Thu thuế 20% trên lãi chứng khoán: Quá cao và chưa phù hợp?
Đề xuất áp thuế 20% lãi chuyển nhượng chứng khoán gây nhiều tranh cãi. Dù được cho là công bằng nhưng nhiều ý kiến cho rằng mức 20% khá cao, chưa phù hợp.
Áp thuế quá cao, lo nhà đầu tư rời bỏ thị trường
Bộ Tài chính đề xuất cá nhân chuyển nhượng chứng khoán sẽ chịu mức thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế - xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý. Nếu không xác định được giá mua và chi phí, số thuế sẽ bằng tỷ lệ 0,1% nhân với giá bán chứng khoán theo từng lần, tức theo quy định hiện hành.
Nhiều chuyên gia đồng tình với việc sửa cách tính thuế với chuyển nhượng chứng khoán.
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, đánh giá đề xuất thu thuế chứng khoán theo hai lựa chọn trên là "một nỗ lực đáng ghi nhận để tiến tới công bằng và hiệu quả". Theo ông Huy, cách tính thuế cào bằng 0,1% giá bán đang áp dụng dễ thực hiện nhưng thiếu công bằng khi người lỗ vẫn đóng thuế.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết quy định thuế này là hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây là cách mà hầu hết thị trường lớn đang áp dụng. Nguyên tắc cơ bản là có thu nhập mới phải nộp thuế. Đó là sự công bằng trong đầu tư.
Dù được cho là công bằng hơn cho nhà đầu tư nhưng nhiều chuyên gia cho rằng mức thuế 20% là quá cao và chưa phù hợp với thị trường chứng khoán Việt Nam ở giai đoạn hiện nay.
Đại diện một số công ty chứng khoán cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đa số là nhà đầu tư nhỏ lẻ, nắm giữ ngắn hạn. Thị trường chứng khoán Việt 99,8% thuộc về nhà đầu tư cá nhân.
Thị trường chứng khoán Việt Nam không so sánh được với các thị trường phát triển. Mức thuế 20% cao hơn nhiều nước đang áp dụng.
Indonesia áp dụng mức thuế khấu trừ tại nguồn 0,1% trên doanh thu từ chuyển nhượng cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán. Philippines thu thuế 0,6% trên giá trị giao dịch.
Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc điều hành bộ phận Môi giới khách hàng tổ chức và Tư vấn đầu tư của Chứng khoán SBB (SBBS), chia sẻ: Nhiều nước đang áp dụng mức thuế 10-15% với các khoản lãi chứng khoán. Nếu Việt Nam áp ngay mức 20% mà không có lộ trình thì nhà đầu tư sẽ phản ứng tiêu cực.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu đề xuất mức thuế 20% trên lãi chuyển nhượng chứng khoán được thực thi sẽ tác động mạnh tới thị trường.
Ông Bùi Nguyên Khoa - Phó giám đốc Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán BSC - nhận định đề xuất áp thuế 20% trên phần lãi chuyển nhượng chứng khoán là khá cao so với mặt bằng chung và mức thuế hiện hành 0,1% trên giá trị giao dịch. Theo ông, mức thuế mới nếu áp dụng đại trà, không phân biệt thời gian nắm giữ... sẽ gây ảnh hưởng khá lớn đến thị trường.
Đồng quan điểm, ông Phan Văn Nhân, Công ty Chứng khoán SSI, nhận định mức thuế đề xuất 20% đánh trên lãi chuyển nhượng chứng khoán là quá cao và không khả thi. Nếu áp dụng, có thể nhiều nhà đầu tư sẽ rời bỏ thị trường.
Ông Nhân cũng lưu ý cổ phiếu Việt Nam biến động rất mạnh, tăng nhanh rồi xuống nhanh, nếu áp thuế ở mức cao sẽ tạo thêm khó khăn. Còn tại một số quốc gia, như Mỹ, cổ phiếu lớn tăng theo thời gian, có khi cả thập kỷ, cùng với sự phát triển của doanh nghiệp.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán cho rằng với một thị trường chứng khoán còn non trẻ như Việt Nam nên khuyến khích, nuôi dưỡng nguồn thu để có nguồn thu lớn hơn trong tương lai vì thị trường này còn nhiều dư địa phát triển.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng mức thuế 20% trên lãi chuyển nhượng là quá cao, không khuyến khích người dân tham gia thị trường chứng khoán.
Đề xuất các giải pháp
Theo ông Nguyễn Anh Đức, nhà điều hành cần định nghĩa như thế nào là lãi. Ví dụ, nhà đầu tư lỗ 1 tỷ đồng vào năm ngoái, lãi 100 triệu đồng vào năm nay thì tổng thể tài khoản của họ vẫn đang âm. Nhưng theo cách tính thuế mới, khoản lãi 100 triệu đồng đó vẫn bị đánh thuế.
Ông Đức cho rằng, dự thảo hiện chưa làm rõ liệu các khoản chi phí như phí môi giới, chi phí vay, lãi suất ký quỹ... có được khấu trừ hay không. Việc chưa rõ ràng trong định nghĩa "thu nhập chịu thuế" có thể tạo ra nhiều lúng túng và vướng mắc trong quá trình áp dụng.

Thêm nữa, việc tính toán thuế như theo đề xuất mới sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với cách tự động khấu trừ ngay tại thời điểm giao dịch như hiện nay. Nhiều nhà đầu tư giao dịch cùng lúc ở nhiều tài khoản, nhiều công ty chứng khoán.
Để đảm bảo chính sách thuế, ông Đức đề xuất nhà quản lý cần làm rõ các khái niệm liên quan đến thu nhập chịu thuế, cho phép khấu trừ lỗ theo năm hoặc khuyến khích nhà đầu tư dài hạn bằng cơ chế thuế ưu đãi dựa trên thời gian nắm giữ.
Ông Thế Minh cũng đề xuất áp thuế theo thời gian nắm giữ tài sản. Theo ông Minh, nếu nhà đầu tư giữ cổ phiếu dưới một năm, mức thuế có thể cao hơn so với những người giữ từ 5-10 năm. Cách làm này vừa khuyến khích đầu tư dài hạn vừa hạn chế đầu cơ lướt sóng mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách.
Còn ông Nguyễn Quang Huy kiến nghị nhà điều hành nên xây dựng lộ trình 3-5 năm chuyển sang thuế theo lãi thực tế, đầu tư hệ thống hạ tầng dữ liệu tài khoản chứng khoán quốc gia – kết nối ngân hàng, sàn giao dịch và cơ quan thuế.
Trong ngắn hạn, Nhà nước nên cho phép nhà đầu tư lựa chọn phương thức nộp thuế linh hoạt. Đồng thời, miễn giảm thuế với nhà đầu tư cá nhân nhỏ, đầu tư dài hạn hoặc tái đầu tư trong vòng 12 tháng, để khuyến khích dòng tiền bền vững vào thị trường vốn - nền tảng cho huy động vốn trung - dài hạn của doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Phan Văn Nhân cho rằng vẫn nên duy trì mức thuế 0,1% áp trên giá trị từng lần giao dịch, như vậy sẽ kích thích nhà đầu tư tham gia thị trường.
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đề xuất mức thuế 3%, chỉ tính thuế thu nhập cá nhân khi nhà đầu tư bán chứng khoán có lãi. Theo VAFI, mức 3% là phù hợp, nhằm tạo động lực phát triển thị trường chứng khoán, thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo điều kiện cho hệ thống các doanh nghiệp niêm yết dễ dàng huy động nguồn vốn khổng lồ từ khu vực dân cư và nước ngoài.
Theo nhiều nhà đầu tư, thị trường chứng khoán vốn biến động thất thường, nên cần một chính sách thuế linh hoạt, công bằng và sát với thực tiễn hơn. Thuế suất nên được điều chỉnh phù hợp với thông lệ quốc tế, giới hạn trong khoảng 3-5% trên phần lợi nhuận ròng. Đồng thời, cần áp dụng cơ chế ưu đãi thuế theo thời gian nắm giữ.