Tập đoàn Masan huy động 600 triệu USD từ nguồn vốn nước ngoài

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) vừa thông báo Nghị quyết HĐQT về việc ký kết hợp đồng tín dụng với các bên cho vay nước ngoài. Tổng số tiền vay tối đa là 600 triệu USD.

Cụ thể, theo thông tin được Masan công bố, công ty phê duyệt việc ký hợp đồng tín dụng (Facility Agreement) với BNP Paribas, Credit Suisse, Standard Chartered Bank, HSBC và các bên khác (nếu có). Tổng số tiền vay ban đầu không vượt quá 205 triệu USD, cùng với quyền chọn gia tăng khoản vay thêm tối đa 45 triệu USD.

Ngoài ra, phê duyệt cho Công ty TNHH The Sherpa (The Sherpa - công ty con của Masan) ký kết hợp đồng tín dụng với các bên nêu trên. The Sherpa được vay tổng số tiền ban đầu không vượt quá 170 triệu USD, cùng với quyền chọn gia tăng khoản vay thêm tối đa 180 triệu USD. Đồng thời, Masan bảo lãnh cho nghĩa vụ thanh toán của The Sherpa liên quan và phát sinh từ Hợp đồng tín dụng The Sherpa.

Như vậy, tổng số tiền vay tối đa theo các văn bản mới được Masan công bố là 600 triệu USD.

Nghị quyết về việc vay vốn tối đa 600 triệu USD của Masan.
Nghị quyết về việc vay vốn tối đa 600 triệu USD của Masan.

Được biết, hồi đầu năm nay, Masan cũng dự kiến phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế. Mục để thực hiện đầu tư dự án của công ty, góp vốn vào công ty con, bổ sung vốn cho các hoạt động và cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài. Masan dự kiến phát hành 5% số cổ phiếu đang lưu hành để chuyển đổi số trái phiếu này.

Nói qua một chút về The Sherpa, doanh nghiệp này là công ty con do Masan nắm 99,9% tỉ lệ lợi ích. The Sherpa đang đồng thời sở hữu trực tiếp và gián tiếp nhiều đơn vị gồm The CrownX (sở hữu WinCommerce và Masan Consumer), Mobicast, Phúc Long Heritage. Mới đây, The Sherpa cũng đã đầu tư 65 triệu USD vào Trusting Social.

Liên quan đến tình hình vay vốn của The CrownX, thời điểm cuối năm 2021, Tập đoàn Masan cũng đã công bố ký kết giao dịch với nhóm các nhà đầu tư bao gồm TPG, Platinum Orchid (thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư Quốc gia Abu Dhabi) (ADIA) và SeaTown Master Fund (do công ty con của Temasek Holdings - thuộc chính phủ Singapore quản lý) cho khoản đầu tư 350 triệu USD vào CTCP The CrownX (TCX). Giao dịch khép lại vòng huy động vốn cuối cùng vào hệ sinh thái TCX.

Sau giao dịch, The CrownX được định giá 8,2 tỷ USD cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương giá mỗi cổ phần là 105 USD (xấp xỉ 2,41 triệu đồng). Mức định giá này cho thấy giá trị The CrownX đã tăng 12% so với vòng huy động vốn trước đó.

Đồng thời, tỷ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX sau giao dịch này là 81,4%. Công ty có kế hoạch sử dụng khoản huy động vốn này để đầu tư vào các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng và mua lại cổ phần để tăng tỷ lệ sở hữu.

Quay trở lại với Masan, ở một diễn biến mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang vừa quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án “Trung tâm Công nghiệp thực phẩm Miền Tây 2” của CTCP Tập đoàn Masan.

Tập đoàn Masan sắp xây thêm nhà máy bia “khủng” ở Hậu Giang.
Tập đoàn Masan sắp xây thêm nhà máy bia “khủng” ở Hậu Giang.

Theo đó, dự án này có tổng vốn đầu tư 3.500 tỉ đồng. Trong đó, công ty con hoặc công ty thành viên thuộc MSN có trụ sở chính tại Hậu Giang sẽ góp 1.050 tỉ đồng bằng tiền mặt. Quy mô dự án khoảng 46ha, được chia làm 4 phân khu. Thời gian triển khai dự kiến từ năm 2022 – 2029.

Nhà máy này dự kiến được xây dựng trên khu đất rộng 7,82ha, công suất 100 triệu lít/năm.

Theo tìm hiểu, tại Hậu Giang, Masan cũng đã sở hữu nhà máy sản xuất bia Masan Brewery HG, với công suất 100 triệu lít/năm.

Masan vẫn luôn được biết đến là ‘ông lớn’ trong ngành công nghiệp thực phẩm và giải khát, Masan đã bắt đầu gia nhập vào thị trường bia từ năm 2013, với việc mua lại CTCP Bia và nước giải khát Phú Yên (sau trở thành Masan Brewery) và tung ra thị trường thương hiệu Sư Tử Trắng.

Thời điểm cuối năm 2015, MSN đã khánh thành nhà máy sản xuất bia Masan Brewery HG tại Khu công nghiệp Nam Sông Hậu thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

An Nhiên

Theo Chất lượng và cuộc sống