Thanh tra TP.HCM chỉ ra loạt sai phạm tại 2 công ty thành viên SAGRI
2 công ty thành viên của Tổng công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) được TP.HCM giao hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp để phục vụ sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nhưng hiệu quả bết bát và có nhiều sai phạm trong quản lý.
Thanh tra TP.HCM vừa có kết luận chỉ ra nhiều thiếu sót, sai phạm về việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý sử dụng đất đai; quản lý và sử dụng vốn nhà nước; thực hiện dự án tại Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM (Công ty Bò sữa) và Công ty TNHH MTV Cây trồng TP.HCM (Công ty Cây trồng) năm 2018.
Hai công ty này có 100% vốn nhà nước, trước đây trực thuộc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI). Năm 2018, hai công ty tách ra khỏi SAGRI và trở thành công ty 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM.
Công ty Cây trồng quản lý gần 2.500 ha đất để kinh doanh, sản xuất nhưng vẫn lỗ
Mới đây, Thanh tra TP HCM đã có thông báo kết luận việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý sử dụng đất đai; quản lý và sử dụng vốn nhà nước; thực hiện dự án tại Công ty Cây trồng TP.HCM năm 2018.
Kết quả thanh tra cho thấy, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018, công ty lãi hơn 2,1 tỷ đồng chủ yếu tiền gửi ngân hàng, riêng các ngành sản xuất chính bị lỗ.
“Đến thời điểm 31/12/2018, công ty chưa trích lập quỹ dự phòng công nợ phải thu khó đòi số tiền hơn 4,6 tỷ đồng. Việc thực hiện đối chiếu công nợ chưa đầy đủ đối với khoản nợ hơn 3,7 tỷ đồng (chiếm 56% nợ phải thu).
Về thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước, Công ty Cây trồng TP.HCM còn nợ tiền thuê đất hơn 200 tỷ đồng (do truy thu tiền thuê đất và lãi phạt chậm nộp)”, kết luận thanh tra chỉ rõ.
Thanh tra TP HCM vừa có kết luận chỉ ra nhiều thiếu sót, sai phạm về việc chấp hành các quy định pháp luật đối với Công ty Cây trồng TP.HCM.
Trong lĩnh vực quản lý đất đai, Công ty Cây trồng TP.HCM được Nhà nước giao quản lý, sử dụng diện tích hơn 2.480 ha, chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình sử dụng, công ty cho thuê tài sản gắn liền với đất chưa đúng quy định; bàn giao 5,7 ha đất cho một số hộ dân khi giải quyết khiếu nại nhưng chưa làm thủ tục đăng ký biến động đất đai, việc bàn giao khoảng 7,600 ha đất theo các văn bản đề nghị của UBND huyện Bình Chánh khi chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất…
Đối với diện tích đất đã bàn giao khoảng 296,400 ha để thực hiện các dự án: Bệnh viện Chợ Rẫy (cơ sở 2), Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3... đến nay vẫn chưa lập thủ tục đăng ký biến động đất theo quy định.
Ngoài ra, Công ty Cây trồng vẫn chưa lập thủ tục đăng ký biến động đất theo quy định (giảm diện tích đất) trong việc có trách nhiệm phải bàn giao lại đất cho các đơn vị thực hiện dự án gồm: dự án bệnh viện Chợ Rẫy (cơ sở 2, 9,6 ha), Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (217 ha), khu dân cư tái định cư liền kề Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (69 ha).
Thanh tra TP HCM chỉ ra dù Công ty Cây trồng được TP giao 1.694 ha đất thuê có thời hạn 50 năm nhưng vẫn chưa thực hiện ký hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên - Môi trường.
Từ đó, Chủ tịch UBND TP HCM đã chỉ đạo xử lý. Trong đó có một số nội dung như, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân với những tồn tại, thiếu sót và vi phạm theo như kết luận thanh tra đã nêu. Chấn chỉnh công tác quản lý tài chính kế toán, thực hiện rà soát xác định diện tích đất mà Công ty Cây trồng đang quản lý, sử dụng.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao cho Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, đề xuất hình thức xử lý các tổ chức, cá nhân thời kỳ có liên quan của SAGRI, Công ty Cây trồng về các sai phạm liên quan trong quan lý, sử dụng đất đai, quản lý vốn, tài sản và thực hiện các dự án.
Hàng loạt sai phạm tại Công ty Bò sữa
Đối với Công ty Bò sữa, Thanh tra TP.HCM cho biết, Công ty Bò sữa được Nhà nước giao quản lý, sử dụng số lượng diện tích đất hơn 3.390 ha, chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp nhưng đã sử dụng không hiệu quả.
Cụ thể, đơn vị triển khai dự án “Chăn nuôi bò giống, bò thịt” ở tỉnh Lâm Đồng không mang lại hiệu quả, lỗ luỹ kế đến năm 2015 là hơn 11 tỷ đồng và phải bán dự án. Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Bò sữa thành phố chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính chuyển mục đích sử dụng hơn 2.800m2 đất nông nghiệp sang đất chuyên dùng và xin phép thiết kế xây dựng mà tiến hành xây dựng văn phòng làm việc, chuồng trại, nhà kho trên đất là vi phạm pháp luật đất đai.
Đồng thời, khi chuyển nhượng dự án và chuyển đàn bò về lại TP.HCM vào năm 2016, Công ty Bò sữa và SAGRI không báo cáo UBND thành phố. Công ty Bò sữa TP.HCM còn sử dụng đất sản xuất nông nghiệp theo hình thức đất thuê trả tiền thuê hàng năm chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Công ty Bò sữa TP.HCM mắc nhiều sai phạm về quản lý đất đai, đầu tư dự án không hiệu quả.
Trách nhiệm này thuộc về chủ tịch hội đồng thành viên, kiểm soát viên, tổng giám đốc, kế toán trưởng, phụ trách dự án của SAGRI; chủ tịch hội đồng thành viên, kiểm soát viên, giám đốc, kế toán trưởng, phụ trách dự án và cá nhân liên quan của Công ty Bò sữa thành phố thời kỳ có liên quan cần phải kiểm điểm nghiêm túc.
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến sữa Củ Chi thời gian thực hiện trong 2 năm (2013 và 2014) nhưng đến nay mới đầu tư 14 tỷ đồng/273 tỷ đồng, chỉ đạt 5,1% dự toán (chủ yếu là chi phí nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mặt tiền của dự án và xây dựng hàng rào bao quanh dự án).
Đến nay, dự án chậm tiến độ và tạm ngưng thực hiện theo ý kiến của Tổng giám đốc SAGRI mà không báo cáo thông qua Hội đồng thành viên Tổng công ty, gây lãng phí, không phát huy hiệu quả vốn đầu tư.
Điều đáng nói, Công ty Bò sữa còn tham gia góp vốn thực hiện dự án trồng 10.000ha cây cao su tại Lào nhưng chỉ trồng được 2.800ha. Sau đó đã có 1.800ha cây cao su bị chết, chỉ còn quản lý khai thác thực tế 1.000ha, dự án hiện gặp nhiều khó khăn.
Trong đó, Công ty Bò sữa góp 27 tỷ đồng (từ năm 2009 đến năm 2015), tương đương 8,6% vốn đã góp. Các đơn vị trực thuộc UBND TP.HCM đã góp 225,7 tỷ đồng/312,9 tỷ đồng, chiếm 72,1% chi phí đầu tư cho dự án.
Do đó, Thanh tra thành phố thấy cần kiểm tra kết quả việc góp vốn thực hiện dự án của các cổ đông góp vốn trực tiếp để đánh giá toàn diện hiệu quả đầu tư dự án, xác định trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để có biện pháp xử lý sai phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND TP.HCM đã thống nhất giao Chủ tịch hội đồng thành viên và Giám đốc Công ty Bò sữa thành phố kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra các sai phạm.
Giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối họp với cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, đề xuất hình thức xử lý các tổ chức, cá nhân thời kỳ có liên quan của SAGRI, Công ty Bò sữa thành phố về các sai phạm liên quan trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý vốn, tài sản và thực hiện các dự án như đã nêu tại kết luận thanh tra.
Giao Thanh tra Thành phố trao đổi với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng để kiểm tra, làm rõ về giá chuyển nhượng dự án chăn nuôi bò sữa tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng theo chứng thư thẩm định giá, đề xuất UBND thành phố chỉ đạo xử lý theo quy định.