Thêm gói 30.000 tỷ đồng tăng ưu đãi mua nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng thông tin về việc đề xuất thêm gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, với nhiều ưu đãi hơn cho người mua.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2024, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.”
Đề án trên có mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn (giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn).
Thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng và các bộ liên quan đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện.
Trong đó có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội. Gói này được triển khai trên tinh thần các ngân hàng chủ động cân đối, ngân sách không hỗ trợ nên ưu đãi lãi vay ngắn, 3 năm cho chủ đầu tư, 5 năm cho người mua.
Lý giải việc chậm giải ngân gói 120.000 tỷ đồng, ông Vương Duy Dũng cho rằng, gói này có thời gian ưu đãi khá ngắn cho cả người mua và chủ đầu tư nên không hấp dẫn.
Ông Dũng thẳng thắn cho biết mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất nhưng thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) chưa thực sự thu hút người vay; nguồn vốn này do các ngân hàng thương mại chủ động cân đối, không có ngân sách hỗ trợ (các ngân hàng thương mại phải chịu áp lực về lợi nhuận tối thiểu, phòng tránh rủi ro theo pháp luật về tín dụng).
Các chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay đối với nhà ở xã hội hiện quá cao so với thực tế và kiến nghị cần có mức lãi suất hợp lý, thời gian nên kéo dài từ 10-15 năm thay vì 5 năm như hiện nay.
“Nếu so sánh thì nguồn vốn đề xuất 30.000 tỷ đồng (dùng vốn ngân sách) sẽ đáp ứng mục tiêu nhiệm vụ chính trị của nhà nước trong việc quan tâm, đảm bảo công tác an sinh, xã hội về nhà ở. Mặt khác, với nhu cầu vốn đến năm 2030 được nêu tại Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội (khoảng 500.000 tỷ đồng) thì nguồn vốn 120.000 tỷ mới chiếm khoảng 24%,” ông Dũng phân tích.
Do đó, để tăng ưu đãi, Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng nghiên cứu gói 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, trong đó có 15.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, 15.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ người thu nhập thấp, công nhân mua nhà ở xã hội. Qua đó giúp người thu nhập thấp có thể tiếp cận được vốn rẻ để mua nhà.
Cũng theo ông Dũng, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng phải được triển khai phù hợp với pháp luật khác, vì thế Bộ Xây dựng đang làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để sớm triển khai gói tín dụng này.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau hơn một năm triển khai, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được gần 1%, tức khoảng 1.344 tỷ đồng. Trong số này 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án và còn lại là cho người mua nhà.
Nguồn vốn cho gói tín dụng 120.000 tỷ là từ 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank). Hiện nay có thêm 4 ngân hàng tư nhân là TPBank, VPBank, MBBank và Techcombank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng (nâng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất lên 140.000 tỷ đồng).