Thị xã rộng bằng 9 quận trung tâm Hà Nội, là nơi khởi nguồn bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam
Từ ngày 1/2/2024, thị xã này có quy mô 171 km2, ngang với diện tích 9 quận trung tâm Hà Nội, dân số gần 230.000 người.
Sáng 13/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết thành lập thị xã Việt Yên và các xã phường trực thuộc. Sau khi thành lập, thị xã có 9 phường và 8 xã. TAND và VKSND thị xã Việt Yên được thành lập trên cơ sở kế thừa TAND và VKSND huyện Việt Yên.
Từ ngày 1/2/2024, thị xã Việt Yên có quy mô 171km2, ngang với diện tích 9 quận trung tâm Hà Nội (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Long Biên, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm), dân số gần 230.000 người.
Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý nâng từ xã và thị trấn lên phường đối với 9 đơn vị hành chính thuộc thị xã Việt Yên gồm: Bích Động, Nếnh, Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu và Tự Lạn.
Tận dụng tối đa tiềm năng và các lợi thế
Thị xã Việt Yên phát triển theo định hướng thông minh, hiện đại, bản sắc và bền vững trên cơ sở quy hoạch đi trước một bước và quản lý chặt chẽ sự phát triển theo quy hoạch.
Đồng thời, thị xã Việt Yên khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ và chuyển đổi số; lấy kinh tế công nghiệp là trọng điểm, dẫn dắt kinh tế đô thị, dịch vụ và nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội số; huy động đa dạng các nguồn lực.
Tỉnh Bắc Giang phấn đấu huyện Việt Yên trở thành thị xã trước năm 2025. Đến năm 2027, thị xã Việt Yên đạt tiêu chí đô thị loại III và đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Giang với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60-75% và đạt tỷ lệ đô thị hóa khoảng 75-85% vào năm 2045.
Đô thị Việt Yên được xây dựng dựa trên tiềm năng lợi thế, vị trí địa lý, khung hạ tầng hiện có, với “cấu trúc đa trung tâm hình thành 1 tâm và 4 cực phát triển” và mô hình tập trung kết hợp phân tán để phát triển đô thị. Trung tâm đô thị được xác định ở khu vực đô thị hiện hữu phát triển theo dạng lan tỏa mở rộng. Vùng trung tâm kết nối với sông Cầu kiến tạo trục không gian chức năng đô thị đa tiện ích.
Miền đất "địa linh nhân kiệt" - nơi khởi nguồn của bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta
Việt Yên là một vùng đất cổ, giàu truyền thống lịch sử văn hóa, là địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Giang, nằm giữa hai con sông thơ mộng là Sông Cầu và Sông Thương.
Thị xã nằm trung tâm trên con đường chiến lược của tỉnh Bắc Giang nối Lạng Sơn với Bắc Ninh và thủ đô Hà Nội, là miền đất được xem như phên dậu, cửa ải phía Đông Bắc Tổ quốc, đồng thời có sông Cầu là giao thông huyết mạch cắt ngang địa hình, phân cách với tỉnh Bắc Ninh.
Việt Yên còn là nơi bảo lưu nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của nhân loại và của quốc gia. Với tổng số 341 di tích, trong đó có 99 di tích đã được xếp hạng gồm: 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 19 di tích cấp quốc gia và 78 di tích cấp tỉnh.
Có 02 điểm du lịch cấp tỉnh (Điểm du lịch chùa Bổ Đà; Điểm du lịch sinh thái Trường Đại học Nông-Lâm). Gắn liền với các di tích là 134 lễ hội truyền thống; 03 lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội Bổ Đà, Thổ Hà, Vật cầu nước làng Vân).
Huyện Việt Yên cũng có nhiều ngôi làng truyền thống, làng hiếu học như: “Làng tiến sĩ” Yên Ninh, thuộc thị trấn Nếnh, có 10 người con của Làng đỗ tiến sĩ, khai khoa đầu tiên là Tiến sĩ Thân Nhân Trung. Có làng cổ Thổ Hà; Mây tre đan Tăng Tiến; Làng Vân (Yên Viên) và nhiều địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái như khu Khe bàn xã Vân Trung, Núi Mỏ Thổ xã Minh Đức...
Bên cạnh đó, nhiều nét văn hoá khác vô cùng độc đáo, không nơi đâu có được:
Chợ Thổ Hà (Việt Yên) vào loại lớn nhất của trấn Kinh Bắc thời Lê. Một vùng đất lịch sử - Địa linh nhân kiệt: Với phòng tuyến sông Cầu, nơi chặn đứng quân xâm lược phương Bắc, nơi khởi nguồn bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam “Sông Núi nước Nam” trên dòng sông Như Nguyệt.
Nơi có 18 làng Quan họ cổ đã được UNESCO vinh danh và khoảng 50 câu lạc bộ Dân ca Quan họ thực hành. Việt Yên là huyện có nhiều làng Quan họ nhất ở vùng văn hóa Kinh Bắc. Một vùng quê giàu bản sắc văn hóa (Dân ca Quan họ bờ Bắc sông Cầu, Tuồng cổ Thổ Hà, chèo Hoàng Mai…).
Nơi sinh ra nhà tư tưởng lỗi lạc, Tiến sĩ Thân Nhân Trung với câu nói nổi tiếng “Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia”; nhà Kinh tế lỗi lạc: Hán Quận Công Thân Công Tài, là một viên quan của Vương triều Lê Trung Hưng, nổi tiếng với chiến lược phát triển kinh tế vùng biên ải thời phong kiến của Việt Nam, là một trong hai vị đứng ra lập chợ Kỳ Lừa (Lạng Sơn).
Một số điểm đến thu hút du khách thập phương:
1. Chùa Bổ Đà
Chùa Bổ Đà là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt. Lễ hội chùa Bổ Đà cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Bộ Mộc bản kinh phật khắc trên gỗ thị tại chùa Bổ Đà cổ nhất thế giới và được công nhận là Bảo vật Quốc gia (hiện còn lưu giữ 1935 tấm mộc bản kinh sách Phật cổ nhất hiện nay về thiền phái Lâm Tế).
Vườn tháp chùa Bổ Đà lớn và đẹp nhất Việt Nam (với trên 100 ngôi tháp). Các ngôi tháp mộ xếp hàng hàng, lớp lớp và được xây dựng theo những quy định riêng và rất chặt chẽ của thiền môn. Mỗi cây tháp ít nhất cũng an táng từ 4 đến 26 thi hài, tổng cộng có gần 2000 tro cốt, xá lỵ).
Cây Đa và cây Vối chùa Bổ Đà là Cây di sản Việt Nam. Chùa Bổ Đà là Điểm du lịch cấp tỉnh.
2. Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung
Thân Nhân Trung (1419-1499), ông sinh ra và lớn lên ở vùng đất Yên Ninh xưa, thuộc phủ Lạng Giang, Trấn Kinh Bắc (nay là Tổ dân phố Yên Ninh, Thị trấn Nếnh), đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1469), dưới triều vua Lê Thánh Tông.
Ông từng giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình, từng làm quan tới chức Thượng Thư, nhiều năm là thầy dạy học cho Thái tử và được lựa chọn vào danh sách được bàn những chuyện cơ mật của triều đình.
Đền thờ Danh nhân Văn hóa, Tiến sĩ Thân Nhân Trung, là công trình tín ngưỡng tiêu biểu, tọa lạc ở Tổ dân phố Yên Ninh, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Chủ trương đầu tư năm 2015 và khởi công xây dựng năm 2016. Ngày 8/11/2021 âm lịch, UBND huyện Việt Yên đã tổ chức Lễ an vị tượng.
Đền được thiết kế theo kiểu chữ Đinh, trên khuôn viên khoảng 2,5ha, gồm các hạng mục: Đền thờ Thân Nhân trung, sân hành lễ, tả vủ, hữu vu, hồ bán nguyệt, nghi môn nội, nghi môn ngoại, tháp bút, lầu bát giác, cây xanh cảnh quan và các công trình phụ trợ khác... Nội thất và đồ thờ trong Đền được làm bằng 3 chất liệu chính: Gỗ, đá tự nhiên và Hợp kim đồng. Trước khi bái lễ Danh Nhân Thân Nhân Trung, các đoàn tham quan thắp hương tại Ban Công Đồng.
3. Đền thờ Hán quân công Thân Công Tài
Hán quận công Thân Công Tài (1620-1683), ông sinh ra và lớn lên ở xã Như Thiết, huyện Yên Dũng xưa, nay là xóm Ga, thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, một vùng quê giàu truyền thống về khoa bảng.
Ông là một Danh nhân lịch sử văn hóa tiêu biểu của dân tộc, một nhà chính trị- quân sự - nhà ngoại giao - kinh tế đại tài cuối thế kỷ 17. Ông đã cùng với Vũ quận công Vi Đức Thắng là người bản địa, đứng ra lập chợ Kỳ Lừa (Tỉnh Lạng Sơn), làm nơi buôn bán giao lưu hàng hóa giữa hai nước Đại Việt và Trung Quốc.
Khu di tích Mộ và Đền thờ Thân Công Tài được tu bổ, trên khuôn viên mở rộng khoảng 5.700m2 bao gồm khu ngoại vi gồm các hạng mục: Cổng chính, Phương Đình, cầu cảnh, hồ sen, cổng phụ, nhà đón tiếp, khu nhà Ban quản lý, khu vệ sinh; Khu Nội vi gồm các hạng mục: Nghi môn, Bình phong, nhà sắp lễ, nhà che mộ, Đền thờ, nhà thủ từ, nhà bếp, công trình phụ trợ, lầu hóa sớ
Ngày 23/3/2022, UBND huyện Việt Yên đã tổ chức Lễ an vị Tượng thờ và khánh thành Đền thờ Hán Quận công Thân Công Tài tại Xóm Ga, thôn Như Thiết, xã Hồng Thái.
Tại Việt Yên: Lễ hội được tổ chức vào ngày 11/8 âm lịch (chính là ngày mất của ông) hàng năm, tại Đền thờ Thân Công Tài (xã Hồng Thái).
Tại Lạng Sơn: Lễ hội đầu pháo Kỳ Lừa được tổ chức từ ngày 22 đến 27 tháng giêng âm lịch tại đền Tả Phủ, chợ Kỳ Lừa, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn để tưởng nhớ và tôn vinh công đức của Hán quận công Thân Công Tài.
4. Làng cổ Thổ Hà
Tháng 1/2021, Hợp tác xã (HTX) Du lịch làng cổ Thổ Hà, xã Vân Hà được thành lập với 8 thành viên. Với bề dày truyền thống của quê hương, HTX đã xây dựng tuyến tham quan phù hợp. Thông thường du khách sẽ trải nghiệm ở khu vực làng nghề làm bánh đa nem, mỳ gạo, sản xuất đồ gốm, sau đó di chuyển đến các ngôi nhà cổ để chiêm ngưỡng.
Sắp tới, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội như facebook, zalo; tăng cường kết nối với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh.
5. Điểm du lịch sinh thái Nông nghiệp - Đại học Nông Lâm Bắc Giang
Ngày 17/4/2022 tổ chức Khai mạc Điểm du lịch sinh thái với cảnh quan tự nhiên, sinh thái độc đáo, nổi bật hiếm thấy ở khu trường Đại học nào.
Dù mới thành lập song Điểm du lịch sinh thái Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang được đánh giá như một điểm sáng về các dịch vụ trải nghiệm thực tế nông trại. Đây là điểm đến lý tưởng dành cho du khách, nhất là các bạn trẻ. Với khoảng không gian rộng lên đến gần 30 ha và các dịch vụ trải nghiệm đa dạng, du khách đến đây sẽ có cơ hội hòa mình với thiên nhiên, thăm khu bảo tồn hệ sinh thái chim nước hơn 10 nghìn cá thể với 14 loài chim; vườn nho sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên ở Miền Bắc; hồ câu cá; khu vui chơi dưới nước; các vườn hoa rực rỡ sắc màu theo mùa.