Tập đoàn FLC lại bị cưỡng chế thuế từ 19 tài khoản ngân hàng

Theo thông tin từ Cục Thuế TP Hà Nội, Tập đoàn FLC đã chậm nộp tiền thuế quá 90 ngày và số tiền bị cưỡng chế sẽ bị trích từ tài khoản của công ty tại 19 ngân hàng.

 

Trụ sở của Tập đoàn FLC.
Trụ sở của Tập đoàn FLC.

Tập đoàn FLC vừa nhận được 19 Quyết định xử phạt của Cục Thuế TP Hà Nội về việc cưỡng chế thuế. Tổng số tiền hơn 81,6 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền chậm nộp.

Về lý do, TP Hà Nội cho biết, Tập đoàn FLC đã chậm nộp trên 90 ngày. Cơ quan thuế sẽ trích tiền từ tài khoản của công ty tại 19 ngân hàng.

Trong trường hợp trên tài khoản của công ty nhỏ hơn số tiền phải cưỡng chế, các nhà băng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu và tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh trên các tài khoản của FLC trong thời gian quyết định có hiệu lực.

Trước đó, tháng 8/2022, Tập đoàn FLC cũng bị cưỡng chế thuế gần 72 tỷ đồng và phạt 11,5 triệu đồng vì chậm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân. Thời điểm đó, cơ quan thuế ra biện pháp trích tiền và phong tỏa tài khoản ngân hàng. Khoảng một tháng sau, FLC buộc phải ngừng sử dụng hóa đơn do nợ thuế quá hạn hơn 325 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 8, FLC đã nhận được 8 quyết định của Chi cục Thuế khu vực Thành phố Sầm Sơn - Quảng Xương với số tiền bị cưỡng chế là gần 131 tỷ đồng với lý do cưỡng chế là công ty nợ tiền thuế quá hạn 90 ngày theo quy định bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/ yêu cầu phong toả tài khoản của công ty mở tại các ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Việt Nam - Thịnh Vượng - Chi nhánh Hà Nội; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam - Chi nhánh Quận 1, TP.HCM; Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh Hà Nội; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Việt Nam - Chi nhánh Tây Đô; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hoá; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Vĩnh Phúc; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hoá và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Xuân.

Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định 3 quyết định cưỡng chế thuế gần 224 tỷ đồng đối với công ty do FLC có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định.

Tháng 12/2022, Tập đoàn FLC đã nhận được 3 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh. FLC bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của tập đoàn mở tại 3 ngân hàng là Ngân hàng Phương Đông - Chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Công Thương Việt Nam - chi nhánh Quảng Ninh và Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Quảng Ninh.

Lý do là bởi công ty nợ thuế thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế với tổng số tiền bị cưỡng chế là gần 1,6 tỷ đồng. Thời hạn tiến hành cưỡng chế bắt đầu từ ngày 30/11 đến ngày 29/12/2022.

Cũng liên quan đến FLC, Ủy ban Chứng khoán mới đây đã ra quyết định xử phạt 92,5 triệu đồng vì công ty không công bố một loạt báo cáo. Công ty giải thích rằng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận với đơn vị kiểm toán về ý kiến kiểm toán.

Ngoài ra, doanh nghiệp này chưa tổ chức phiên họp thường niên năm 2023. Đến nay, mã chứng khoán FLC cùng toàn bộ cổ phiếu "cùng họ" trên HoSE đã bị hủy niêm yết.

Được biết, Tập đoàn FLC là một doanh nghiệp kinh doanh chủ yếu trong mảng bất động sản, được thành lập bởi ông Trịnh Văn Quyết. Nổi lên từ những thương vụ M&A địa ốc khắp Hà Nội từ cuối năm 2013, về sau công ty đầu tư hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng nghìn tỷ tại Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Ninh, Quảng Bình, Vĩnh Phúc...

Cuối tháng 3/2022, ông Quyết bị bắt với cáo buộc "thao túng" và "che giấu thông tin chứng khoán". Nhiều thành viên trong ban lãnh đạo FLC cũng bị xác định là đồng phạm.

Sau đó, Phó chủ tịch Đặng Tất Thắng trở thành người thay thế chức vụ chủ tịch. Đầu tháng 7/2022, ông Lê Bá Nguyên - anh vợ ông Quyết, được bầu làm chủ tịch cho đến nay.

Quốc Chiến

Theo Chất lượng và cuộc sống