ý nữa là bán lô cổ phần của Công ty Vĩnh Sơn do Viettel sở hữu. Tổng giá trị phiên đấu giá này hơn 922 tỷ đồng.
Không đấu giá mà thoái vốn theo phương thức giao dịch khớp lệnh, trong năm 2021, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã bán thành công khoảng 9 triệu cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hoá Chất Đức Giang, thu về khoảng 1.500 tỷ đồng.
Sang đến năm 2022, Vinachem tiếp tục thoái vốn tại Tập đoàn Hoá chất Đức Giang theo phương thức giao dịch khớp lệnh, thu về 1.072 tỷ đồng. Đây cũng là thương vụ thoái vốn nghìn tỷ hiếm hoi diễn ra trong năm này.
Tình hình còn ảm đạm hơn nữa khi trong năm 2023, thống kê từ Bộ Tài chính cho biết đã thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp, chỉ thu về 24 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp, chỉ thu về vỏn vẹn 206,3 tỷ đồng.
Nhìn chung, các thương vụ trên “không có cửa” để so sánh với các thương vụ thoái vốn tại các “ông lớn” như Becamex, FPT; còn nếu so với doanh nghiệp “tầm trung” như Nhựa Tiền Phong với giá trị vốn hoá hiện trên 7.000 tỷ đồng và SCIC nắm 37% vốn điều lệ, nếu SCIC thoái toàn bộ vốn thì thương vụ này nhiều khả năng cũng ghi nhận giá trị vượt trội so với các thương vụ trong giai đoạn 2021 - 2023.
Thực hư kéo - xả cổ phiếu theo “game thoái vốn”
Các “game thoái vốn” từ trước đến nay vẫn được “gán” với chuyện kéo - xả cổ phiếu. Đại ý là trước khi thoái vốn, cổ phiếu được “kéo” lên để bên bán có thể thu được giá cao; sau khi thoái vốn thành công, nếu không còn động lực “kéo”, giá cổ phiếu sẽ giảm về mức “hợp lý”.
Không dễ để khẳng định thực - hư chuyện này. Tuy nhiên, nhìn vào các thương vụ thoái vốn thành công trước đây, không phủ nhận có chuyện kéo - xả cổ phiếu nhưng có thể đã có những ngộ nhận lớn.
Trước tiên, hãy cùng Đầu tư Tài chính - VietnamFinance bắt đầu với 7 thương vụ thoái vốn tiêu biểu trước đây. Đầu tiên là thương vụ Bộ Xây dựng thoái 78,84% vốn tại Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (GEX). Đây là thương vụ khá đặc biệt khi Bộ Xây dựng bán toàn bộ vốn với tỷ lệ sở hữu chi phối doanh nghiệp qua phương thức khớp lệnh trên sàn chứng khoán. Trong chưa đầy 1 tiếng, toàn bộ hơn 122 triệu cổ phiếu GEX đã được bán hết với giá khớp lệnh khoảng 17.700 - 17.800 đồng/cổ phiếu, tương đương Bộ Xây dựng thu về khoảng trên 2.100 tỷ đồng.
Thương vụ thứ hai là Bộ Xây dựng bán 28,1% vốn tại Tổng công ty Viglacera (VGC) thông qua phương thức đấu giá vào ngày 29/5/2017. Kết quả, toàn bộ 120 triệu cổ phiếu VGC được phân phối hết với giá trúng bình quân 16.175 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị bán vốn vào khoảng trên 1.900 tỷ đồng.
Thương vụ thứ ba là SCIC bán 3,33% cổ phần tại Công ty Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) thông qua đấu giá vào ngày 10/11/2017. Kết quả thành công ngoài mong đợi khi toàn bộ hơn 48,3 triệu cổ phiếu được đấu giá thành công với giá bình quân 186.000 đồng/cổ phiếu. Công ty Platinum Victory thuộc Tập đoàn Jardine Cycle & Carriage (JC&C) của Singapore đã bỏ ra gần 9.000 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phần trên.
Thương vụ tiếp theo đã trở thành “huyền thoại” trong các thương vụ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đó là Bộ Công Thương bán đấu giá 53,59% cổ phần tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (SAB). Thương vụ diễn ra vào ngày 18/12/2017 và nhóm cổ đông của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã bỏ ra tới 110.000 tỷ đồng để thâu tóm Sabeco, tương đương giá trúng mỗi cổ phần là 320.000 đồng.
Thương vụ thứ năm diễn ra vào ngày 9/3/2018 khi SCIC đấu giá 29,51% cổ phần của Công ty Nhựa Bình Minh (BMP). Toàn bộ hơn 24,1 triệu cổ phiếu BMP được bán với giá 96.500 đồng/cổ phiếu cho Công ty Nawaplastic Industries của Thái Lan, tương đương giá trị trên 2.300 tỷ đồng.
Tiếp đến là thương vụ SCIC bán lượng cổ phần chi phối tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG). Kết quả đấu giá rất thành công với giá đặt cao hơn tới trên 35% so với giá khởi điểm. Theo đó, trên 57% cổ phần của Vinaconex thuộc về Công ty An Quý Hưng với số tiền bỏ ra lên đến trên 7.300 tỷ đồng.
Cuối cùng là thương vụ Bộ Xây dựng bán 36% cổ phần tại Tổng công ty IDICO thông qua đấu giá vào ngày 27/11/2020, thu về 2.900 tỷ đồng.
Quan sát đồ thị giá cổ phiếu trước và sau khi diễn ra 7 thương vụ trên, có thể thấy tình trạng “giá cổ phiếu có xu hướng tăng mạnh trước khi bán vốn và có xu hướng giảm mạnh sau khi bán vốn” chỉ xảy ra ở 3 thương vụ, đó là: SCIC thoái vốn khỏi Vinamilk (diễn ra ngày 10/11/2017), Bộ Công Thương thoái vốn khỏi Sabeco (diễn ra ngày 18/12/2017) và SCIC thoái vốn khỏi Nhựa Bình Minh (diễn ra ngày 9/3/2018).
Nếu đặt 3 thương vụ này vào bối cảnh thị trường chung, có thể hiểu vì sao lại xảy ra hiện tượng giống như “kéo - xả” cổ phiếu. Đó là thời kỳ cuối cùng của “đại sóng” trên thị trường chứng khoán với điểm bắt đầu vào đầu năm 2016 và điểm kết thúc vào đầu tháng 4/2018, đưa chỉ số VN-Index từ khoảng 550 điểm lên trên 1.200 điểm. Trong thời kỳ này, thị trường vào giai đoạn phân phối cao độ với biên độ dao động rất mạnh nhưng xu hướng chung vẫn là đi lên mạnh mẽ, một số cổ phiếu tạo đỉnh sớm hơn VN-Index nhưng cũng có một số cổ phiếu tạo đỉnh sau VN-Index. Rốt cuộc, giá cổ phiếu VNM, SAB và BMP mặc dù xuất hiện một số phiên tăng đột biến theo các tin tức liên quan đến “game thoái vốn” nhưng về cơ bản vẫn biến động theo xu hướng chung.
Với 4 thương vụ còn lại, nhìn chung, giá cổ phiếu cũng chịu sự chi phối của xu hướng chung của thị trường hơn là “game thoái vốn”. Chẳng hạn như thương vụ Bộ Xây dựng bán cổ phiếu GEX hồi cuối năm 2015 thì trước đó, giá cổ phiếu này tăng - giảm không rõ xu hướng, nhưng từ sau khi hoàn tất thương vụ, thị giá GEX liên tục tăng, đồng pha với “đại sóng” giai đoạn 2016 - tháng 4/2018.
Hoặc như thương vụ Bộ Xây dựng thoái vốn tại Viglacera vào tháng 5/2017. Sau thoái vốn, cổ phiếu VGC tiếp tục tăng cho tới quý I/2018, sau đó mới tạo đỉnh và đi xuống theo xu hướng chung của thị trường.
Câu chuyện tương tự xảy ra tại thương vụ Bộ Xây dựng thoái vốn khỏi IDICO vào cuối tháng 11/2020 khi sau thoái vốn, cổ phiếu IDC tiếp tục tăng mạnh và tạo đỉnh vào đầu năm 2018.
Tuy nhiên, có một thực tế cũng cần lưu ý là trong điều kiện thị trường thuận lợi, cũng có những trường hợp giá cổ phiếu thuộc “game thoái vốn” tăng mạnh hơn đáng kể so với chỉ số VN-Index.
Tóm lại, không phủ nhận chuyện kéo - xả cổ phiếu theo “game thoái vốn” nhưng việc xác định xu hướng chung của thị trường chứng khoán vẫn là quan trọng nhất. Đây cũng là bài học “nằm lòng” với nhiều đội tạo lập thị trường, bởi qua các chia sẻ ngoài lề, chuyện các đội tạo lập thất bại và thua lỗ là không hiếm và thường xảy ra khi “lệch pha” với xu hướng chung của thị trường.