Thành phố lớn thứ 3 Việt Nam tương lai thay đổi bộ mặt giao thông nhờ loạt dự án trọng điểm sắp triển khai

Hai dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với địa phương mà còn đối với khu vực miền Bắc nói chung.

Cử tri TP. Hải Phòng vừa có kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, bố trí nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ các thủ tục đầu tư cho một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng của thành phố.

Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng

Theo quy hoạch, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng có chiều dài khoảng 109km với quy mô 4 làn xe, dự kiến hoàn thành trước năm 2030. Hiện nay, các đoạn tuyến của cao tốc này đã được giao cho các địa phương quản lý và triển khai, ngoại trừ đoạn dài 6km trên địa bàn TP. Hải Phòng. 

Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng có chiều dài khoảng 109km. Ảnh minh họa
Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng có chiều dài khoảng 109km. Ảnh minh họa

Đoạn này đã có Báo cáo chủ trương đầu tư, nhưng do khó khăn về nguồn vốn, chưa thể triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn tới đây, dự án sẽ được xem xét bố trí vốn, căn cứ vào nguồn lực và nguyên tắc phân bổ vốn theo quy định.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài khoảng 380 km, đường đôi, khổ 1.435mm, trong đó đoạn Hà Nội - Hải Phòng sẽ đầu tư trước năm 2030, còn đoạn Hà Nội - Lào Cai sẽ triển khai sau.

Bản đồ tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh minh họa
Bản đồ tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh minh họa

Bộ Giao thông Vận tải đang lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11 tỷ USD, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2025 và khởi công năm 2027.

Nâng cấp hệ thống đường thủy

Nhằm tăng cường năng lực vận tải, giảm tắc nghẽn và hỗ trợ phát triển kinh tế vùng, Bộ Giao thông Vận tải đã đầu tư 6.900 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2020 để nâng cấp hệ thống đường thủy nội địa khu vực Bắc Bộ, trong đó có tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - Việt Trì dài 250 km. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục ưu tiên vốn để đầu tư nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa kết nối Hải Phòng với các địa phương, đặc biệt là tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình qua sông Luộc.

Hệ thống đường thủy được TP. Hải Phòng chú trọng đầu tư. Ảnh minh họa
Hệ thống đường thủy được TP. Hải Phòng chú trọng đầu tư. Ảnh minh họa

Theo quy hoạch, đến năm 2030, khu bến container Lạch Huyện sẽ có từ 10-12 bến. Hiện tại, 8 bến đang được triển khai, trong đó 2 bến đã hoạt động từ năm 2018, 4 bến đang được xây dựng, và 2 bến khác đang làm thủ tục thi công. Các bến này dự kiến sẽ lần lượt hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2024 đến năm 2027, đạt tổng công suất 6 triệu TEU.

Khu bến Nam Đồ Sơn được quy hoạch là cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế. Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng quy hoạch chi tiết, dự kiến hoàn thành 2 bến khởi động tại đây vào năm 2030.

Nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi

Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 với công suất 5 triệu hành khách/năm đã được Thủ tướng phê duyệt với tổng mức đầu tư 2.405 tỷ đồng. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã phê duyệt dự án vào tháng 8/2023, với tiến độ dự kiến hoàn thành sau 18 tháng kể từ khi bàn giao mặt bằng.

Sớm nâng cấp sân bay Cát Bi. Ảnh minh họa
Sớm nâng cấp sân bay Cát Bi. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng đang gặp khó khăn do vướng mắc trong việc chuyển giao đất quốc phòng. Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu TP. Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để giải quyết nhanh chóng, đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ.

Chi Chi

Theo Chất lượng và cuộc sống