Thành phố nhỏ cách Hà Nội 110km cần 200.000 tỷ 'nâng cấp diện mạo'
Đây là 1 trong 8 thành phố của Vùng duyên hải Bắc Bộ.
UBND tỉnh Thái Bình mới ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP. Thái Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, dự kiến nhu cầu nguồn lực để thực hiện quy hoạch là khoảng 199.767 tỷ đồng trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 53.638 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách Nhà nước 146.129 tỷ đồng.
Kế hoạch sẽ thực hiện trên địa bàn TP. Thái Bình theo phạm vi nghiên cứu, lập quy hoạch chung với thời gian đến năm 2035; đảm bảo định hướng phát triển theo tầm nhìn đến năm 2050.
TP. Thái Bình cần gần 200.000 tỷ đồng để thực hiện quy hoạch
Tuân thủ định hướng phát triển thành phố theo 2 cực, với việc lấy sông Trà Lý làm trục cảnh quan trung tâm, tạo động lực phát triển lan tỏa ra các khu vực xung quanh, để từng bước mở rộng không gian đô thị.
Cụ thể, cực phát triển số 1 tại phía Nam sông Trà Lý định hướng cải tạo chỉnh trang dân cư; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết hợp đầu tư xây dựng tiện ích đô thị, công trình hạ tầng xã hội. Cực phát triển số 2 tại phía Bắc sông Trà Lý được định hướng quy hoạch là khu trung tâm hành chính thể thao, văn hóa cấp tỉnh, quảng trường Thái Bình, công viên cây xanh, hồ nước, kết hợp nhà ở có mật độ thấp, nhằm khai thác tối đa điều kiện tự nhiên.
Đồng thời, phát triển mở rộng không gian đô thị, di dời các cụm công nghiệp, nhà máy xử lý rác thải, bến bãi vật liệu xây dựng công trình, nhà ở tại bãi sông, cải tạo bãi sông... để triển khai thực hiện dự án phát triển đô thị ven sông Trà Lý, tạo không gian đô thị mở, khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế cảnh quan ven sông, tạo động lực phát triển.
Theo UBND tỉnh Thái Bình, trên cơ sở kế hoạch được ban hành sẽ cụ thể hóa những nội dung quy hoạch chung được duyệt thông qua việc lập mới, rà soát điều chỉnh các quy hoạch cấp dưới; với nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thành lập mới, điều chỉnh, bổ sung các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Ngoài ra, cũng tập trung phát triển hạ tầng xã hội trong đó, thu hút đầu tư các dự án thương mại dịch vụ phía Bắc tuyến tránh SI tại xã Tân Bình, Phú Xuân và Đông Hòa, hình thành trung tâm mua sắm, tổ hợp thương mại, hệ thống siêu thị, hệ thống khách sạn, cơ sở lưu trú, trung tâm hội nghị, dịch vụ vui chơi giải trí kết hợp các khu ở ven sông Trà Lý…
Triển khai đầu tư xây dựng khu công viên sinh thái, công viên cây xanh tập trung trên địa bàn, tạo môi trường xanh, nâng cao chất lượng sống của người dân như: Khu công viên sinh thái phường Hoàng Diệu (giai đoạn 2), khu công viên ổi Bo; quy hoạch, xây dựng khu công viên cấp đô thị tại xã Đông Hòa, phường Phú Khánh (một phần khu công nghiệp Phúc Khánh hiện trạng)...
Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án phát triển nhà ở thương mại, nhằm mở rộng không gian đô thị, khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo quỹ nhà ở mới thu hút dân cư, tăng tỷ lệ đô thị hóa, nâng cao chất lượng đô thị.
Giai đoạn trước mắt tập trung thực hiện các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đặc biệt chú trọng đến dự án trọng điểm phát triển đô thị hai bên sông Trà Lý theo chỉ đạo của tỉnh như: Dự án phát triển đô thị tại xã Đông Hòa, xã Tân Bình và phường Tiền Phong, khu vực trung tâm thành phố thuộc phường Bồ Xuyên và phường Lê Hồng Phong, các dự án phát triển nhà ở tại phường Hoàng Diệu...
Thành phố Thái Bình là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, quốc phòng... của tỉnh và cũng là 1 trong 8 thành phố của Vùng duyên hải Bắc Bộ. Thành phố Thái Bình có diện tích 67,71km², nằm cách Thủ đô Hà Nội 110km, đồng thời là đầu mối giao thông của tỉnh; thuận lợi giao lưu với các tỉnh, thành phố trong vùng như Hải Phòng, Nam Định, đồng bằng sông Hồng qua quốc lộ 10.