Thế khó của chính sách tiền tệ

Qua năm sóng gió 2022, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, có lúc phải đối mặt với quyết định cân não khi điều hành chính sách tiền tệ phải cân đối giữa các mục tiêu đan xen, thậm chí có thời điểm mâu thuẫn nhau… Thử thách này tiếp tục trong 2023 với yêu cầu: “cân bằng hợp lý, hiệu quả giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Cảnh báo từ Thống đốc

Cuộc họp tổng kết năm 2022 của Chính phủ với các địa phương, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát đi cảnh báo: “Nếu quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể gây hệ lụy và rủi ro trong tương lai vì các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo”. Thống đốc lưu ý, chính sách tiền tệ với bản chất là ngắn hạn nên cần hạn chế sử dụng để giải quyết các vấn đề mang tính trung dài hạn. Chính sách tiền tệ ngoài việc góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì nhiệm vụ quan trọng là phải đảm bảo an toàn hệ thống”.

Câu chuyện của Thống đốc xuất phát từ chính thực tế “khốc liệt” trong 2022 của chính sách tiền tệ khi cùng một lúc chịu áp lực bởi xu hướng tăng lạm phát, lãi suất, đồng USD trên phạm vi toàn cầu và những khó khăn của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp ở trong nước.

“Một loạt bài toán khó đặt ra là làm thế nào để điều hành tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà vẫn phải bảo đảm an toàn hệ thống trong khi một số chỉ tiêu tiền tệ như tỉ lệ tín dụng/huy động vốn và dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo; làm thế nào ổn định được thị trường ngoại hối khi nền kinh tế của ta có độ mở cửa lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đồng USD tăng giá mạnh…”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Phân tích rõ hơn sau đó, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà nói, Việt Nam là nền kinh tế nhỏ với độ mở lớn, biến động về giá cả, lạm phát, lãi suất, tỷ giá trong nước và diễn biến bất trắc từ thị trường quốc tế đặt ra thách thức rất lớn. Lạm phát nhập khẩu làm tăng chi phí sản xuất, gây sức ép lên lạm phát trong nước Trong khi đó, nhu cầu về vốn phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch gia tăng áp lực lên tín dụng ngân hàng. Hiện nay, vốn đầu tư trung dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, do đó hệ thống các TCTD đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn.

Lường trước thách thức 2023, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng chính sách tiền tệ năm 2023 sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Mặt bằng lạm phát, lãi suất cao và sự dịch chuyển dòng vốn vẫn sẽ tiếp tục duy trì trên toàn cầu. Vì vậy, áp lực lạm phát nhập khẩu và tỷ giá là rất lớn trong năm 2023.

Ông Quang cung cấp thêm các con số, với tốc độ GDP tăng khoảng 6-7% hàng năm mà chúng ta duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 12% sẽ gây áp lực rất lớn tới an toàn hệ thống tài chính. Số liệu của NHNN cho thấy, tín dụng trong năm 2022 ước tăng 14,5% so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn định hướng tăng trưởng tín dụng 15,5-16% mới được điều chỉnh vào đầu tháng 12/2022.

Nhắc lại tình huống 2022 và cảm nhận 2023, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nói, mặc dù lạm phát bình quân năm 2022 được kiểm soát dưới 4%, nhưng lạm phát cơ bản tăng nhanh, đột biến từ 0,66% tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm 2021 lên trên 5% vào tháng 12/2022, cho thấy thách thức rất lớn trong kiểm soát lạm phát năm 2023. Trong bối cảnh đó, điều hành CSTT phải cân đối giữa các nhiệm vụ, mục tiêu đan xen, thậm chí có thời điểm mâu thuẫn nhau trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, duy trì niềm tin của nhà đầu tư và người dân…

Thế khó của năm 2023

Ngay đầu năm 2023, Chính phủ có Nghị Quyết 01 đặt ra yêu cầu: “Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác; điều hành kịp thời các công cụ chính sách vĩ mô, tài khóa, tiền tệ để cân bằng hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn”.

Trong Chỉ thị số 01/CT-NHNN, Thống đốc NHNN cũng xác định mục tiêu đầu tiên là điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2023 bình quân khoảng 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ trưởng kinh tế hợp lý.

Thế khó của chính sách tiền tệ - Ảnh 1

Những dấu ấn biến động 2022 vẫn in đậm trong điều hành tiền tệ như: lãi suất tăng, tỷ giá và dự trữ ngoại hối, tiềm ẩn vấn đề thanh khoản hệ thống… cùng với đó lạm phát ở Mỹ dù có dấu hiệu dịu bớt, song lãi suất tiếp tục tăng là điều đang được trù tính, các bất ổn chính trị - kinh tế toàn cầu chưa chấm dứt… thì đòi hỏi: “Cân bằng” được hợp lý giữa lãi suất với tỷ giá, yêu cầu kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là bài toán khó cho chính sách tiền tệ.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, một lần nữa lại dồn gánh nặng lên hệ thống ngân hàng, đặc biệt khi thị trường chứng khoán đã suy giảm và khó khăn kéo dài cho đến nay; kênh dẫn vốn trái phiếu doanh nghiệp không những chậm lại mà còn áp lực đáo hạn lớn. Trong khi đó, tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã lên tới khoảng 124%, thuộc hàng cao trên thế giới. Còn các ngân hàng đang lao vào cuộc đua lãi suất khi tín dụng đã tăng gấp 3 lần huy động vốn trong năm qua. Điều này, theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, nếu tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cao như những năm trước đây sẽ rất rủi ro cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

Và như thế, cái đan xen và mâu thuẫn như lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chia sẻ để làm sao “cân bằng” cùng lúc đa mục tiêu quả là cân não nhằm đảm bảo cân bằng giữa các mục tiêu, nhất là trong điều kiện dư địa CSTT khá hạn hẹp.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, năm 2023 chắc chắn sẽ là một năm không dễ dàng đối với kinh tế Việt Nam. Đầu tiên là nguy cơ suy thoái toàn cầu có thể kéo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại. Tiếp theo là áp lực về lạm phát gia tăng trong khi đó, dư địa để NHNN nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế gần như không còn. Nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm 2023 là phải kiểm soát được lạm phát. Nếu để xảy ra tình trạng lạm phát cao, lãi suất sẽ tăng theo, tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, theo đó tín dụng sẽ bị thu hẹp.

Nhấn mạnh mục tiêu xuyên suốt là điều hành chính sách tiền tệ kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, từ những kinh nghiệm trong một năm khó khăn vừa qua, lãnh đạo NHNN cho biết, độ trễ của tác động lạm phát nhập khẩu đối với nước ta còn lớn, nên điều hành CSTT không thể chủ quan với các rủi ro này. Để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế thì tín dụng, lãi suất, tỷ giá, các giải pháp, công cụ CSTT khác sẽ được NHNN điều hành rất đồng bộ, linh hoạt nhưng không xa rời mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững vị thế đồng tiền Việt Nam.

Mai Hà

Theo VietnamFinance