Sức mua ì ạch, doanh số ngành bia Việt Nam giảm ít nhất 25% sau Nghị định 100
Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết các công ty thành viên đã lên tiếng lo ngại về tình trạng doanh số bia sụt giảm.
Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt để trấn áp nạn lái xe sau khi uống bia rượu. Theo Bloomberg, doanh số bán bia tại Việt Nam đã giảm ít nhất 25% từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực. Lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính tổng cộng 21 tỷ đồng với hơn 6.200 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.
Doanh số bia sụt giảm
Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết các công ty thành viên đã lên tiếng lo ngại về tình trạng doanh số bia sụt giảm.
“Những ngày này, tất cả điểm kinh doanh rượu bia đều vắng khách. Chúng tôi chưa có thống kê chính xác về sự sụt giảm doanh số bán bia rượu nhưng chắc chắn là đã giảm rất nhiều”, Bloomberg dẫn lời ông Lương Xuân Dũng thuộc Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA).
Đại diện VBA cho biết các công ty kinh doanh rượu bia đồng loạt giảm giá sản phẩm để kích cầu trước dịp Tết Nguyên đán. Heineken mới đây thông báo doanh số bán hàng của hãng giảm 4,6%.
Theo Bloomberg, Chính phủ Việt Nam đang có những động thái quyết liệt để hạn chế tình trạng lái xe sau khi uống rượu bia, mục tiêu là giảm số vụ tai nạn giao thông.
Kể từ năm 2004, lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam tăng gần gấp 4 lần, thu hút sự quan tâm nhiều nhà sản xuất bia trên thế giới, từ Heniken cho đến Anheuser-Busch InBev.
Tiêu thụ đồ uống có cồn tại Việt Nam tăng cao tác động tiêu cực tới sức khỏe cộng đồng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam có khoảng 79.000 ca tử vong liên quan sử dụng rượu, bia.
Báo cáo của Euromonitor International cho thấy giai đoạn 2004-2018, người trẻ và tầng lớp trung lưu là nguyên nhân chính dẫn đến lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam tăng 284%. Đây cũng được coi là tác nhân thúc đẩy Thai Beverage chi 4,8 tỷ USD mua cổ phần của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn cách đây 2 năm.
Từ năm 2013 đến 2018, Việt Nam chứng kiến mức tiêu thụ bia bình quân mỗi gia đình tăng 30%, lên mức 43 lít/hộ. Việt Nam cũng là quốc gia có sản lượng bia lớn thứ ba khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngược lại, lượng bia trung bình một gia đình tại Mỹ tiêu thụ giảm 4%.
Ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam, cho biết người Việt nhậu nhẹt thường xuyên, “vào mọi lúc, mọi nơi mà họ muốn”. Do đó, quy định mới chắc chắn tác động mạnh tới ngành bia Việt Nam và thói quen sinh hoạt của người Việt.
Tuy nhiên, theo ông Thành, nếu Nghị định 100 đi vào cuộc sống một cách nghiêm túc, hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế và chính người Việt sẽ được cải thiện.
Bia Tết có dấu hiệu giảm giá
Khảo sát của Zing tại một số cửa hàng tạp hóa trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) và Điện Biên Phủ (quận 3) ngày 17/1, giá bia Tiger dao động quanh mức 330.000-340.000 đồng/thùng, 333 có giá 235.000-240.000 đồng/thùng. Mức giá này thấp hơn tuần trước khoảng 5.000-10.000 đồng.
Trong khi đó, bia Heineken ở đa số điểm bán vẫn giữ nguyên giá 400.000 đồng, cá biệt một số nơi đã giảm còn 390.000-395.000 đồng.
Lý giải về sự sụt giảm giá cả khi chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, chủ một cửa hàng kinh doanh bia và nước giải khát trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 21, quận Bình Thạnh) chia sẻ, nhu cầu không tăng cao như mọi năm trong khi hàng về ổn định.
"Tết Dương lịch vừa qua thị trường thiếu bia, đến tuần trước vẫn còn tăng giá bán, nên tôi đã tranh thủ nhập hàng về với số lượng lớn để phòng hờ giá tiếp tục tăng. Ai dè từ đó đến nay, người mua giảm hẳn, buôn bán ngày Tết không khác gì ngày thường. Bây giờ mà không bán rẻ lại thì sợ ế mất", người này cho biết.
Sự tăng giá bán lẻ bia thời gian qua chủ yếu đến từ các đại lý bia cấp 2 và một số hộ kinh doanh tạp hóa, lợi dụng dịp Tết vốn nhu cầu tăng cao để hưởng lợi nhuận nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo nhận định của đại lý này, nhu cầu bia giảm đi không hoàn toàn bởi việc áp dụng Nghị định 100 về mức xử phạt mới đối với tài xế sử dụng rượu, bia.
"Trước kia người dân chủ yếu đem bia đi biếu Tết, có năm đẩy giá lên cao hơn 100.000 đồng/thùng so với ngày thường. Bây giờ có nhiều sự lựa chọn mới lạ, độc đáo hơn, bia không còn là sản phẩm thiết yếu với nhiều gia đình vào ngày Tết, nhất là khi giá tăng liên tục", chủ đại lý này đánh giá.
Trong tình trạng biến động nhu cầu và giá cả bia ở các kênh bán lẻ truyền thống, nhu cầu mua sắm mặt hàng này ở một số siêu thị có sự tăng trưởng so với ngày thường và cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính, theo chủ đại lý trên, đến từ việc ổn định giá cả, thậm chí thấp hơn bình quân thị trường.
"Các siêu thị bán đúng giá bán lẻ khuyến nghị, đôi khi còn thực hiện khuyến mãi, tặng quà. Đơn cử, giá bán ở Big C chỉ cao hơn giá nhà máy một chút, thỉnh thoảng thiếu hàng tôi cũng vào đó mua, nói gì đến người tiêu dùng", chị nói.
Mùa Tết năm nay, Big C dự kiến tăng 25% sản lượng bia tiêu thụ so với ngày thường, dù vẫn tiếp tục duy trì chính sách cho phép mỗi khách hàng mua tối đa 5 thùng bia mỗi loại.
Trong khi đó, ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết sức mua đối với sản phẩm bia ở các hệ thống bán lẻ trực thuộc đơn vị tăng khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm trước.
"Đặc tính của siêu thị là khách hàng mua biếu tặng và dự trữ dùng cho dịp sum họp gia đình nên tình hình tiêu thụ bia và các loại nước giải khát đều tăng trưởng ổn định", ông chia sẻ.
Theo Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ