Thực trạng tuyến đường dự chi gần 19.000 tỷ mở rộng 10 lần, đắt gấp 3 lần cao tốc Bắc - Nam
Tuyến đường huyết mạch của Thủ đô nhưng có những đoạn chỉ rộng 7-8m, cản trở giao thông và gây mất tầm nhìn.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21 đoạn Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai đang được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tiến hành lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Công trình thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, tổng mức đầu tư (dự kiến) là 18.722 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 11.946 tỷ đồng, xây lắp 6.776 tỷ đồng.
Tuyến đường xây dựng trên địa bàn thị xã Sơn Tây, các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ với diện tích sử dụng đất khoảng 34,7ha. Tuyến đường có tổng chiều dài là 29,3km, tiêu chuẩn đường trục chính đô thị với tốc độ thiết kế 80km/h.
Phân kỳ đầu tư phần xe chạy chính lõi giữa rộng 10m mỗi bên, đường gom và vỉa hè hai bên được xây dựng hoàn chỉnh; xây dựng hoàn chỉnh nút giao liên thông cuối tuyến với Quốc lộ 6.
Giai đoạn 1A (triển khai năm 2016-2018) với quy mô 4 làn xe (24m), đưa vào khai thác từ năm 2019; giai đoạn 1B (từ năm 2019-2022) với quy mô 6 làn xe (44m), đưa vào khai thác từ năm 2023.
Theo quy hoạch hiện đã có một tuyến đường sắt đô thị vệ tinh kết nối Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai và sẽ tiếp tục kéo dài, song hành theo Quốc lộ 21A để nối xuống Phú Xuyên và sân bay thứ hai phía Nam. Đây là định hướng mới trong quy hoạch giao thông đường bộ, đường sắt đi song hành để phát triển các đô thị vệ tinh đi quanh khu vực trung tâm.
Dự án đang gặp khó khăn trong việc xác định phạm vi, ranh giới giữa hai địa phương, việc xác định nguồn vốn và phương thức đầu tư dự án phần nằm trên địa giới hành chính tỉnh Hòa Bình.
Nếu được thông qua thì dự án này có mức đầu tư lên đến 731 tỷ đồng cho mỗi km. Con số này gấp 1,3 lần mức đầu tư cho mỗi km trên cao tốc đắt nhất Việt Nam (Hải Phòng - Hạ Long, 556 tỷ đồng/km) và đắt gấp khoảng 3 lần so với các tuyến cao tốc Bắc - Nam như Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hậu Giang - Cà Mau.
Tuy nhiên, Quốc lộ 21A chạy dọc theo các khu dân cư đông đúc và là tuyến huyết mạch nối Vĩnh Phúc - Hà Nội với Hoà Bình nên lưu lượng xe tải, container rất đông. Quốc lộ 21 đoạn qua Hà Nội dài khoảng 32km. Phần lớn là đường nhỏ hẹp, không có dải phân cách, có đoạn chỉ rộng 7-8m. Mặt đường hư hỏng, xuống cấp.
Chỉ cần một thoáng mất tập trung, nguy cơ cao dẫn đến tại nạn. Do đó, việc mở rộng tuyến Quốc lộ 21A là vô cùng cấp bách và cần thiết.
Việc nâng cấp Quốc lộ 21 cùng với các tuyến giao thông như Quốc lộ 32, các đường tỉnh lộ … là lợi thế để đưa thị xã Sơn Tây sẽ phát triển theo hướng trở thành đô thị vệ tinh của Hà Nội với chức năng đô thị văn hóa, lịch sử, sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng; tạo công ăn việc làm, phát triển đời sống người dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng của Thủ đô.