Áp thuế TNCN 20% với lãi chứng khoán: Quan trọng là không làm hạn chế dòng chảy vốn

Bên cạnh việc điều tiết thu nhập, chính sách thuế TNCN áp dụng trên thị trường chứng khoán cần được thiết kế theo hướng thúc đẩy sự lưu thông của dòng vốn, đảm bảo sự công bằng, duy trì sự tích cực của nhà đầu tư.

Một trong những điểm thay đổi đáng chú ý trong Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến là phương pháp tính thuế đối với hoạt động đầu tư chứng khoán.

Thay vì áp dụng mức thuế suất cố định 0,1% trên giá bán mỗi giao dịch như hiện hành – tức đánh thuế ngay khi nhà đầu tư bán cổ phiếu, bất kể lãi hay lỗ – Bộ Tài chính đề xuất chuyển sang đánh thuế 20% trên phần lãi ròng, được hiểu là phần chênh lệch dương giữa giá bán và giá mua sau khi khấu trừ chi phí, tính theo năm.

Sự thay đổi này hứa hẹn đem lại sự công bằng hơn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức về kỹ thuật và hạ tầng quản lý.

Liên quan đến vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã có cơ hội ghi nhận ý kiến đánh giá từ các chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán.

Trao đổi với báo chí bên lề Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” do Báo Tài chính – Đầu tư tổ chức sáng nay 23/7, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho hay, mỗi quốc gia đều có mục tiêu về chính sách thuế khác nhau. Do đó, cơ chế điều chỉnh chính sách cũng sẽ khác nhau, tuỳ thị trường.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐTV VSDC
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐTV VSDC

Theo ông Sơn, đối với chính sách thuế trong chứng khoán, Việt Nam và một số quốc gia thực hiện cơ chế đánh thuế trên giao dịch bán cũng như đánh thuế vào cổ tức tiền mặt hoặc cổ tức bằng cổ phiếu. Trong khi đó, một số quốc gia khác thực hiện cơ chế đánh thuế dựa trên thu nhập, lãi ròng hoặc lãi vốn.

“Tôi nghĩ rằng mỗi cơ chế đánh thuế có những ưu, nhược điểm nhất định. Cơ chế mà chúng ta thực hiện từ trước đến nay là đánh thuế 0,1% trên doanh số bán đối với nhà đầu tư có ưu điểm là đơn giản, dễ tính, dễ thực hiện”, Chủ tịch VSDC phân tích.

Cũng theo vị chuyên gia, Việt Nam từng có giai đoạn áp dụng mô hình song song cho nhà đầu tư lựa chọn đánh thuế trên doanh số bán hoặc đánh thuế trên thu nhập vào cuối năm.

Hiện nay, Bộ Tài chính đề xuất phương án đánh thuế trên thu nhập ròng của nhà đầu tư, dựa trên giá mua trừ giá bán và chi phí, phần lãi sẽ phải chịu thuế 20%. Theo đó, nhà đầu tư sẽ phải tính thu nhập dựa trên năm.

Ông Nguyễn Sơn nhấn mạnh, các chính sách thuế với chứng khoán không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư trong nước mà còn cả với nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, để không ảnh hưởng đến dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, cần có định hướng hỗ trợ nhà đầu tư cá nhân hay các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi họ tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Chính sách thuế chỉ để điều tiết thu nhập chứ không nên làm hạn chế dòng chảy vốn, sự tích cực của nhà đầu tư”, ông Sơn lưu ý.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích và Nghiên cứu khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, đề xuất tại dự thảo lần này là phù hợp với thông lệ quốc tế và nhiều khả năng sẽ được thông qua.

“Ở một số nước, hầu hết các loại thu nhập từ vốn đều phải nộp thuế. Tuy nhiên cách thức và phương thức thu thuế của các nước cũng rất khác nhau. Có quốc gia thu theo tỷ lệ phần trăm trên giá chuyển nhượng, có quốc gia thu theo thu nhập có được từ hoạt động chuyển nhượng, có quốc gia áp dụng chính sách thuế khác giữa chứng khoán niêm yết và chứng khoán chưa niêm yết. Ở một số quốc gia, việc miễn/giảm thuế còn được áp dụng đối với các khoản đầu tư dài hạn nhằm khuyến khích đầu tư dài hạn vào thị trường chứng khoán”, ông Minh nói.

So sánh hai phương pháp, đại diện Yuanta Việt Nam chỉ ra rằng, cách thu thuế 0,1% trên giá chuyển nhượng hiện nay tuy đơn giản, dễ áp dụng nhưng thiếu công bằng nhà đầu tư bị lỗ vẫn phải nộp thuế. Điều này tác động tiêu cực tới tâm lý của nhà đầu tư và có thể làm giảm thanh khoản do tăng chi phí giao dịch.

Trong khi đó, cách thu thuế 20% trên lãi đảm bảo công bằng cho nhà đầu tư và không ảnh hưởng đến thanh khoản ngắn hạn, thuận lợi cho giao dịch tần suất cao. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Minh cũng lưu ý rằng, phương pháp này sẽ phức tạp hơn do đòi hỏi phải xác minh được chính xác giá vốn, chi phí và lãi/lỗ.

Tiêu chíThuế 0,1% trên giá trị chuyển nhượngThuế 20% trên thu nhập ròng (lãi)
Cách tính thuế0,1% x Tổng giá trị bán (bất kể lãi/lỗ)20% x (Giá bán - Giá vốn - Chi phí liên quan)
Cơ sở tính thuếDoanh thu (giá trị chuyển nhượng)Lợi nhuận (thu nhập ròng)
Tính công bằngKhông công bằng vì vẫn thu thuế ngay cả khi nhà đầu tư bị lỗCông bằng hơn vì chỉ thu khi có lãi
Tính đơn giảnRất đơn giản, dễ thu, dễ áp dụngPhức tạp, cần xác minh giá vốn, chi phí và lãi/lỗ
Tác động đến tâm lý nhà đầu tưGây khó chịu khi lỗ vẫn phải đóng thuếTích cực hơn vì chỉ nộp khi có lãi
Tác động đến ngân sáchỔn định và dễ thuBiến động tùy theo diễn biến thị trường
Tác động đến thanh khoản thị trường chứng khoánCó thể hạn chế thanh khoản vì làm tăng chi phí giao dịchKhông làm ảnh hưởng đến thanh khoản ngắn hạn, thuận lợi giao dịch tần suất cao
So sánh với quốc tếPhổ biến tại các nước đang phát triển (thuế suất nhỏ, dễ thu)Thường áp dụng tại các thị trường phát triển, nơi hệ thống chuẩn hơn
So sánh của ông Nguyễn Thế Minh về 2 cách tính thuế với nhà đầu tư chứng khoán

“Chúng tôi đánh giá việc chuyển sang cách tính thuế theo lãi ròng sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể đến thanh khoản trong ngắn hạn. Thực tế, nhiều thị trường có thanh khoản cao cũng đang áp dụng phương pháp này”, ông Minh nói.

Thái Hà

Theo Vietnamfinance